Tình huống hiếm gặp ở Việt Nam: Khách ngại vay vốn, ngân hàng ế tiền

Minh Dũng - 17/06/2023 23:57 (GMT+7)

(VNF) - Dù lãi suất huy động đã giảm mạnh, lãi suất cho vay cũng hạ nhiệt nhưng nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn ngại vay vốn. Còn các ngân hàng cũng muốn bơm vốn ra thị trường nhưng còn sợ rủi ro.

VNF

Người dân ngại vay vốn dù lãi suất hạ nhiệt

Vào những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp “khóc ròng” vì khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để xoay xở kinh doanh dù chấp nhận lãi suất cao.

Song tình hình hiện nay đang có chiều hướng ngược lại. Việc tiếp cận vốn ở các ngân hàng thuận lợi và lãi suất thấp hơn nhưng doanh nghiệp không mặn mà. Hiện nay, quy mô sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp có xu hướng giảm nên nhu cầu vay vốn giảm. Đang có tình trạng doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đang khát vốn, thiếu vốn nhưng lại không dám vay vì cho rằng lãi suất còn cao và đồng vốn vay hiện nay khó sử dụng hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp cho biết trong tình trạng khó khăn như hiện nay, họ phải tìm cách tiết giảm nhiều chi phí, không dám vay ngân hàng bởi chi phí lãi vay ngân hàng là gánh nặng rất lớn.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Diễn đàn Kinh tế TP.HCM diễn ra gần đây, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết, doanh nghiệp không xuất hàng được, cầu cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp. Tâm trạng chung của doanh nghiệp là cầm cự, giữ đơn hàng… Một số doanh nghiệp còn phải bán bớt tài sản để trả nợ khi đáo hạn, nếu không muốn xếp vào nhóm nợ xấu, bị mất uy tín trong vấn đề thanh toán.

Do lãi suất ngân hàng còn neo cao nên nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay.

"Dù doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn nhưng với lãi suất trên 10% thì không có doanh nghiệp nào dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay", ông Hòa chia sẻ.

Thông tin tại “Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ” tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phản ánh, có đến 55% số doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng do không có đơn hàng. Đối với lĩnh vực bất động sản, người mua ngại vay và mong muốn có chính sách ưu đãi cho người mua nhà để yên tâm,…

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực - Thực phẩm TP.HCM, lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành chỉ ở mức 10-12% sau khi trừ lãi suất vay ngân hàng khiến cho doanh nghiệp không thể nào tái sản xuất. Bà Chi cho rằng việc hạ mặt bằng lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp xoay xở trong bối cảnh khó khăn hiện nay nhưng cũng khó làm ăn có lãi.

Thậm chí, có những doanh nghiệp được duyệt các khoản vay hỗ trợ, ưu đãi với lãi suất thấp nhưng lại không muốn nhận hoặc xin trả lại vốn vay vì sợ thanh tra.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho hay, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện rất lớn. Nhưng doanh nghiệp ngại khi tham gia gói ưu đãi 2% lãi suất vì sẽ phải làm việc nhiều với các đoàn thanh tra, kiểm toán.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 5, tín dụng đạt 12,3 triệu tỷ đồng, tức tăng 3,17% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 5/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu suy yếu, tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy giảm. Báo cáo cho thấy, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh, nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.

Vào tháng 4/2023, so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng ước tính đã giảm xuống 9,2%, từ mức 9,9% vào tháng 3 và 12,2% ào tháng 2, mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Tín dụng chững lại bất chấp việc nới lỏng chính sách và giảm lãi suất cho vay của NHNN và thanh khoản thị trường dồi dào, phản ánh khả năng hấp thụ yếu của nền kinh tế…


Ngân hàng muốn bơm vốn ra cũng khó

Có nghịch lý là các ngân hàng đang "đỏ mắt" tìm khách tốt để cho vay với lãi suất thấp nhưng tìm không ra, trong khi nhiều khách hàng sẵn sàng vay nhưng ngân hàng không dám giải ngân vì sợ rủi ro.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn cho hay các ngân hàng cũng chịu áp lực tăng trưởng tín dụng, gắn liền với KPI, nhưng khó tìm được khách hàng thỏa tiêu chí như mong đợi để cho vay.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn, không vay được vốn là do khả năng tài chính của doanh nghiệp, phương án vay không đáp ứng điều kiện vay vốn nên các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay được.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Tấn Lộc, Tổng Giám đốc Eximbank, thông tin, 5 tháng đầu năm nay, huy động vốn tại ngân hàng tăng 3% nhưng tín dụng chỉ tăng chưa đến 2%. Tín dụng tăng chậm do kinh tế khó khăn, nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm sút.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn cho biết dư nợ tín dụng từ đầu năm đến cuối tháng 3 tăng trưởng âm. Ngân hàng cũng xoay xở tìm mọi cách bơm vốn ra thị trường vì huy động nhiều mà không cho vay được sẽ lỗ. Nhưng những khách hàng lớn đều cho biết hàng tồn kho rất nhiều do nhu cầu từ thị trường trong nước lẫn nước ngoài đều giảm. Vì thế, doanh nghiệp không dám vay vốn để sản xuất tiếp mà phải lo giải phóng lượng hàng tồn trước.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc NHNN giảm lãi suất điều hành tới ba lần trong hơn hai tháng qua nhưng lãi suất cho vay chưa theo kịp với mức giảm của lãi suất huy động là vì ngân hàng lo ngại rủi ro cho sức khỏe doanh nghiệp.

"Trong tương lai lãi suất cho vay có khả năng sẽ giảm mạnh hơn nhưng với điều kiện các yếu tố kinh tế thuận lợi và sức khỏe doanh nghiệp tốt lên", ông Hiếu nhận định.

Các ngân hàng cho biết lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh vì một lượng vốn huy động giá cao chưa "tiêu hóa" hết. Lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn các ngân hàng huy động lãi suất cao trong cuối năm 2022 và đầu quý I/2023. Hiện các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cao cho số tiền huy động này nên chưa thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức.

Hiện nhiều khách hàng vay vốn vẫn chưa được ngân hàng giảm lãi vay với dư nợ cũ. Không ít khách hàng cá nhân vay mua ô tô, nhà ở,… vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay phổ biến 12-14%/năm.

Dù thanh khoản có cải thiện hơn so với những tháng đầu năm 2023 nhưng theo các chuyên gia, để dòng tiền thực sự quay trở lại thị trường bất động sản, vẫn phụ thuộc phần lớn vào lãi suất cho vay của ngân hàng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải chịu mức lãi suất cao. Có những doanh nghiệp càng vay, càng làm càng lỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

"Ngân hàng rất muốn cho vay nhưng vì trải qua khủng hoảng kéo dài, các doanh nghiệp hầu như đã không còn đủ điều kiện vay vốn. Nếu cố cho vay thì ngân hàng sẽ phải chịu rủi ro rất lớn", ông Hiếu lý giải.

Theo giới chuyên gia, ngoài giảm lãi suất, để giải quyết câu chuyện tín dụng cần nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm khơi thông thị trường, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh. Trong đó, cần tiến hành miễn, giảm, giãn thuế, phí cho sản xuất kinh doanh; hủy bỏ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh còn đang gây khó, cản trở doanh nghiệp cũng như sớm có giải pháp xử lý các dự án tồn đọng…

Cùng chuyên mục
Tin khác