Đưa hệ thống 'lên mây', kiến tạo nền tảng xã hội số
Trần Lê -
19/07/2024 06:30 (GMT+7)
(VNF) - TP.HCM chuyển từ tự đầu tư mua sắm hạ tầng máy chủ riêng lẻ sang vận hành thống nhất trên một nền tảng đám mây dùng chung và giám sát an toàn thông tin 24/7. Bên cạnh đó, TP. HCM cũng chuyển từ tin học hóa quy trình hiện có thành kiến tạo quy trình mới, qua đó liên tục rà soát, tái cấu trúc lại quy trình, cắt giảm thủ tục, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
TP. HCM xác định chủ đề năm 2024 là thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Đây là thách thức rất lớn, và cũng là động lực để các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã tập trung thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đưa chuyển đổi số đến những vùng xa xôi của thành phố.
Kinh tế số đạt 22% GRDP của TP. HCM
Năm 2024, TP. HCM đặt mục tiêu phấn đấu đóng góp của kinh tế số trong GRDP đạt 22%. Trước đó, vào năm 2023, quy mô kinh tế số TP. HCM đạt 18,22% GRDP thành phố.
Trong 4 mục tiêu tổng quát về chủ đề năm 2024, TP. HCM xác định cần tận dụng lợi thế về hạ tầng, thị trường, nhân lực và điều kiện đặc thù để phát triển mạnh kinh tế số; thúc đẩy tương tác giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Cụ thể, TP. HCM đặt mục tiêu 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện và phường xã thị trấn; phấn đấu nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh; 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên hệ thống.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông TP. HCM, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP. HCM cho biết, TP. HCM đã thay cách làm công nghệ thông tin so với trước đây khi chuyển từ việc mua sắm, đầu tư các hệ thống riêng lẻ sang tập trung xây dựng các nền tảng số thống nhất toàn thành phố. Trong đó, chuyển từ xây dựng các phần mềm rời rạc sang tập trung các nền tảng số.
Hiện nay, TP. HCM đang vận hành 14 nền tảng số lớn. Riêng trong năm 2023, đã tập trung xây dựng, phát triển 5 nền tảng quan trọng gồm: Nền tảng giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công; Nâng cấp hệ thống tiếp nhận, trả lời và xử lý phản ánh, kiến nghị người dân (tổng đài 1022); Nền tảng bản đồ số TP. HCM; Hệ thống đánh giá chỉ số chuyển đổi số TP. HCM và hệ thống quản trị thực thi của thành phố trên các nền tảng số.
Sắp tới, nền tảng lắng nghe mạng xã hội có ứng dụng AI cũng được áp dụng để mỗi sở, ngành, quận, huyện có thể theo dõi thông tin hằng ngày về đơn vị; trả lời câu hỏi về 10 vấn đề người dân thành phố quan tâm nhất.
Về hạ tầng, thành phố chuyển từ việc cơ quan nhà nước tự đầu tư mua sắm hạ tầng máy chủ riêng lẻ, sang vận hành thống nhất trên một nền tảng đám mây dùng chung và giám sát an toàn thông tin 24/7.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ chuyển từ cách thức tự xây dựng sang thuê dịch vụ. Việc này giúp triển khai nhanh, giảm bớt thủ tục đầu tư, giảm rủi ro trong các dự án đầu tư, xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin (CNTT), khắc phục khó khăn về nhân sự CNTT hiện nay trong khối cơ quan nhà nước.
TP. HCM cũng chuyển từ tin học hóa quy trình hiện có thành kiến tạo quy trình mới. Với cách làm này, sẽ liên tục rà soát, tái cấu trúc lại quy trình, cắt giảm thủ tục, thời gian xử lý trên cơ sở liên thông, khai thác, sử dụng lại dữ liệu, hướng tới tự động hóa, cá nhân hóa dịch vụ khi người dân thực hiện thủ tục hành chính, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Kỳ vọng chuyển đổi số tạo nên chuyển biến về quản trị
Năm 2024, lần đầu tiên TP. HCM ban hành chỉ số chuyển đổi số, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các sở ngành, địa phương. Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của TP. HCM gồm các thành phần: Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số sở, ban, ngành với 6 chỉ số chính; 32 chỉ số thành phần, thang điểm 330. Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức với 9 chỉ số chính; 51 chỉ số thành phần, thang điểm 660. Các mức độ đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước cấp sở, ban ngành thuộc TP. HCM sẽ được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 6 chỉ số chính và được xếp loại theo nhiều mức.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP. HCM, trong quý I/2024, TP. HCM đạt được nhiều kết quả tích cực, có thể kể như hình thành các nền tảng số, cải tiến quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính nhanh và giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân. Đồng thời, củng cố an toàn thông tin, hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Với những giải pháp này, nền hành chính TP. HCM đang dần hiện đại hơn, các kết quả xử lý thủ tục hành chính cho người dân được công khai minh bạch, giúp cho người dân tiếp cận với nền hành chính công vụ thuận tiện trên môi trường số.
Dự kiến đến năm 2025, TP. HCM cơ bản vận hành nền hành chính trên các nền tảng số. Đánh giá khách quan theo bộ chỉ số chuyển đổi số của quốc gia thì TP. HCM đứng thứ 2 của cả nước.
Trong những tháng còn lại, TP. HCM còn rất nhiều việc để thực hiện năm chuyển đổi số 2024. Đó là hoàn thiện thể chế, quy định để làm sao các ngành, các cấp đều tham gia một cách đồng bộ và quyết tâm cho công tác chuyển đổi số. Với công tác thể chế, ban hành các quy định để toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố sử dụng các nền tảng này. Khi sử dụng các nền tảng chung thì dữ liệu mới được chia sẻ toàn thành phố, từ đó mới có cơ sở người dân và doanh nghiệp khai báo một lần.
Ngoài ra, còn có các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng các nền tảng số mới, hình thành các nền tảng số quan trọng, ví dụ như hệ thống thông tin quản lý đất đai, hệ thống thông tin quản lý cấp phép xây dựng, các hệ thống liên quan đến đầu tư công, quản lý công sản của thành phố… Khi những hệ thống thông tin quan trọng này hoàn thành và đi vào vận hành sẽ tạo nên chuyển biến rất khác trong quản trị của thành phố.
Còn nhiều thách thức
Cụm từ đô thị thông minh mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam khoảng năm 2017, chuyển đổi số từ năm 2020. Tại các nơi khác, TP. Seoul (Hàn Quốc) đã thực hiện việc này cách đây 20 năm, Singapore thực hiện chuyển đổi số từ năm 1994 với tổng kinh phí thực hiện là 250 triệu đô la Singapore (SGD) và có khoảng 1.500 người để thực hiện, tất cả nhằm đáp ứng nhu cầu của 4 triệu dân. Tại Việt Nam, chương trình chuyển đổi số Quốc gia mới bắt đầu từ năm 2020. Do đó, nền tảng số TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, vẫn cần tiếp tục cải thiện, liên thông, đồng bộ để nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu cán bộ công chức và người dân.
Theo ông Lâm Đình Thắng, TP. HCM xác định chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tất cả đều hướng đến để phục vụ người dân doanh nghiệp. Tuy nhiên quá trình xây dựng chính quyền số tại TP. HCM cũng còn nhiều yếu tố cản trở rất lớn. Đó là, hành lang pháp lý trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chưa đầy đủ. Cơ sở dữ liệu quốc gia còn đang trong quá trình hoàn thiện chia sẻ. Việc chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp đang được triển khai, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư trên mạng và công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Người dân, doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại, chưa tin tưởng việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng… Do đó, TP. HCM đã kiến nghị Chính phủ; kiến nghị và chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương; việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; việc quảng cáo trên internet…
Trình độ nhân lực cũng là một vấn đề lớn. TP. HCM sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các kiến thức về chính quyền số, chuyển đổi số; kỹ năng sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin; kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người dân, doanh nghiệp trong môi trường số. Trong đó, TP. HCM cũng tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin…
Một trong những giải pháp của TP. HCM đó là hình thành Trung tâm chuyển đổi số. Đây là đội ngũ chuyên trách, có nhân lực có kỹ thuật, sẽ hỗ trợ cho các địa phương, sở ngành xây dựng các nền tảng, tư vấn về ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức ở nơi đó để có kỹ năng và hiểu hơn công tác chuyển đổi số.
TP. HCM là thành phố lớn nhất nước, một trong những đô thị phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với mật độ người dân đông, đô thị hóa phát triển mạnh mẽ. Việc xây dựng chính quyền số giữ vai trò quan trọng, giúp thành phố đổi mới phương thức hoạt động, tối ưu hóa hiệu suất quản lý của nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công thuận tiện.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.