Từng là 'vua', Volkswagen đã ‘vấp ngã’ tại Trung Quốc như thế nào?

Thanh Tú - 01/11/2024 08:29 (GMT+7)

(VNF) - Một cuộc chiến giá cả tàn khốc, sự thay đổi đột ngột trong nhu cầu của người tiêu dùng và các vấn đề về nhân quyền ở Tân Cương đã khiến Volkswagen vấp ngã trên thị trường mà hãng đã dẫn đầu trong 40 năm.

Những bức tường cao kéo dài hàng trăm mét của các tòa nhà công nghiệp tại nhà máy lắp ráp của Volkswagen ở trung tâm khu vực Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, từng là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp của Đức và giờ đây là dấu hiệu cho thấy sự bế tắc trong kinh doanh và chính trị của Volkswagen tại quốc gia tỷ dân.

Trong 4 thập kỷ, tập đoàn Volkswagen là công ty dẫn đầu tại thị trường xe hơi Trung Quốc, nơi các tài xế đánh giá cao nhiều loại xe của hãng, từ Volkswagen Santana tiết kiệm đến Audi và Porsche mạnh mẽ. Nhưng VW đã bị thay thế vị trí là nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Trung Quốc bởi công ty xe điện nội địa BYD.

Trong 4 thập kỷ, tập đoàn Volkswagen là công ty dẫn đầu tại thị trường xe hơi Trung Quốc.

BYD đã nhanh chóng mở rộng doanh số bán xe điện hoàn toàn trong ba năm qua. BYD đã khiến VW bất ngờ vào đầu năm nay khi tăng cường bán xe hybrid xăng-điện có thể đi được quãng đường dài chỉ bằng năng lượng từ pin, với động cơ xăng làm phương án dự phòng. VW có ít sản phẩm trong danh mục này, và đây được xem một lỗ hổng lớn mà hãng sẽ không thể lấp đầy hoàn toàn cho đến cuối năm sau.

"Người tiêu dùng Trung Quốc coi VW là ông vua của quá khứ, thời đại mà các thương hiệu toàn cầu thống trị tối cao", ông Michael Dunne, một cố vấn ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cho biết.

Theo ông Dunne, ngày nay, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thờ ơ với các sản phẩm của VW. Họ thích những sản phẩm mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn với giá thành rẻ hơn từ các thương hiệu trong nước.

Các lãnh đạo điều hành của Volkswagen cho biết họ từ chối tham gia cuộc chiến giảm giá và do đó họ đã từ bỏ thị phần.

Những rắc rối của Volkswagen tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến toàn bộ công ty. Mức giảm 10,2% về số lượng xe bán ra tại Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay đã xóa sạch toàn bộ mức tăng doanh số của công ty tại các thị trường còn lại trên thế giới.

Toàn bộ doanh số bán hàng trên toàn thế giới của tập đoàn đã giảm nhẹ do hậu quả này và công ty đã công bố vào ngày 29/10 rằng lợi nhuận của công ty đã giảm mạnh trong quý III.

Công ty có thể phải đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của mình, một phần là do sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu, cách đây hơn một năm đã bắt đầu một cuộc điều tra về việc liệu chính phủ Trung Quốc có trợ cấp không đúng cách cho xe điện hay không.

VW bắt đầu vận chuyển xe điện chạy bằng pin Cupra Tavascan đến châu Âu vào tháng 5 từ một khu phức hợp thiết kế và sản xuất mới ở miền trung Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, Ủy ban châu Âu đã quyết định áp thuế. Các công ty như VW đã được thông báo rằng họ sẽ phải đối mặt với mức thuế cao nhất kể từ tuần này, lên tới 37%.

Vào tháng 5, VW bắt đầu xuất khẩu xe điện chạy bằng pin từ Trung Quốc sang châu Âu. Vấn đề là Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu áp thuế đối với những loại xe như vậy được nhập khẩu từ Trung Quốc.

VW đã xoay xở để giảm thuế xuống còn 21% và mức thuế đó có hiệu lực vào ngày 30/10. Nhưng Tesla, một trong những đối thủ lớn nhất của VW, đã thuyết phục ủy ban cắt giảm thuế xuống chỉ còn 7,8%.

Nhưng vấn đề tồn tại lâu nhất của Volkswagen tại Trung Quốc nằm ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương, nơi những người ủng hộ nhân quyền đã nêu lên mối lo ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức.

Đầu năm nay, hàng nghìn ô tô Audi và khoảng 1.000 chiếc Porsche cũng như hàng trăm xe Bentley đã bị tạm giữ tại các cảng của Mỹ sau khi chính quyền nước này phát hiện một bộ phận trong những chiếc xe được cho là được chế tạo thông qua lao động cưỡng bức ở Khu tự trị Tân Cương, miền Tây Trung Quốc.

Theo luật năm 2021 có tên là Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Mỹ, hàng nhập khẩu từ khu vực Tân Cương bị cấm do cho rằng chúng được thực hiện bằng lao động cưỡng bức.

Ngoài ra, khó khăn mới nhất đối với VW xảy ra vào ngày 23/10, khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết giám đốc tiếp thị của thương hiệu Volkswagen tại Trung Quốc đã bị bắt do dương tính với cocaine. Ông ở tù 10 ngày và sau đó bị trục xuất.

Không chỉ VW, BMW và Mercedes-Benz cũng đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận trong những tuần gần đây trong bối cảnh doanh số bán xe điện ở châu Âu sụt giảm và sự cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc

Cả ba "ông lớn" xe hơi này đều phải đối mặt với một vấn đề tương tự: doanh số của họ giảm mạnh ở Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới và là nguồn thu nhập một thời của các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Giá cổ phiếu VW đã giảm khoảng 1/5 trong năm nay và chỉ bằng gần một nửa giá cổ phiếu của hãng này vào tháng 10/2019. Các nhà phân tích tại UBS đưa ra khuyến nghị "bán" đối với cổ phiếu này, cũng như cảnh báo về chi phí tiềm ẩn và sự gián đoạn có thể phát sinh do "một cuộc tái cấu trúc lớn".

Volkswagen có thể phải đóng cửa nhà máy tại Đức lần đầu tiên trong lịch sử

Volkswagen có thể phải đóng cửa nhà máy tại Đức lần đầu tiên trong lịch sử

Tài chính quốc tế
(VNF) - Volkswagen có thể đóng cửa tới ba nhà máy tại Đức và sa thải hàng chục nghìn công nhân khi công ty này tìm cách giành lại lợi thế tại châu Âu trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm và sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc, đại diện nhân viên cấp cao của công ty cho biết.
Cùng chuyên mục
Tin khác