Toàn cảnh khu vực xây dựng cảng biển hơn 3.400 tỷ đồng ở Đà Nẵng

Khánh Hồng - 12/07/2022 08:51 (GMT+7)

(VNF) - Dự án cảng Liên Chiểu có kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố. Việc xây dựng cảng Liên Chiểu gắn với phát triển logistics là một trong những động lực tăng trưởng của Đà Nẵng.

Vừa qua, tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, UBND TP. Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm, trong đó có dự án cảng Liên Chiểu (nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).

 

Cảng biển Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.

 

Dự án gồm 2 hợp phần, trong đó, hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố. Dự kiến khởi công tháng 9/2022 với các hạng mục gồm đê, kè chắn sóng (1.170m); luồng tàu, vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu cho tàu đến 100.000DWT (6.000-8.000 Teu); giao thông đường bộ kết nối đến cảng; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng.

 

Hợp phần B (giai đoạn khởi động) với tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên là đơn vị được giao làm chủ dự án.

 

Theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng cảng Liên Chiểu gắn với phát triển logistics là một trong những động lực tăng trưởng của Đà Nẵng.

 

Cảng Liên Chiểu có vị trí thuận lợi về độ sâu, thuận tiện về kết nối giao thông: đường sắt (ga đường sắt mới, tuyến đường sắt cao tốc trong tương lai), đường bộ (Quốc Lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan, hành lang kinh tế Đông Tây 2) và kết nối với các khu công nghiệp của thành phố (khu công nghệ cao, khu công nghiệp Liên Chiểu).

 

Khi đưa vào vận hành, cảng Liên Chiểu sẽ khắc phục các hạn chế về giao thông cắt ngang thành phố, đảm bảo an toàn giao thông đô thị, môi trường du lịch ở khu vực phía Đông. Đồng thời, từng bước chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ du lịch.

 

Tại buổi khảo sát quy hoạch tổng thể cảng Liên Chiểu ngày 26/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt nhiều câu hỏi về dự báo nhu cầu hàng hóa trong khu vực, giải pháp và chu kỳ xử lý tình trạng bồi lắng, lưu ý bài toán kinh phí dành cho nạo vét trong tổng thể hiệu quả dự án… trong nước và quốc tế, lưu ý tính toán làm đường kết nối với tầm nhìn xa...

 

Thủ tướng lưu ý cần dự báo, tính toán số liệu tương lai để làm công trình hiện tại, không phải đếm số liệu hiện tại để làm công trình tương lai. Thủ tướng yêu cầu quy hoạch hoàn chỉnh; hoàn thiện hạ tầng kết nối, kêu gọi hợp tác công tư trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; hoàn thành dự án dứt điểm theo tiến độ.
Tags: