Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các đô thị thông minh

Nguyễn Hoàng Nam - 16/03/2024 23:56 (GMT+7)

(VNF) - Với sự sáng tạo và đổi mới phát triển không ngừng của công nghệ đã đặt việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là hoạt động cần thiết trong quá trình vận hành tại các đô thị thông minh.

VNF
Ảnh minh hoạ

Tổng quan về đô thị thông minh

Trên nhiều diễn đàn trong và ngoài nước, đô thị thông minh (hay thành phố thông minh) là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình “đô thị thông minh” được lựa chọn như một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân với các dịch vụ công nghệ tiện lợi. Đô thị thông minh gắn liền với các mô hình phát triển bền vững như kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ và sản xuất thông minh.

Trong báo cáo Smart City Index 2023 của Viện phát triển quản lý quốc tế (IMD) xem xét 141 thành phố trên thế giới được công nhận là đô thị thông minh. Trong đó, ba đô thị thông minh hàng đầu trên thế giới theo bảng xếp hạng này lần lượt là: Zurich (Thụy Sĩ), Oslo (Na Uy) và Canberra (Úc). Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam hiện đang xếp lần lượt thứ 100 và 103 trên 141 quốc gia. giảm 11(89) và 10(93) bậc so với năm 2021. Đánh giá xếp hạng các thành phố dựa trên các tiêu chí về dữ liệu kinh tế, trình độ phát triển công nghệ và nhận thức của người dân thành phố.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã xác định xây dựng và phát triển đô thị thông minh là một trong ba nội dung cốt lõi trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó, nhiều hoạt động đã được triển khai thực hiện từ tháng 08/2018 đến nay như: thay đổi mô hình chính quyền đô thị từ ngày 01/07/2021, xây dựng và quản lý đô thị thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số, cung cấp các tiện ích thông minh trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông, hiện thực hóa tư duy mới về quy hoạch, phát triển đô thị thông minh trong Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Tính đến cuối năm 2023, cả nước có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng Đề án Phát triển đô thị thông minh. Các lĩnh vực kỹ thuật công bố bằng sáng chế trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) tại Việt Nam chỉ đạt mức trung bình.

Những thách thức cần giải quyết

Cùng với sự phát triển của đô thị thông minh, vấn đề xây dựng cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các đô thị thông minh được nhiều quốc gia chú trọng. Việt Nam đang có sự quan tâm trong vấn đề này, cụ thể là trong Quyết định số 1002/QĐ-BKHCN ngày 15/06/2022 phê duyệt về chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tập trung vào kế hoạch nghiên cứu phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính phủ số và đô thị thông minh. Trong đó, chỉ tiêu đánh giá về sở hữu trí tuệ là tối thiểu 30% nhiệm vụ có kết quả được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và trên thế giới, đã có những trao đổi, nghiên cứu giữa nhiều chuyên gia thuộc các chuyên ngành khác nhau. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được xác định là tiêu chuẩn cơ bản trong quá trình vận hành và phát triển tại các đô thị thông minh. Những câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra như: Cơ chế bảo hộ đối với tài sản trí tuệ trong đô thị thông minh như thế nào? Những đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ thông dụng như: bản quyền, sáng chế, nhãn hiệu sẽ được thiết lập thêm những đặc trưng gì trong cơ chế quyền bảo hộ tại đô thị thông minh? Cơ quan công quyền có thể đưa ra quyết định về việc xử lý tập dữ liệu theo thuật toán? Những người có liên quan trong dữ liệu có phải được thông báo về tình trạng xử lý và mô tả các thành phần thuật toán? Hay thậm chí là sự cần thiết phải có một luật riêng mang tên “Luật quản lý đô thị thông minh” hay không?

Việc cấp “giấy phép sở hữu trí tuệ” tại các đô thị thông minh đặt ra nhiều vấn đề cần cân nhắc dựa việc sở hữu cá nhân và sở hữu cộng đồng. Việc công nhận tài sản trí tuệ của cá nhân bằng việc cấp giấy phép là một cách để ghi nhận quyền tác giả cho những thiết kế, thúc đẩy tính sáng tạo của những nhà thiết kế trong đô thị thông minh, giải quyết phát sinh các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ tính sáng tạo của các thiết kế trong thành phố. Tuy vậy, thực hiện cấp phép có thể làm giới hạn khả năng tiếp cận của người dùng, đồng thời gián tiếp làm chậm sự phát triển thành phố nếu người được cấp phép không có sự cởi mở trong việc chia sẻ. Theo Andrews & Forster (2016), để cân bằng nhu cầu giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích cộng đồng, các “hợp đồng thỏa thuận cấp phép sở hữu trí tuệ” (License Agreement) được thiết lập trước khi giấy phép sở hữu trí tuệ được cấp, trên tinh thần đề cao mục tiêu phát triển chung của đô thị thông minh.

