Tài chính

Thị trường giảm điểm với thanh khoản thấp, VCG ngược dòng tăng kịch trần

(VNF) - Mặc dù thị trường chung lao dốc trong ngày 4/5 nhưng vẫn có một số cổ phiếu gây ấn tượng mạnh, trong đó phải kể đến nhóm cổ phiếu dòng dầu khí, đầu tư công. Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, Thủ tướng chỉ đạo thành lập 6 tổ công tác thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.

Thị trường giảm điểm với thanh khoản thấp, VCG ngược dòng tăng kịch trần

Thị trường giảm điểm với thanh khoản thấp, VCG ngược dòng tăng kịch trần

Tâm lý nhà đầu tư vẫn hết sức dè dặt sau thời gian thị trường chứng khoán liên tục lao dốc. Bằng chứng là chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn 18 điểm trong phiên 4/5, tương đương 1,33%, xuống dưới mốc 1.350 điểm, trong bối cảnh thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE ở mức rất thấp, chỉ vỏn vẹn 13.490 tỷ đồng.

Thời kỳ trước đây, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE thường xuyên dao động trong khoảng 18.000 – 22.000 tỷ đồng, không hiếm phiên trên 28.000 tỷ đồng.

Hai trụ cột của thị trường là nhóm ngân hàng và nhóm bất động sản đều giao dịch kém khả quan, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Trong số 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index trong phiên 4/5, nhóm ngân hàng góp tới 6 đại diện.

Cụ thể, VCB giảm 1,24%, VPB giảm 2,45%, TCB giảm 4,55%, CTG giảm 2,7%, MBB giảm 3,02%, ACB giảm 2,91%, VIB giảm 6,05%, TPB giảm 4,76%, STB giảm 3,43%, HDB giảm 1,98%, OCB giảm 3,56%, EIB giảm 2,17%... Chỉ có SHB và LPB bất ngờ ngược dòng với mức tăng lần lượt 2,45% và 2,44% giá trị.

Tương tự, cổ phiếu chứng khoán bao phủ bởi sắc đỏ như VND giảm 3,23%, VCI giảm 2,5%, HCM giảm 3,2%, FTS giảm 6,45%, ORS giảm 6,63%...

Ở nhóm bất động sản, VIC và VHM giảm lần lượt 0,38% và 0,77%, NVL giảm 1,83%, BCM giảm 2,21%, VRE giảm 3,07%, DIG giảm 6,15%, KDH giảm 2,92%, ITA giảm 4,62%, HDG giảm 5,38%, DXS giảm 6,68%, TCH giảm 3,11%... Mặc dù bức tranh chung ảm đạm nhưng vẫn có một số cổ phiếu gây ấn tượng như BCG tăng 3,48%, HBC tăng 5,56%, CTD tăng 4,14%. Nhóm đầu tư công cũng có mức tăng tốt như HHV, C4G và đặc biệt là VCG tăng kịch biên độ.

Là 1 trong 13 cổ phiếu tăng kịch trần trên sàn, giao dịch tích cực của cổ phiếu VCG nói riêng và các cổ phiếu đầu tư công được cho là do có thông tin vĩ mô hỗ trợ.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 vào ngày 29/4, Thủ tướng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do các phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, thúc đẩy việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời đề xuất các giải pháp hiệu quả, khả thi để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế.

Riêng với VCG, kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng trong quý I/2022 có thể đã giúp cổ phiếu tăng kịch trần. Doanh nghiệp này đã kết thúc quý I với mức lợi nhuận trước thuế 787 tỷ đồng, tăng trưởng 74% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu thuần cũng tăng 40% lên 1.333 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm 2022 đã được ĐHCĐ thông qua, kết thúc quý I, Vinaconex đã hoàn thành 55,6% mục tiêu về lợi nhuận.

Tiếp tục ở nhóm sản xuất, trong đó HPG giảm 3%, MSN giảm 2,5%, VNM giảm 2,29%, GVR giảm 2,77% nhưng SAB tăng 0,86%, SBT tăng 2,63%, GIL tăng 1,91%, ANV tăng 3,04%, HT1 tăng 6,63%... Dù vậy, khá bất ngờ khi DCM, DPM, DBC, HSG, MSH giảm kịch sàn.

Thêm một điểm sáng nữa trong phiên là cổ phiếu năng lượng, hàng không và bán lẻ khi GAS tăng 1,89%, PLX tăng 1,35%, PGV tăng 0,16%, POW tăng kịch trần; VJC và HVN tăng lần lượt 0,31% và 2,53%; MWG tăng 0,2%, PNJ tăng 0,28% còn FRT có thêm 0,77% giá trị.

Ngoài ra, cổ phiếu vận tải thủy cũng gây ấn tượng mạnh khi GMD tăng 3,86%, TMS tăng 3,18%, HAH tăng 6,27%, VSC tăng kịch trần... Nhìn chung, toàn sàn HoSE có 140 mã tăng giá, 38 mã đứng giá tham chiếu và 301 mã giảm giá.

Tin mới lên