Thế giới tuần qua: Trung Quốc xác nhận từng hủy mẫu virus corona, Nga chấm dứt kỳ nghỉ lễ hưởng lương
Minh Đăng -
16/05/2020 09:10 (GMT+7)
(VNF) - Trung Quốc xác nhận từng hủy mẫu virus corona chủng mới, quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố hết dịch Covid-19, Tòa án Mỹ mở lại cuộc điều tra nhắm tới thu nhập của Tổng thống Donald Trump... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.
Trung Quốc xác nhận từng hủy mẫu virus corona chủng mới
Tờ South China Morning Post ngày 15/5 dẫn lời ông Liu Dengfeng, quan chức thuộc bộ phận khoa học và giáo dục của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, xác nhận một số phòng thí nghiệm chưa được cấp phép được yêu cầu phải tiêu hủy các mẫu virus corona chủng mới để “phòng ngừa rủi ro với an toàn sinh học phòng thí nghiệm và ngăn chặn các thảm họa thứ phát gây ra bởi các mầm bệnh chưa được xác định”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên tục cho rằng Bắc Kinh đã "che đậy" và từ chối cung cấp mẫu bệnh của các bệnh nhân khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào cuối năm ngoái. Ông cũng cáo buộc Trung Quốc đã hủy các mẫu virus trong giai đoạn đầu, vốn có thể sử dụng để phát triển vaccine.
Theo ông Liu, những bình luận của một số quan chức Mỹ đã được lấy ra khỏi bối cảnh và cố tình gây nhầm lẫn.
Ông Liu cho biết khi căn bệnh viêm phổi lạ được ghi nhận ở Vũ Hán, các viện nghiên cứu chuyên môn ở cấp quốc gia đã nỗ lực xác định mầm bệnh.
Ông Liu khẳng định các động thái trên hoàn toàn phù hợp với quy trình chuẩn mực của Trung Quốc về việc xử lý các mẫu virus có khả năng lây nhiễm cao, và các phòng thí nghiệm chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn không nên tham gia vào quy trình này.
"Dựa trên nghiên cứu toàn diện và ý kiến chuyên gia, chúng tôi đã tạm thời xếp virus gây bệnh vào Lớp II, có khả năng lây nhiễm cao, và áp dụng các yêu cầu đảm bảo an toàn sinh học trong việc lấy mẫu, vận chuyển và các hoạt động thí nghiệm, cũng như phá hủy mẫu”, ông Liu nhấn mạnh.
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua liên quan đến những tranh cãi về nguồn gốc virus corona chủng mới. Bắc Kinh đang chịu sức ép từ nhiều nước đòi điều tra về cách nước này xử lý dịch Covid-19.
Quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố hết dịch Covid-19
Thủ tướng Slovenia Janez Jansa ngày 15/5 tuyên bố nước này chính thức hết dịch Covid-19.
Điều này đồng nghĩa Slovenia là quốc gia châu Âu đầu tiên công bố dịch bệnh đã được đẩy lùi đồng thời mở cửa trở lại lại biên giới giáp các quốc gia Italy, Áo, Croatia và Hungary.
Thủ tướng Janez Jansa nhấn mạnh, qua những số liệu thống kê, Slovenia cho thấy là một quốc gia có tình hình dịch bệnh tốt nhất ở châu Âu và thời điểm này không cần phải tiếp tục sử dụng các biện pháp “đặc biệt” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Slovenia được ghi nhận vào ngày 4/3 là một người trở về từ Italy. Tiếp đó tới ngày 12/3, nước này đã tuyên bố dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc. Theo thống kê, cho tới nay, nước này đã có 1.465 trường hợp mắc Covid-19 bao gồm 103 ca tử vong.
Chính phủ cũng mở cửa trở lại biên giới cho cư dân EU có thể tự do đi lại từ các quốc gia láng giềng như Áo, Italy và Hungary nhưng phải qua các trạm kiểm soát được thiết lập từ trước, đối với công dân ngoài EU có mong muốn nhập cảnh sẽ phải cách ly bắt buộc 14 ngày. Mặc dù chính phủ nước này tuyên bố hết dịch Covid-19 nhưng một số các biện pháp vẫn được duy trì như đeo khẩu trang bắt buộc, cấm tụ tập đông người tại nơi công cộng, đảm bảo các quy tắc về giãn cách xã hội…
Một số trung tâm mua sắm và khách sạn sẽ được phép mở cửa trở lại vào tuần tới. Các môn thể thao như bóng đá hay các cuộc thi thể thao đồng đội khác có thể tiếp tục hoạt động từ ngày 23/5.
Tòa án Mỹ mở lại cuộc điều tra nhắm tới thu nhập của Tổng thống Trump
Ngày 14/5, một tòa án Mỹ đã mở lại cuộc điều tra về thu nhập có nguồn gốc từ các thực thể nước ngoài mà Tổng thống Mỹ Donald Trump kiếm được thông qua khách sạn của ông tại thủ đô Washington.
