'Cai nghiện' năng lượng Nga: Trung Âu đối đầu với nguy hiểm
(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mục tiêu chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu hydrocarbon từ Nga vào năm 2027. Nhưng một số quốc gia ở Trung và Đông Âu đang phải vật lộn để thỏa mãn cơn khát dầu khí từ phía đông.
Năng lượng Nga vẫn tràn vào châu Âu
Bất chấp các lệnh trừng phạt toàn diện của EU đối với Nga nhằm lên án việc nước này đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, dầu của Nga vẫn tràn vào Liên minh châu Âu, phần lớn đều không rõ nguồn gốc.
Trên thực tế, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch ước tính đã bơm 4,47 tỷ euro (4,85 tỷ USD) mỗi tuần vào nền kinh tế Nga vào giữa tháng 10, 350 triệu euro trong số đó đến từ EU.
Lượng khí đốt mua từ Nga mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức 150 tỷ mét khối (bcm) được ghi nhận vào năm 2021 nhưng đã bắt đầu tăng trở lại vào cuối năm 2023.
Ủy viên Năng lượng EU, bà Kadri Simson, gần đây đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về sự gia tăng này khi phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Năng lượng EU vào giữa tháng 10.
"Chúng ta phải luôn cảnh giác để điều này không trở thành xu hướng mang tính cấu trúc", bà Simson nhấn mạnh.
Nhưng các quan chức EU cho hay một số quốc gia thành viên EU thậm chí còn không cố gắng hạn chế tình trạng “nghiện ngập” của họ.
Ở Trung Âu, nơi phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga, các nước như Áo, Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc vào Nga với khoảng 80% lượng khí đốt của họ.
Với mức độ phụ thuộc cao như vậy và thách thức trong việc hủy bỏ các hợp đồng dài hạn, chắc chắn đây là nhiệm vụ khó khăn hơn đối với khu vực này khi chuyển sang các giải pháp thay thế thường đắt đỏ hơn.
Cộng hòa Séc (Czechia) đã xoay xở được, phần lớn chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thông qua Hà Lan và Đức. Tuy nhiên, họ thấy việc cai dầu của Nga khó khăn hơn.
Hungary là một trong số nhiều thành viên EU vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết 6,2 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên đã được Nga vận chuyển đến Hungary trong năm nay, thông qua đường ống TurkStream và các nhánh của nó thông qua Bulgaria và Serbia.
"Đây là khối lượng khí đốt nhập khẩu lớn nhất cho đến nay tính theo năm", người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary cho hay.
Hungary đã nhiều lần chỉ trích EU về kế hoạch từ bỏ khí đốt của Nga vào năm 2028 như một phần của quá trình chuyển đổi xanh của khối. Hungary cũng đã cảnh báo rằng họ có thể chặn các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow nếu chúng gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của họ. Ông Szijjarto đã mô tả kế hoạch này là "hoàn toàn phi lý" và có động cơ chính trị.
Cản trở từ Ukraine
Ukraine vận hành một trong hai đường ống còn lại vận chuyển khí đốt của Nga vào EU, vận chuyển 15bcm trong tổng số 25bcm đã đến khối này vào năm ngoái, nhưng nước này có kế hoạch dừng vận chuyển khi hợp đồng với Gazprom hết hạn vào cuối năm.
Slovakia, quốc gia có nguồn thu nhập quan trọng từ việc vận chuyển khí đốt này sang Áo, dường như đang phải vật lộn để thuyết phục Ukraine tiếp tục hợp tác với Gazprom.
Các bên liên quan, bao gồm Ukraine, Nga và các quốc gia quan tâm khác, được cho là đang cân nhắc nhiều kịch bản khác nhau để giữ cho các đường ống dẫn khí của Ukraine luôn đầy khí đốt.
Nga có thể bán khí đốt tại biên giới của mình và để khách hàng tự sắp xếp quá cảnh qua Ukraine. Ngoài ra, Azerbaijan có thể duy trì nguồn cung theo thỏa thuận với EU vào năm 2022. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ yêu cầu sự hợp tác của Nga.
Hungary, phần lớn được cung cấp khí đốt từ Nga thông qua đường ống Turk Stream chạy bên dưới Biển Đen, sẽ không có nhiều thay đổi trong trường hợp thoả thuận giữa Ukraine và Gazprom dừng lại. Ngược lại, Slovakia và Áo sẽ buộc phải hành động.
Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu hụt, họ có thể khai thác các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU, mà Brussels cho biết đã đầy 95%.
Họ cũng có thể sắp xếp nguồn cung thay thế. Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, trong khi các mạng lưới của EU cũng sẽ cho phép giao LNG của Mỹ và Bắc Phi qua các nhà ga ở Đức, Ba Lan và Ý.
"Mục tiêu ngăn chặn mọi hoạt động nhập khẩu của Nga là thực tế", ông Martin Jirusek, chuyên gia về địa chính trị và an ninh năng lượng tại Đại học Masaryk của Cộng hòa Séc, nói với DW.
"Tất cả các quốc gia EU đều có năng lực để thực hiện điều đó. Có những tuyến đường để đưa dầu và khí đốt không phải của Nga đến Hungary và Slovakia. Câu hỏi chỉ là liệu có ý chí chính trị hay không", ông Martin nhấn mạnh thêm.
'Lựa chọn nguy hiểm'
Năm tới, EU cũng có thể gia tăng áp lực sau sáu tháng tạm lắng khi Hungary giữ chức chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Ba Lan sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên vào tháng 1 và Ủy viên trừng phạt của Ukraine Vladyslav Vlasiuk gần đây đã bày tỏ "hy vọng lớn" vào nhiệm kỳ của đồng minh này tại vị trí lãnh đạo khối.
Các báo cáo cho rằng một gói trừng phạt mới tập trung chủ yếu vào năng lượng đang được triển khai, mặc dù người phát ngôn của Ủy ban châu Âu đã từ chối xác nhận hoặc phủ nhận thông tin này với DW.
Tuy nhiên, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson đã nhấn mạnh sự tức giận của Brussels đối với những quốc gia chậm trễ, đặc biệt là Hungary.
"Nếu các quốc gia thành viên muốn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga, và họ làm như vậy thậm chí vượt quá công suất theo hợp đồng, hoặc nếu họ muốn ký các thỏa thuận mới cho công suất mới, tôi muốn nói rõ: Đây không phải là điều cần thiết. Đó là một lựa chọn chính trị và là một lựa chọn nguy hiểm", bà Simson nhấn mạnh thêm.
Mỹ trừng phạt 398 công ty ở nhiều quốc gia vì cáo buộc hỗ trợ Nga
Toàn cảnh thi công Cao tốc Hoà Liên - Túy Loan 2.100 tỷ đồng
(VNF) - Tuyến đường được xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h; trong giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m