Bất động sản

Tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây 'mắc kẹt' vì khan hiếm đất đắp đường

(VNF) - Dù đạt mức giải ngân tốt nhưng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chưa thể tăng tốc thi công vì thiếu nguồn đất đắp đường. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ cho dự án, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn "dẫm chân tại chỗ" vì... vướng luật.

Tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây 'mắc kẹt' vì khan hiếm đất đắp đường

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong những dự án đạt tốc độ giải ngân tốt nhất hiện nay. Cụ thể, từ 1/1/2021 đến 1/6/2021, dự án đã giải ngân được 1.388 tỷ đồng/ 2.439,5 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch.

Đây là tiền đề tốt để triển khai 63 mũi thi công tại 4 gói thầu trên toàn tuyến, gồm: Gói 1- XL (15 mũi thi công), gói 2-XL (18 mũi thi công), gói 3-XL (18 mũi thi công) và gói 4-XL (11 mũi thi công).

Liên quan đến giải phóng mặt bẳng, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Ban QLDA Thăng Long) đã được nhận 98,1/99km (đạt 99,1%). Trong đó, tỉnh Bình Thuận giao toàn bộ 47,67km (đạt 100%), tỉnh Đồng Nai bàn giao được 50,43/51,33km (đạt 98,2%).

Đến thời điểm này chỉ có đôi chút vướng mắc tại tỉnh Đồng Nai (gồm 1km thuộc gói thầu 3-XL và gói thầu 4-XL).

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Công Hợp, Phó trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban QLDA Thăng Long, Bộ Giao thông vận tải cho biết: "Nhờ có mặt bằng sạch, sau 7 tháng thi công, hình hài cao tốc hiện lên khá rõ nét. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu hụt đất đắp nền đường".

"Ví dụ, tại gói thầu tại tỉnh Đồng Nai, nhu cầu về đất san lấp khoảng 2,9 triệu m3, chưa tính khối lượng đất tận dụng, điều phối trong tuyến. Tuy nhiên, hiện đang thiếu khoảng 2 triệu m3. Điều này gây khó khăn lớn đối với các nhà thầu, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng dự án".

Chia sẻ về những khó khăn trên, ông Lê Anh Tuấn, chỉ huy trưởng gói thầu 4-XL thuộc liên doanh nhà thầu Công ty CP Xây dựng Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 cho biết: "Hiện nhà thầu phải mua đất từ mỏ đá Núi Nứa (TP.Long Khánh). Tuy nhiên, đất ở mỏ đá là đất tầng phủ, có lẫn đá, sau khi khai thác phải nghiền thì mới dùng để đắp nền đường".

Ông Tuấn cho hay, “mỗi mét khối đất mua ở mỏ đá Núi Nứa có giá 88 ngàn đồng nhưng vận chuyển về đến công trường thì tăng lên 148 ngàn đồng. Trong khi đó, theo hồ sơ đã được duyệt, mỗi mét khối đất phục vụ gói thầu số 4 có giá khoảng 80 ngàn đồng. Giá đất tăng cao khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn”.

Tương tự, tại gói thầu 3-XL (đoạn qua Đồng Nai), "dự kiến, nguồn đất san lấp được lấy từ 4 mỏ đất trên địa bàn 2 huyện Cẩm Mỹ và Xuân Lộc. Tuy nhiên đến nay, các mỏ này vẫn chưa được cấp phép khai thác. Nhà thầu phải lấy ở những nơi khác nên chi phí đội cao".

Để tháo gỡ những khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, Ban QLDA Thăng Long, Bộ GTVT đã có kiến nghị tới Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương sớm cấp phép hoạt động các mỏ đất. Tuy nhiên, đến hiện 7 mỏ/10 mỏ đất được quy hoạch để cung cấp nguồn đất phục vụ thi công đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn "chờ giấy phép".

Thừa nhận mắc kẹt giữa "rừng" thủ tục pháp lý, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai cho hay: "Việc khai thác đất san lấp chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật như: Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Môi trường, Luật Đầu tư. Do đó, việc thực hiện phải tuân thủ các luật trên. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm".

Trong lúc dự án đang khó khăn, có nguy cơ chậm tiến độ thì tại gói thầu 1-XL và 2-XL trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 14 hộ dân đã nhận tiền nhưng quay cản trở thi công và 16 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h được khởi công cuối tháng 9/2020. Dự án với hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.

 

Tin mới lên