Tòa án phúc thẩm liên bang đã đảo ngược phán quyết được ba thẩm phán của cơ quan này đưa ra hồi năm ngoái, về việc chấm dứt điều tra vụ việc trên do các vấn đề thủ tục. Phán quyết mới không đề cập chi tiết nội dung của vụ việc.
Ông Jay Sekulow, luật sư riêng của Tổng thống Trump và Bộ Tư pháp Mỹ đều lên tiếng phản đối quyết định đảo ngược phán quyết nói trên, và cho biết sẽ gửi đơn kháng cáo tới Tòa án Tối cao Mỹ.
Quyết định của Tòa phúc thẩm cho phép nối lại vụ kiện mà trong đó các Tổng chưởng lý tại Washington và bang láng giềng Maryland cáo buộc ông Trump vi phạm điều khoản Tư lợi của Hiến pháp Mỹ.
Điều khoản này nằm trong Điều 1 của Hiến pháp Mỹ, theo đó nghiêm cấm các quan chức chính phủ nhận quà tặng, tiền thưởng hoặc danh hiệu của nước ngoài mà không có sự đồng ý của Quốc hội Mỹ.
Bên nguyên đơn cho rằng việc các phái đoàn nước ngoài thường tới khách sạn Trump International, gần Nhà Trắng, để "lấy lòng" Tổng thống Trump là vi phạm Hiến pháp.
Tuy nhiên, đại diện của ông Trump và Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng điều khoản Tư lợi chỉ được áp dụng nhằm ngăn chặn các thành viên chính phủ nhận hối lộ, chứ không phải từ việc thực hiện các chức năng thông thường của doanh nghiệp như lời khẳng định của Tổng thống Mỹ.
Trên thực tế, sau khi nhậm chức hồi năm 2017, Tổng thống Trump đã trao quyền quản lý các doanh nghiệp cho các con trai nhưng ông vẫn nắm giữ cổ phần trong tổ chức Trump Organization. Số cổ phần này đạt doanh thu 435 triệu USD vào năm 2018.
Mỹ tăng sức ép quân sự với Trung Quốc
Hôm 13/5, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ bất ngờ thông báo toàn bộ tàu ngầm của đơn vị này ở khu vực đang hoạt động ngoài khơi “để ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Mặc dù quân đội Mỹ gần đây đã chấm dứt sự hiện diện của các máy bay ném bom ở đảo Guam trên Thái Bình Dương lần đầu tiên kể từ năm 2004 nhưng Không quân tiếp tục triển khai các máy bay ném bom tới khu vực.
Những tuần gần đây, các máy bay B-1 xuất phát từ các căn cứ ở Mỹ đã được triển khai ít nhất 3 lần ở khu vực, trong đó có sứ mệnh tuần tra ở Biển Đông. Cuối tháng trước, Hải quân Mỹ cũng thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Hôm 13/5, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan. Việc Mỹ điều tàu qua khu vực nhạy cảm này được cho là nhằm phát đi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc.
“Chúng tôi quan ngại việc Trung Quốc gia tăng hoạt động cơ hội, đe dọa các nước láng giềng và đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông trong khi khu vực và thế giới tập trung đối phó đại dịch Covid-19”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn bình luận.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng tiếp tục nhấn mạnh chiến lược đối phó Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu.
Nga chấm dứt kỳ nghỉ lễ hưởng lương
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định chấm dứt kỳ nghỉ lễ hưởng lương toàn quốc kể từ ngày 12/5 cũng như thông báo hàng loạt các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Người dân Nga đã được nghỉ làm hưởng lương kể từ ngày 28/3 đến hết ngày 11/5. Theo Tổng thống Nga Putin, kỳ nghỉ kéo dài này đã giúp làm chậm sự tiến triển của đại dịch, nhờ đó, Nga đã có thời gian để chuẩn bị cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, tăng cường số lượng giường bệnh và cứu sống "hàng nghìn sinh mạng".
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết thêm rằng công tác xét nghiệm của Nga đang được đẩy mạnh, hiện mỗi ngày có khoảng 170 nghìn xét nghiệm được tiến hành và con số này sẽ tăng lên 300 nghìn vào giữa tháng 5.
Theo Tổng thống Putin, việc dỡ bỏ hạn chế cách ly ở Nga sẽ được thực hiện từng bước theo diễn biến của dịch Covid-19. Do tình hình dịch bệnh ở mỗi vùng là khác nhau, người đứng đầu các khu vực cần kết hợp với cơ quan y tế địa phương có trách nhiệm để đưa ra những quyết định phù hợp.
Đồng thời, ông Putin cũng công bố hàng loạt các biện pháp hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiện tổng số ca nhiễm và số người tử vong ở Nga lần lượt là 262.843 và 2.418. Nga đến nay tiếp tục là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha. Thủ tướng Mikhail Mishustin cùng hàng loạt quan chức cấp cao của nước này đã bị xác nhận mắc Covid-19.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.