Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Lo lắng vì lãi vẫn neo cao
Nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chững lại như hiện nay, đây được coi là cơ hội để người mua nhà ở thực có thể mua với mức giá tốt. Thời gian qua, lãi suất vay dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao khiến nhiều người có ý định vay tiền ngân hàng mua nhà phải "chùn chân", còn những người đã vay mua nhà vẫn đang phải trả lãi cao chót vót.
Anh Lê Thanh (trú quận Hà Đông, Hà Nội) đang rất lo lắng về khoản vay ngân hàng vay mua nhà trả góp của mình. 2 năm trước, anh vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư. Sau thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm, kể từ đầu năm nay, khoản vay mua nhà của anh bị tính lãi suất thả nổi từ 10,9%/năm, giờ lên tới 15,4%/năm. Mỗi tháng, anh Thanh đang phải lo trả ngân hàng gần 20 triệu đồng tiền gốc và lãi..
Điều anh Thanh bức xúc là nhiều tháng qua, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất khoản vay của anh vẫn không thấy giảm, thậm chí còn tăng. Tương tự, Lê Hoa (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, chị đang có khoản vay 1,8 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại với mức lãi suất 13%/năm. Chị Hoa sốt ruột vì thấy các ngân hàng liên tục công bố giảm lãi suất huy động nhưng lãi suất khoản vay mua nhà của chị chưa thấy giảm.
Đối với khách hàng hiện hữu là thế, còn khách hàng vay mới cũng tỏ ra e dè khi vay tiền ngân hàng mua nhà.
Anh Hoàng Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đầu năm nay, vợ chồng anh dự định mua một căn hộ chung cư để an cư sau nhiều năm ở trọ. Nhưng sau khi tham khảo thông tin về lãi vay tại một số ngân hàng, vợ chồng anh thấy vẫn còn khá cao và vượt qua khả năng chi trả của gia đình. Lãi suất vay mua nhà tại một số ngân hàng hiện vẫn dao động từ 13 - 14%/năm, vẫn rất cao và có thể biến động. Do đó, vợ chồng anh quyết định chờ một thời gian nữa cho lãi suất giảm thêm mới mua nhà.
Nhiều người lo lắng về việc áp dụng lãi suất thả nổi theo thị trường của các ngân hàng.
Chị Lan Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi tìm hiểu nhiều ngân hàng thì được biết lãi suất cho vay ưu đãi của các ngân hàng hiện khá "mềm", chỉ từ 4,99 - 6%/năm. Nhưng mức lãi suất ưu đãi này thường chỉ giữ trong 3 - 6 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường.
"Mặt bằng lãi suất thả nổi tại các ngân hàng thường bằng lãi suất cơ sở hoặc lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 3,5 - 4%/năm, tương ứng với mức lãi từ 13 - 15%/năm, tôi sợ không kham nổi với điều kiện tài chính hiện nay", chị Lan Anh chia sẻ.
Thực tế, lãi suất cho vay cũ và mới của các ngân hàng hiện còn khá cao.
Lãi suất cho vay mua nhà dành cho khách hàng hiện hữu tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đang từ 14,6 - 15,4%/năm; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong khoảng 13 - 14%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từ 10 - 12,1%/năm; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ở mức khoảng 10,7%/năm...
Đối với khách hàng vay mới, mức lãi suất cho vay ưu đãi nhất đang là 4,99%/năm tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Nhưng đây là lãi suất ưu đãi áp dụng cho thời gian ngắn, sau đó sẽ tính lãi suất thả nổi theo thị trường, ước tính khoảng 13,5%/năm.
Một số ngân hàng khác vẫn áp dụng lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở mức trên 10%/năm. Chẳng hạn, tại PVcomBank, mức lãi suất 12%/năm chỉ áp dụng 6 tháng đầu, các tháng sau đó sẽ tính 15,5%/năm. Hay như ở HDBank, mức 13,5%/năm chỉ áp dụng cho năm đầu, từ năm tiếp theo, mức lãi sẽ cộng thêm biên độ là 4,5%/năm.
