Trung tâm tích hợp dữ liệu: Nền tảng cho 'chính quyền số và đô thị thông minh'

Phước Nguyên - 01/06/2024 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Theo ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam, việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu sẽ đảm bảo năng lực triển khai chính quyền số và đô thị thông minh tại tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, việc này đóng vai trò nền tảng, kết nối các hệ thống thông tin giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Quảng Nam.

Chuyển đổi số được xác định là mục tiêu trọng tâm của tỉnh Quảng Nam, trong đó phát triển hạ tầng chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng. Để tìm hiểu việc phát triển hạ tầng chuyển đổi số của địa phương này, Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam.

- Được biết thời gian qua, tỉnh Quảng Nam rất chú trọng vào chuyển đổi số, trong đó, vai trò của hạ tầng chuyển đổi số là rất quan trọng. Ông có thể cho biết về việc phát triển hạ tầng chuyển đổi số của tỉnh đang diễn ra như thế nào?

Hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số. Phát triển hạ tầng số không chỉ tập trung vào những hệ thống mạng toàn quốc của các doanh nghiệp viễn thông lớn mà còn ở cấp cục bộ (cơ sở vật chất, các ứng dụng và công nghệ số...) tại từng tổ chức, doanh nghiệp để kết nối với hạ tầng số ra bên ngoài.

Tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản để phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.428.322 thuê bao điện thoại; Số thuê bao internet băng rộng là 931.306 thuê bao (trong đó số thuê bao internet cố định là 261.425 thuê bao, số thuê bao internet di động là 669.881 thuê bao).

Tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh đạt 76,8%. Toàn tỉnh phát triển được 2.112 trạm BTS, đường truyền cáp quang đã kéo đến cấp xã: 100% (241/241), cấp thôn: 96,5% (1197/1240); sóng thông tin di động 3G, 4G đã phủ sóng cấp xã: 100% (241/241), cấp thôn: 94,8% (1176/1240). 81,8% nhà văn hóa thôn có wifi (1014/1240); đã triển khai kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% các xã trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã và đang triển khai đầu tư Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021- 2025 với các hạng mục: Nâng cấp hạ tầng Trung tâm dữ liệu tỉnh, bảo đảm năng lực triển khai Chính quyền số; Nâng cấp, mở rộng hệ thống mạng WAN của tỉnh kết nối đến cấp xã; Xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Quảng Nam;

Xây dựng các bộ cơ sở dữ liệu mở, cổng dịch vụ dữ liệu mở của tỉnh; Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin (SOC) toàn tỉnh đến nay một số hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Hệ thống Hội nghị truyền hình của tỉnh hiện có 16/20 điểm cầu Sở, ban, ngành, 18/18 điểm cầu cấp huyện, 241/241 xã, phường, thị trấn.

Các địa phương cũng đã tập trung triển khai nâng cấp hạ tầng CNTT như mạng LAN, hệ thống máy tính, Hội nghị truyền hình để phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số tại địa phương.

- Chuyển đổi số là một nhiệm vụ mới và đối mặt nhiều khó khăn, ông nhận thấy đâu là khó khăn lớn nhất? Tỉnh Quảng Nam đã từng bước khắc phục khó khăn ra sao?

Việc làm khó khăn nhất trong chuyển đổi số là thay đổi văn hóa tổ chức. Bởi chuyển đổi số đòi hỏi sự linh hoạt, sẵn sàng thích ứng và chấp nhận sự thay đổi từ mọi thành viên trong tổ chức. Điều này có thể gây ra sự khó khăn khi phải thay đổi các thói quen làm việc cũ và áp dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số thường đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ mới, nhưng không phải tất cả các tổ chức đều có nguồn lực và nguyên tắc đầu tư phù hợp. Việc quản lý nguồn lực và đảm bảo rằng các khoản đầu tư mang lại lợi ích đáng kể có thể là một thách thức.

Chuyển đổi số thường đi kèm với việc phải thay đổi hoặc tối ưu hóa các quy trình làm việc. Điều này có thể gây ra sự không thoải mái và phản đối từ phía nhân viên, đặc biệt là những người đã quen thuộc và thoải mái với các quy trình cũ.

Để giải bài toán này, tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về cải cách hành chính và chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp xã; UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Hằng năm, địa phương cũng đều có sơ kết Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tại đây, việc làm được đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hằng năm ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham quan Trung tâm Dữ liệu tỉnh được đầu tư hoàn thành trong năm 2023

- Được biết trong năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã đi vào vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Mục đích của việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu nhằm đảm bảo năng lực triển khai chính quyền số và đô thị thông minh tại tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, việc này đóng vai trò nền tảng, kết nối các hệ thống thông tin giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Quảng Nam.

Chưa dừng lại ở đó, trung tâm này sẵn sàng chia sẻ, liên thông, kết nối với các hệ thống thông tin của các tỉnh, thành, bộ ngành thông qua hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và Địa phương.

Trung tâm tích hợp dữ liệu là công trình thuộc dự án Xây dựng Chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025, do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí là 249 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương; thời gian thi công trong 270 ngày (bắt đầu từ tháng 1/2023).

UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở Thông tin và Truyền thông vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu. Hiện nay, Trung tâm tích hợp dữ liệu sử dụng hiệu quả, đảm bảo yêu cầu của tỉnh đặt ra, bảo đảm cho các hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng an toàn, hiệu quả.

- Để trung tâm vận hành này hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện biện pháp gì, thưa ông?

Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng hệ thống Quản lý, vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP, các dịch vụ kết nối chia sẻ dữ liệu trên LGSP như: đăng nhập một lần (SSO); nền tảng gửi nhận văn bản điện tử; dịch vụ khai thác hồ sơ công dân phục vụ xử lý nhóm TTHC thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; kết nối quốc gia về Thanh toán điện tử; kết nối bưu chính công ích; kết nối quản lý văn bản QPPL; khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu do Trung ương chia sẻ

Đồng thời, địa phương cũng đã phối hợp với các Bộ ngành, Sở ngành kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành từ Trung ương với tỉnh thông qua LGSP và NGSP.

- Trong thời gian tới, tỉnh định hướng triển khai những công việc chuyển đổi số nào, thưa ông?

Nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi là triển khai nâng cấp hạ tầng CNTT thiết yếu của các Sở, ngành đảm bảo thống nhất, đồng bộ, kết nối thông suốt với hệ thống mạng WAN của tỉnh, phục vụ truy cập dữ liệu tập trung tại Trung tâm dữ liệu tỉnh và kết nối internet.

Đồng thời, chuẩn hóa, trang bị bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các hệ thống phần mềm chuyển đổi số, đề án 06, đảm bảo an toàn, bảo mật, góp phần xây dựng cơ sở vật chất tại các đơn vị theo hướng hiện đại, đồng bộ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Tin khác