Toàn cảnh Vinhomes Royal Island qua những khung hình từ trên cao
(VNF) - Dự án Vinhomes Royal Island đã được mở bán từ cuối tháng 3 với quy mô 877 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD nằm trọn trên đảo Vũ Yên.
Những cửa hàng tạp hóa nhỏ nơi góc xóm hay thôn quê, với chiếc tủ kính bày đủ loại từ giấy mực đến gói bánh kẹo đủ màu, từng là điểm đến quen thuộc, niềm ao ước của thế hệ 8x, 9x. Thế nhưng, theo thời gian, những miền ký ức ấy dần bị lùi xa, nhường chỗ cho các chuỗi bán lẻ hiện đại với cửa kính sáng loáng và nhân viên đồng phục lễ phép cúi chào khách hay "làn sóng" dữ dội mua bán hàng online.
Đối diện với thực trạng này, liệu các cửa hàng tạp hóa truyền thống có đang dần "hết thời"?
Tại ngã tư sầm uất ở Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chị Thủy, chủ một tiệm tạp hóa bất ngờ rao bán cửa hàng vào cuối tháng 8/2024.
Chị Thủy chia sẻ: “Kinh doanh tạp hóa phù hợp với những bà nội trợ muốn vừa chăm con vừa kiếm thêm thu nhập. Trước đây buôn bán ổn định, nhưng sau dịch, tình hình kinh doanh càng lúc càng chậm. Khách mua hàng liên tục so sánh giá trên các sàn thương mại điện tử, chỉ cần cao hơn vài nghìn là chê đắt, thậm chí bỏ đi. Mặt bằng này tôi thuê 9 triệu đồng/tháng, nhưng có tháng phải bù lỗ.”
Theo chị Thủy, gia đình chị đã phải bỏ vốn hàng trăm triệu đồng trước đó để mở hàng tạp hóa này. Tuy nhiên, càng ngày quán chị càng vắng khách nên chị vô cùng chán nản.
Chị Ngát, chủ tiệm tạp hóa ở Thanh Trì (Hà Nội), cho biết chi phí duy trì tiệm đã trở thành gánh nặng: “Mặt bằng 7 triệu, tiền điện 3,5 triệu cho các tủ mát và tủ đông. Bán từ sáng đến tối vẫn chỉ đủ trả tiền thuê và tiền điện. Nghề này rủi ro nhiều, nào là mua thiếu, bị lừa gạt. Ai nghĩ bán tạp hóa là dễ thì nên suy nghĩ thật kỹ trước khi bỏ tiền vào.”
Tương tự, anh Khánh, chủ tiệm tạp hóa lâu năm ở phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng than thở: “Nghề này giờ vất vả lắm. Ngồi bán từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối mà thu nhập chẳng bao nhiêu, ngày lễ người ta nghỉ thì mình vẫn phải mở cửa.”
Với lợi nhuận hàng tháng chỉ khoảng 5 – 6 triệu đồng, anh Khánh cho biết đang cân nhắc đóng cửa.
Mua hàng qua mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại, với sự tiện lợi và nhiều ưu đãi từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Theo báo cáo "Thị trường TMĐT - Thời của mua sắm và giải trí" từ Kirin Capital, đến tháng 4/2024, 50% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn mua sắm online, trong khi chỉ 30% còn gắn bó với các cửa hàng truyền thống.
Thống kê cho thấy 61% người dùng đặt hàng qua sàn TMĐT, 55% qua mạng xã hội và 34% từ các website TMĐT. Đặc biệt, 91% người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động để mua sắm, phản ánh xu hướng ưa chuộng các ứng dụng di động. Các mặt hàng phổ biến nhất trên sàn online gồm thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng và thiết bị điện tử. Thị trường TMĐT Việt Nam không ngừng mở rộng và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP.
Sau gần 25 năm gắn bó với nghề tạp hóa, chị Thanh Hằng (TP. Hà Tĩnh) đang cân nhắc đóng cửa tiệm, chuyển sang kinh doanh mỹ phẩm online.
"Ngày trước chỉ có mình tôi bán, nhưng giờ siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi, bước ra ngõ là thấy. Bên cạnh đó, xu hướng mua hàng online đang diễn ra quá mạnh mẽ. Chỉ cần vài thao tác, ngày mai đã có hàng giao tận nơi," chị Hằng chia sẻ.
Chị Hằng cho biết, nghề tạp hóa từng giúp chị nuôi các con ăn học và ổn định cuộc sống, nhưng vài năm gần đây, công việc này không còn "màu mỡ" như trước. Lượng khách thưa thớt, hàng hóa nhập về ít dần, và vì ít lựa chọn nên khách cũng không còn mặn mà ghé mua.
"Vốn mỏng, không bán được thì tồn kho, không có tiền nhập hàng mới, trong khi các sàn TMĐT luôn có đủ mọi thứ, cập nhật mỗi ngày. Chỉ cần mình bán cao hơn giá siêu thị một chút là khách không quay lại nữa," chị nói thêm.
Hiện tại, khách hàng của tiệm chủ yếu là hàng xóm quanh khu phố, và đa số chỉ mua những nhu yếu phẩm hàng ngày.
Chia sẻ với với báo chí, chủ một tiệm tạp hóa than thở về tình hình kinh doanh ế ẩm: "Bán chậm quá, tôi không nhập hàng nữa, hết hàng thì dẹp tiệm luôn. Ngày qua ngày, bà chỉ bán được vài ngàn đồng tiền nước đá lẻ và thuốc lá, thứ duy nhất khách hàng chưa mua trực tuyến".
Trước sự bùng nổ của mua sắm online, các tiểu thương, đặc biệt là các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Sự suy giảm của hệ thống bán lẻ truyền thống không chỉ ảnh hưởng đến các chủ tiệm mà còn đến cả chuỗi cung ứng và việc làm của nhiều người lao động. Người tiêu dùng chọn mua hàng online vì tiện lợi và giá cả, nhưng hệ quả dài hạn có thể tác động ngược lại đến chính họ khi thị trường lao động và hệ thống phân phối bị thu hẹp.
(VNF) - Dự án Vinhomes Royal Island đã được mở bán từ cuối tháng 3 với quy mô 877 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD nằm trọn trên đảo Vũ Yên.