Tài chính

Tổng nợ thuế lên tới hơn 79.000 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu hồi chiếm 45%

(VNF) - Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ đến 30/11/2018 là 79.069 tỷ đồng. Số nợ này giảm 3% so với thời điểm 31/10/2018.

Tổng nợ thuế lên tới hơn 79.000 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu hồi chiếm 45%

Tổng nợ thuế lên tới hơn 79.000 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu hồi chiếm 45%. (Ảnh minh họa)

Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 43.342 tỷ đồng (nợ dưới 90 ngày là 11.057 tỷ đồng; nợ trên 90 ngày là 32.285 tỷ đồng). Số nợ này chiếm tỷ trọng 54,8% tổng số tiền thuế nợ.

Bên cạnh đó, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 35.727 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm 30/11/2018, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ tại thời điểm 31/12/2017 ước đạt 28.111 tỷ đồng, bằng 67% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2017.

Tổng cục Thuế cũng cho biết trong những ngày cuối năm sẽ yêu cầu các cục thuế tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện đôn đốc và cưỡng chế nợ, công khai thông tin nợ thuế đối với danh sách doanh nghiệp nợ thuế Tổng cục Thuế đã thông báo. Đồng thời đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ thu nợ đã giao cho các địa phương, đặc biệt là 16 địa phương điều tiết ngân sách Trung ương trong tháng cuối năm.

Được biết, tại phương án xử lý nợ đọng thuế ngành thuế quản lý được ban hành kèm theo Quyết định 1914/QĐ-TCT ngày 22/11/2018, Tổng cục Thuế đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Trong đó có giải pháp đôn đốc đối với nhóm nợ có khả năng thu hồi.

Theo đó, đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ từ 1-30 ngày, cơ quan thuế thực hiện gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật để yêu cầu nộp tiền thuế nợ.

Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ từ 31 ngày trở lên, cơ quan thuế thực hiện ban hành 100% thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp theo mẫu số 07/QLN kèm theo Quyết định số 1401/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế gửi đến từng người nộp thuế còn nợ tiền thuế yêu cầu nộp ngay tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Đối với các trường hợp đã hết thời hạn không tính tiền chậm nộp, thời gian gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ theo quy định Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế phải ban hành Thông báo 07/QLN ngay trong tháng kế tiếp tháng hết thời hạn không tính tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ và tổ chức áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đúng thời hạn quy định.

Trong trường hợp có phản ánh việc thông báo nợ thuế (TB 07/QLN) của cơ quan thuế không đúng với sổ sách kế toán của người nộp thuế thì trong thời hạn chậm nhất 3 ngày làm việc kể từ khi người nộp thuế phản ánh, trưởng các phòng chức năng tại văn phòng Cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đối chiếu, xác định chính xác nợ thuế và cập nhật đầy đủ kết quả nợ thuế vào hệ thống ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS).

Đối với số nợ từ 60 ngày trở lên, cơ quan thuế thực hiện ban hành văn bản đôn đốc, trong đó nêu cụ thể các biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu người nộp thuế không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế gửi đến từng chủ doanh nghiệp, từng cá nhân kinh doanh yêu cầu nộp tiền thuế, tiền chậm nộp còn nợ ngân sách theo đúng quy định.

Đối với các doanh nghiệp có khoản tiền thuế nợ từ 91 ngày trở lên, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với 100% doanh nghiệp có tiền thuế nợ đã quá thời hạn nộp từ 91 ngày trở lên.

Cơ quan thuế cũng sẽ ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp nợ thuế quá thời hạn từ 121 ngày; sau khi hết thời hạn của quyết định cưỡng chế hóa đơn (1 năm), nếu doanh nghiệp chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, cơ quan thuế chưa triển khai được biện pháp cưỡng chế tiếp theo thì cơ quan thuế tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Cùng với đó, cơ quan thuế sẽ thực hiện công khai thông tin người nợ thuế đối với các trường hợp đã thực hiện cưỡng chế, định kỳ hàng tháng, bộ phận quản lý nợ lập danh sách các trường hợp phải công khai thông tin và chuyển bộ phận tuyên truyền - hỗ trợ thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên báo (báo viết, báo hình) trung ương hoặc địa phương và website ngành thuế.

Tin mới lên