Thu hút FDI: 'Đã đến lúc Việt Nam được quyền chọn, được quyền nói không'
(VNF) - Để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, được quyền nói “không” với những dự án FDI không đạt yêu cầu, không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giải ngân FDI có thể đạt kỷ lục 25 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2024, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng tích cực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% và vốn giải ngân khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Với xu hướng này, dự kiến Việt Nam có thể kỳ vọng thu hút vốn FDI khoảng 39 - 40 tỷ USD cho cả năm 2024.
Về quá trình thu hút FDI vào Việt Nam, GS.TSKH. Nguyễn Mại cũng dự báo, Việt Nam có thể đạt mức giải ngân vốn FDI kỷ lục với 25 tỷ USD.
Nhận định về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua, GS.TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, năm 2024 có thể là một năm thành công trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam.
“Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao” ông Mại đánh giá.
Vị chuyên gia này chia sẻ, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip.
Những chính sách gần đây của Mỹ như Friend Shoring đã nhìn nhận Việt Nam đóng vai trò quan trong trong chính sách này của họ. Hiện tại, nguồn lực cho chính sách này đang được Mỹ bổ sung và một khoản tiền không nhỏ từ Đạo luật Chip sẽ hỗ trợ đối tác Việt Nam trong ngành bán dẫn.
Ngoài ra, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn như Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán, sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và tăng vốn đầu tư.
Việt Nam có quyền nói “không”
Mặc dù, những đóng góp tích cực của khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam thời gian qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khu vực FDI thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại nhất định, đặc biệt là tình trạng tiêu cực, “lợi bất cập hại” trong thu hút nguồn vốn này.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, xét về lợi ích - một tiêu chí quan trọng trong hoạt động đầu tư FDI, Việt Nam vẫn bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về quốc gia của họ “những khoản lợi nhuận khổng lồ”.
Về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư.
Hiện nay, có khoảng 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư như các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với các tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn các quốc gia khác.
“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng, vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam vẫn chưa bằng quốc gia xuất xứ”, ông Mại cho biết.
Dưới góc nhìn của mình, bà Dương Thị Vĩnh Hà, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ kế hoạch và Đầu tư nhận định, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam tuy được đánh giá là cạnh tranh nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế.
Theo đó, nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn thiếu tính đa dạng và cạnh tranh do chủ yếu là ưu đãi thuế dựa trên thu nhập, chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí.
Bên cạnh đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định như tại Điều 18 Luật Đầu tư nhưng chưa được quy định thống nhất và đồng bộ với pháp luật về ngân sách nhà nước nên không thể thực thi trong thực tế.
Ngoài ra, theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, các chính sách thu hút, ưu đãi với khu vực FDI không hợp lý, tình trạng ưu đãi tràn lan, không tập trung vào những ngành trọng điểm hoặc không trúng vào các khâu tạo nên giá trị gia tăng cao mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư.
Do đó, để nâng cao dòng vốn FDI vào Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng: “Đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, được quyền nói “không” với những dự án FDI không đạt yêu cầu, không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Đồng thời, đây cũng là cách để tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp trong nước. Khi không còn phải cạnh tranh với những "ông lớn" nước ngoài có nhiều ưu đãi, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
FDI vào Bà Rịa - Vũng Tàu cao kỷ lục, Sonadezi Châu Đức lợi nhuận tăng mạnh
- Bắc Ninh lập kỷ lục: Thu hút 4,5 tỷ USD vốn FDI 04/10/2024 07:15
- Đồng Nai: Mỗi năm thu hút hơn 1 tỷ vốn FDI 03/10/2024 06:30
- Samsung, Amkor, Foxconn đồng loạt 'rót' tiền, Bắc Ninh sắp cán mốc 5 tỷ USD vốn FDI 20/09/2024 02:53
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.