Về bản quyền, bản quyền được bảo hộ cho phép chủ sở hữu có quyền ngăn cản người khác sao chép tác phẩm. Các công nghệ đô thị thông minh chủ yếu thực hiện thông qua việc sử dụng phần mềm máy tính, và những phần mềm máy tính này sẽ nhận được sự bảo hộ bản quyền cần thiết. Tuy nhiên, một hạn chế của bản quyền là nó thường không bảo vệ sự đổi mới bên trong một chương trình máy tính. Nói cách khác, một đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp có thể viết hoặc thực hiện chương trình máy tính của riêng họ để triển khai cùng một ý tưởng cơ bản, mà không vi phạm bản quyền. Tại các đô thị thông minh, ngoài việc bảo hộ bản quyền đối với chương trình máy tính, vấn đề bảo mật dữ liệu đồng thời được xem xét dưới hình thức bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về sáng chế, bằng sáng chế là một quyền độc quyền được nhà nước cấp cho sự đổi mới trong lĩnh vực công nghệ trong một thời hạn nhất định, cho phép nhà sáng chế thực hiện và sử dụng sáng chế của mình, đồng thời ngăn cấm việc xâm phạm của bên thứ ba trong khoảng thời gian bằng sáng chế còn hiệu lực. Theo Budi&Chrisna (2021), ở những đô thị thông minh, đa phần những sáng chế liên quan đến giải pháp cho các vấn đề sử dụng hệ thống máy tính. Tuy nhiên, không phải sản phẩm hay mô hình tiện ích nào cũng được bảo hộ sáng chế. Hầu hết các nước đều quy định các sản phẩm hay mô hình tiện ích về phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học, kế hoạch, các quy tắc và phương pháp thực hiện các hành vi tâm lý, chương trình máy tính… là đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế.

Về nhãn hiệu, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các đô thị thông minh là vô cùng cần thiết bởi nhãn hiệu là đối tượng dễ xảy ra tranh chấp nhất trong quyền sở hữu trí tuệ, vì tính thị trường cao và nhu cầu nhận diện của các sản phẩm từ phía doanh nghiệp. Hiện nay, để được bảo hộ hợp pháp, hầu hết các loại nhãn hiệu đều bắt buộc phải thực hiện bảo hộ thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của từng quốc gia (trừ nhãn hiệu nổi tiếng). Ngoài cơ quan cấp phép, nhiều đô thị thông minh còn cung cấp các dịch vụ tư vấn, đăng ký trực tuyến bảo hộ nhãn hiệu trên nền tảng kỹ thuật số. Việc này không chỉ hỗ trợ quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được nhanh chóng, thuận lợi mà còn góp phần giúp phân biệt các sản phẩm trong cùng một đô thị thông minh, và cũng có thể đóng vai trò phân biệt các sản phẩm giữa các đô thị thông minh với nhau nếu cơ sở dữ liệu về quyền sở hữu trí tuệ được chia sẻ.

Về dữ liệu, nhiều dữ liệu sẽ được sử dụng, khai thác trong quá trình vận hành đô thị thông minh như: lịch trình di chuyển, mức sử dụng và hao hụt nguồn nước và điện năng, lịch sử sử dụng phương tiện công cộng, các lỗi vi phạm được ghi nhận tự động… Xem xét về tính quan trọng của dữ liệu, Geffray and Auby (2017) cho rằng: “Dữ liệu tựa như những hạt nguyên tử cơ bản của môi trường thông minh, cung cấp thông tin cho các dịch vụ đô thị trở nên thông minh, tối ưu hóa các dịch vụ vận tải, năng lượng hoặc nước, để hình thành một đô thị thông minh tiêu chuẩn”. Tuy nhiên, cũng giống như sáng chế, không phải dữ liệu nào cũng là đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Theo Điều 2 của Công ước Berne và Điều 10 Hiệp định TRIPS, dữ liệu sưu tập trong các tuyển tập, các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật hoặc tư liệu khác, dù dưới dạng đọc được bằng máy hay dưới dạng khác, ví dụ như bộ bách khoa từ điển và các hợp tuyển mà việc tuyển chọn hoặc sắp xếp nội dung là thành quả của hoạt động trí tuệ thì đều được bảo hộ, miễn không phương hại quyền tác giả của chính tư liệu đó. Quy định này cũng đang được áp dụng trong tiêu chí bảo hộ quyền tác giả đối với dữ liệu sưu tập của pháp luật Việt Nam tại khoản 2, Điều 22 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Một số kiến nghị

Thông qua việc tìm hiểu chính sách của các quốc gia, một số bài học kinh nghiệm được đúc kết cho Việt Nam trong quá trình phát triển đô thị thông minh.