Với mức lãi suất cho vay còn cao như hiện nay, câu chuyện đi vay mua nhà thật sự là đang vượt quá khả năng tài chính của những người có nhu cầu thật.
Lãi suất cho vay mua nhà khó hạ nhanh
Từ giữa tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Ngay sau động thái này của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã có chiều hướng giảm nhưng với lãi vay thì vẫn chưa có sự chuyển biến nhiều.
Hiện nhiều khách hàng vay vốn vẫn chưa được ngân hàng giảm lãi vay với dư nợ cũ. Không ít khách hàng cá nhân vay mua ô tô, nhà ở,… vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay phổ biến 12-14%/năm.
Các ngân hàng cho biết lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh vì một lượng vốn huy động giá cao chưa "tiêu hóa" hết. Lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn các ngân hàng huy động lãi suất cao trong cuối năm 2022 và đầu quý I/2023. Các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cao cho số tiền huy động này nên chưa thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức.
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho hay sẽ giảm 0,3-0,5% lãi vay với khách hàng hiện hữu, song chỉ áp dụng với một thời gian hoặc với gói tín dụng nhất định, chưa thể áp dụng sâu rộng. Nguyên nhân xuất phát từ việc chi phí vốn của các ngân hàng vẫn còn đang rất cao.
Còn theo nhóm phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động do độ trễ chính sách, đồng thời lãi suất giảm chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp, ngành nghề ưu tiên.
Chủ tịch một tập đoàn bất động sản lớn cũng cho biết: Hiện lãi suất dành cho các ngành sản xuất, kinh doanh khác có thể giảm nhưng lãi suất cho vay đối với bất động sản vẫn neo rất cao. Dù ngân hàng có mở hầu bao cho vay thì doanh nghiệp cũng không vay được vì dự án vướng pháp lý.
Chứng khoán SSI cho biết: "Trong khi chúng tôi nhận thấy lãi suất huy động đã giảm tới 250 - 300 điểm cơ bản so với đầu năm thì mức điều chỉnh lãi suất mua nhà lại chưa giảm nhiều do các khoản cho vay mua nhà được đánh giá là khá rủi ro liên quan tới các vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản".
Dù thanh khoản có cải thiện hơn so với những tháng đầu năm 2023 nhưng theo các chuyên gia, để dòng tiền thực sự quay trở lại thị trường bất động sản, vẫn phụ thuộc phần lớn vào lãi suất cho vay của ngân hàng.
Ngoài thủ tục pháp lý, việc người mua nhà khó tiếp cận vốn vay do lãi suất quá cao cũng là vấn đề nan giải. Lãi suất thực tế lên đến 13 - 14%/năm như hiện nay sẽ không thể thúc đẩy nhu cầu mua nhà của người dân. Lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao khiến cho tâm lý người mua nhà vẫn e dè dẫn đến thanh khoản bất động sản rất khó khăn dù các chủ đầu tư liên tục đưa ra các chương trình hỗ trợ như chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm nhưng cũng khó bán hàng.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, giao dịch các tháng gần đây vẫn chậm, lý do bởi nhiều người cho rằng đi vay để mua nhà lúc này là không phù hợp với ngân sách gia đình. Các chuyên gia của VARS cho rằng, chỉ khi nào mặt bằng lãi suất trung bình giảm xuống dưới 10% thì khi đó thị trường bất động sản mới “phản ứng” mạnh. Lãi suất 10% là con số mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, các khoản vay mua nhà thường là vay dài hạn, nên các ngân hàng sẽ phải cân nhắc mức độ rủi ro của nền kinh tế mới tính tới việc giảm sâu lãi vay. Theo ông Hiếu, lãi suất cho vay cần giảm xuống dưới 10%/năm thì mới có thể kích tăng sức cầu tiêu dùng bất động sản, nhưng vấn đề là kéo lãi suất xuống được mức đó ở thời điểm này là không thể, bởi lãi suất thế giới đang trong xu hướng tăng, nếu Việt Nam giảm mạnh lãi suất sẽ tạo sự bất ổn về tỷ giá, ngoại hối.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.