Thủ tướng: Ngân hàng 'không để Chính phủ bị động, doanh nghiệp thiếu vốn'
Khánh Tú -
08/01/2024 15:22 (GMT+7)
(VNF) - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý ngành ngân hàng cần phải chia sẻ với doanh nghiệp và người dân, không được để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng "không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng”.
Các ngân hàng cần chia sẻ hơn nữa với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; rà soát điều kiện, thủ tục (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn cũng như tránh tình trạng người dân đến ngân hàng gửi tiền thì nhân viên ngân hàng lại giới thiệu những kênh đầu tư có lãi suất, lợi nhuận cao hơn nhưng nhiều rủi ro, Thủ tướng nói.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngân hàng hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chấm dứt cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, khách hàng lớn; tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động… nhằm tiết giảm chi phí, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Trước đó, trong Báo cáo tổng quan về ngành ngân hàng năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng về cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong bối việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Thị trường tiền tệ ngoại hối về cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm về mức lãi suất trước dịch COVID-19; đồng VND mất giá chỉ khoảng 2,9% và là 1 trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới; an toàn hoạt động ngân hàng được bảo đảm, đạt được các chỉ tiêu về chuyển đổi số,...Tăng trưởng tín dụng của năm 2023 đạt 13,71%, tương đương với 1,5 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.
Đáng chú ý, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Trên cơ sở đó, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Về định hướng điều hành trong năm 2024, NHNN sẽ tập trung vào 5 trọng tâm chính, bao gồm: Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng;
Cùng với đó, tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém; Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động TTKDTM; Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.