Hiện nay, phát triển đô thị thông minh là kế hoạch của nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cắt giảm khí thải, phát thải, tạo môi trường lành mạnh; nâng cao chất lượng sống cho người dân thông qua việc tăng cường sự hỗ trợ của công nghệ và kỹ thuật số. Các quốc gia đang có những chính sách nhằm nâng cao giá trị và thúc đẩy bảo vệ tài sản trí tuệ quốc gia nói chung và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các đô thị thông minh nói riêng. Nhìn chung, quyền sở hữu trí tuệ trong đô thị thông minh tại một số quốc gia đều xoay quanh bốn khía cạnh: (1) Bản quyền, (2) Bằng sáng chế, (3) Nhãn hiệu, và (4) Sở hữu trí tuệ đối với dữ liệu. Thông qua những chính sách trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các đô thị thông minh của các quốc gia, một số kiến nghị tham khảo cho Việt Nam có thể được xem xét.

Một là, quyền lợi cá nhân và lợi ích cộng đồng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên được thỏa thuận bằng một hợp đồng giữa chính phủ và người được bảo hộ. Điều này giúp cân bằng quyền lợi của cá nhân và đảm bảo lợi ích chung trong quá trình vận hành và phát triển đô thị thông minh.

Hai là, việc quản lý dữ liệu tại các thông minh nên được chia sẻ hoạt động dưới hình thức ủy quyền cho khu vực tư, do cơ quan công quyền thực hiện giám sát. Đơn cử như ủy quyền quản lý dữ liệu đối với hoạt động dịch vụ công cho các nhà khai thác tại các đô thị thông minh ở Pháp. Điều này giúp giảm gánh nặng lên khu vực công, thúc đẩy sự tự do giao dịch nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát nhất định.

Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động tư vấn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại các đô thị thông minh. Việc thành lập các doanh nghiệp không những có ý nghĩa trong việc hỗ trợ người dân đăng ký thủ tục, giải quyết tranh chấp phát sinh, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khi người dân tại nhiều quốc gia chưa biết hoặc chưa nắm những quy định pháp luật liên quan.

Bốn là, DMCA tại Hoa Kỳ được xem là bước tiến bộ tại các đô thị thông minh với những chính sách bảo mật, xử lý vi phạm và bảo hộ quyền trên không gian mạng. Các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam có thể tham khảo các quy định trong DMCA, làm cơ sở để xây dựng những quy định pháp lý trong quản lý đô thị thông minh.

Năm là, mô hình đánh giá danh tiếng (PTISense) của Trung Quốc là một trong giải pháp mà Việt Nam có thể học tập trong việc bảo hộ nhãn hiệu tại các đô thị thông minh, bằng cách áp dụng PTISense nhằm chống lại sự truy cập của các ứng dụng công nghệ độc hại.

Sáu là, lên kế hoạch cho nguồn ngân sách nghiên cứu và phát triển là cần thiết trong giai đoạn xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Thành lập một nhóm chuyên gia về đô thị thông minh, xây dựng chính sách đầu tư phù hợp và thu hút, trọng dụng nhân tài lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở cả khu vực công và khu vực tư, tạo môi trường chính trị và văn hóa, thể hiện được tối đa năng lực và trình độ vốn có có thể là những việc phải thực hiện trong những năm tới.

Bảy là, cần một cơ chế rõ ràng để tránh tranh chấp tại các đô thị thông minh. Cơ sở hạ tầng đô thị thông minh vận hành dựa trên “siêu kỹ thuật số” và hoạt động với lưu lượng lớn dữ liệu cho phép các đô thị thông minh một cách hiệu quả nhất. Tại các quốc gia, dữ liệu này ít nhiều được tổng hợp bởi các cơ quan công quyền. Hoạt động quản trị sẽ chuyển đổi mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền, công dân và các tổ chức tư nhân theo nguyên tắc cân bằng lợi ích chung, tại các đô thị thông minh. Hậu quả pháp lý liên quan đến dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số là nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro làm phát sinh tranh chấp. Cụ thể, vấn đề sở hữu trí tuệ đối với quyền dữ liệu nên được quy định trong Luật. Ngoài quyền riêng tư trong mối quan hệ dân sự, dữ liệu còn được xem xét ở khía cạnh bảo hộ sưu tập dữ liệu của quyền sở hữu trí tuệ nếu đáp ứng được các tiêu chí đưa ra về bản quyền theo pháp luật của từng quốc gia. Vì vậy, cần có thêm những quy định về bảo vệ quyền riêng tư trong các đô thị thông minh, nội dung của Bộ Luật dân sự hoặc luật chuyên ngành về đô thị thông minh (nếu có). Với nền tảng khung pháp lý hiện có của Việt Nam về sở hữu trí tuệ, việc xây dựng và triển khai bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các đô thị thông minh ở nước ta trong thời gian tới hoàn toàn có thể ngày càng được hoàn thiện, trên cơ sở phát triển những quy định hiện tại.

Tám là, việc thành lập Tòa án chức năng chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại các đô thị thông minh có thể sẽ cần thiết khi những tranh chấp trong lĩnh vực này thường mang tính chuyên sâu và có độ phức tạp nhất định.

Cùng chuyên mục
Tin khác