Nga: Hơn 250.000 ca nhiễm Covid-19, đối mặt cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất từ năm 2009

Thanh Tú - 15/05/2020 13:23 (GMT+7)

(VNF) - Là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 3 thế giới, Nga có thể sẽ phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 2009, với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 15% khiến 8 triệu người không có việc làm.

VNF
Tính đến hết ngày 14/5, nước Nga ghi nhận tổng cộng 252.245 ca nhiễm Covid-19.

Nước Nga hiện ghi nhận tổng cộng 252.245 ca nhiễm Covid-19, nhiều thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ (1.457.593) và Tây Ban Nha (272.646). Tuy nhiên, Nga chỉ ghi nhận 2.305 người tử vong, tỷ lệ tử vong là 0,9%, thấp hơn nhiều so với Mỹ (6%) và Tây Ban Nha (10%).

Moscow hiện là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở Nga. Theo thống kê chính thức, Moscow đã ghi nhận 1.290 ca tử vong trong tổng số hơn 130.000 ca nhiễm Covid1-19 tính đến hết ngày 14/5.

Mặc dù các số liệu gần đây cho thấy đại dịch đã đạt đỉnh và đang có xu hướng chững lại tại Nga. Bên cạnh đó, chính sách xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn của Nga đã đem lại hiệu quả bước đầu rõ rệt khi phát hiện nhanh các ca nhiễm không triệu chứng, duy trì tỷ lệ tử vong ở mức thấp và gia tăng tỷ lệ hồi phục.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn đưa ra nhiều dự báo bi quan về quá trình phục hồi của nền kinh tế Nga sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Tại phiên họp trực tuyến mới đây của Câu lạc bộ điều phối thuộc Hiệp hội kinh tế tự do (VEO) Nga, Chủ tịch VEO Nga kiêm Chủ tịch Liên minh các nhà kinh tế quốc tế, ông Sergei Bodrunov lưu ý rằng inh tế Nga phải đối mặt với "một loạt cú sốc" trong năm 2020, bên cạnh những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, hệ thống y tế quá tải... còn có giá dầu lao dốc do nhu cầu trên thế giới giảm mạnh.

Thành viên hội đồng quản trị VEO Nga, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Ngoại thương Nga, Andrey Klepach, cho rằng khi bỏ cách ly, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với chi phí bổ sung và một số lĩnh vực khó có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng - ví dụ như các hãng hàng không. Cầu nhiều mặt hàng sẽ giảm vì thu nhập hộ gia đình không hồi phục nhanh chóng.

Cho đến nay, Nga đã công bố các biện pháp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trị giá tới 2.000 tỷ rubble (26,9 tỷ USD).

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế của Nga ước tính rằng nước này có thể phải chi tới 5.000 tỷ rubble (67,3 tỷ USD), tương đương từ 5-6% GDP, để hỗ trợ các doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng, ngăn chặn đà suy thoái.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, mặc dù kinh tế Nga đã tăng trưởng 2,9% trong tháng 2/2020, song Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina dự báo kinh tế Nga có thể giảm tới 8% trong quý 2/2020 do các nỗ lực ngăn chặn tình trang bùng phát dịch COVID-19, giảm mạnh chi tiêu cũng như hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh ngân sách sụt giảm, Nga còn phải đối mặt với các khoản chi cho xã hội gia tăng khi thất nghiệp tăng đột biến do đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng và các doanh nghiệp khác trong đại dịch.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga có thể giảm 5,5% trong năm 2020 do dịch bệnh Covid-19. Đây là mức suy thoái lớn nhất của nền kinh tế Nga kể từ năm 2009.

Trong bài phát biểu trên truyền hình mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định chấm dứt kỳ nghỉ lễ hưởng lương toàn quốc kể từ ngày 12/5 cũng như thông báo hàng loạt các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Người đứng đầu Điện Kremlin yêu cầu xóa các khoản thuế và đóng góp bảo hiểm trong quý 2 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ước tính, sẽ có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ biện pháp này.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng đề xuất cho các hộ kinh doanh cá thể dược hoàn thuế kể từ năm 2019, hỗ trợ tài chính và giảm thuế cho các hộ kinh doanh cá thể này.

Đối với các bác sĩ, y tá, điều dưỡng và kỹ thuật viên làm việc trong các cơ sở xã hội, ông Putin đề xuất cấp một khoản phụ cấp từ 10.000 rúp (136 USD) tới 60.000 rúp (818 USD), tùy theo vị trí công tác từ ngày 15/4-15/7.

Những biện pháp này của ông Putin đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Nga. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga (VSIOM) cho thấy đa số những người theo dõi bài phát biểu có đánh giá tích cực về nhà lãnh đạo Nga.

66% những người theo dõi bài phát biểu cho rằng ông Putin thấu hiểu tình hình thực tế và những vấn đề mà người dân đang gặp phải. Tỷ lệ những người bày tỏ hài lòng với bài phát biểu của ông Putin cũng ở mức cao (72%).

Đa số người Nga (73%) được hỏi tin rằng ông Vladimir Putin đang nỗ lực hết sức để giải quyết tình hình nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra. Gần 70% người Nga tin rằng tình hình dịch bệnh ở Nga vẫn trong tầm kiểm soát.

Xem thêm >> Ông Trump nói ‘thất vọng về Trung Quốc’, dọa cắt đứt quan hệ

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác