TS Cấn Văn Lực: ‘Đừng quan tâm đến lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng’

Ái Châu Tử - 21/07/2020 16:24 (GMT+7)

(VNF) – Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, lợi nhuận 6 tháng đầu năm trên báo cáo của các ngân hàng không phải là con số đáng tin cậy.

VNF
TS Cấn Văn Lực

Các ngân hàng thương mại đang tiến hành công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm. Điểm chung là các ngân hàng có con số lợi nhuận trước thuế tương đối ấn tượng, cụ thể: SeABank 754 tỷ đồng, VIB 2.356 tỷ đồng, VPBank 6.584 tỷ đồng, Vietcombank 10.981 tỷ đồng…

Trao đổi với VietnamFinance, TS Cấn Văn Lực cho rằng “không nên quan tâm về những con số này vì đây chỉ là các số liệu tạm thời do các ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ”.

Ông Lực nhấn mạnh theo chu kì kinh doanh, các ngân hàng trích lập đầy đủ và đúng nhất vào quý IV, cho nên đến cuối năm mới biết được thực hư lợi nhuận ngân hàng.

“Cũng cần lưu ý rằng ngành ngân hàng sẽ có độ trễ đối với tác động của đại dịch. Doanh nghiệp, người dân khó khăn trước, sau đó khó khăn này mới ập đến hệ thống ngân hàng. Chúng tôi dự báo quý III và quý IV tác động của đại dịch tới ngành ngân hàng sẽ rõ nét.

“Chúng tôi tính toán rất cụ thể, năm nay ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận 30.000 – 34.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm 20% – 25% lợi nhuận toàn hệ thống so với kế hoạch ban đầu đề ra. Nợ xấu sẽ tăng, nội bảng gần 4%, gộp là 6%”, ông Lực nói thêm.

Không cần phải phá giá VND

Đánh giá về tình hình vĩ mô 6 tháng đầu năm, ông Lực cho rằng trong bối cảnh dịch vụ chìm trong khó khăn, nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo đã trở thành “bà đỡ” cho tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 1,19%, thấp hơn mức 2,39% của năm ngoái nhưng lại đóng góp gấp đôi vào mức tăng trưởng chung. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng gần 5%, riêng xây dựng tăng 4,5% và góp 15% vào tăng trưởng chung.

Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Lực nhìn nhận đây là điểm sáng dù tiến độ giải ngân vẫn còn chậm chạp.

Một điểm sáng khác của nền kinh tế là số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá: tháng 6 tăng 26% so với tháng 5, tháng 5 tăng 36% so với tháng 4.

Tỷ giá cũng là điểm sáng khi giữ được sự ổn định. Cụ thể, về tỷ giá danh nghĩa, VND chỉ giảm 0,13% so với USD, trong khi các đồng tiền khác mất giá rất mạnh. Về tỷ giá thực, tính toán của ông Lực cho thấy VND chỉ mất giá 0,3% so với 12 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

“Về cơ bản, xu hướng của VND là mất giá nhẹ. Chúng ta không định giá cao đồng tiền. Tôi đồng tình với quan điểm không phá giá VND”, ông Lực nhấn mạnh.

Đối với thị trường chứng khoán, Kinh tế trưởng BIDV nhận xét 6 tháng qua, chỉ số chứng khoán của Việt Nam giảm 14%, thấp hơn mức giảm của khu vực (15% - 20%). Lượng bán ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam cũng thấp hơn các nước: 80 triệu USD so với 62 tỷ USD của Nhật, 31 tỷ USD của Trung Quốc, 7 tỷ USD của Thái Lan, 1 – 1,3 tỷ USD của Philippines và Indonesia.

“Niềm tin của khối ngoại đối với Việt Nam là khá tích cực”, ông Lực nói.

Bên cạnh những điểm sáng, ông Lực cũng chỉ ra một số điểm tiêu cực của kinh tế 6 tháng. Cụ thể, số doanh nghiệp tạm thời đóng cửa tăng mạnh (tăng 38%, năm ngoái chỉ 17%); các gói hỗ trợ chậm đi vào cuộc sống (gói an sinh mới giải ngân 17.000/62.000 tỷ đồng, gói 16.000 tỷ hỗ trợ vay trả lương không giải ngân được, gói giãn hoãn thuế 180.000 tỷ chỉ được 43.000 tỷ…)

Ông Lực nhìn nhận trong kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4%; trong kịch bản khả thi nhất, Việt Nam tăng trưởng khoảng 3%; còn ở kịch bản bi quan nhất, tăng trưởng chỉ là 1,5%.

Lạm phát năm nay không có gì đáng ngại

Nhận định về lạm phát năm 2020, ông Lực cho rằng không có gì đáng quan ngại. Có 4 nguyên nhân được ông Lực đưa ra “bảo vệ” cho quan điểm trên gồm: sức cầu, giá dầu, cung tiền và giá thịt lợn.

Cụ thể, về sức cầu, ông Lực đánh giá sức cầu năm nay rất yếu. Trong khi đó, giá dầu thô dù có tăng nhưng bình quân vẫn đang ở mức thấp. So với năm trước, giá dầu năm nay giảm 20% - 25%. Cung dầu thô giảm không đáng kể trong khi cầu rất ít, rất khó kéo giá dầu đi lên.

Về cung tiền, ông Lực phân tích: lạm phát cơ bản đang trên đà giảm dần, đầu năm là 3,25%, hết 6 tháng là 2,81%. Cung tiền cũng thấp, cả năm nay M2 chỉ tăng 10% - 12%, tín dụng tăng 8% - 10%, vì vậy không quá lo lạm phát do yếu tố tiền tệ.

Đối với giá thịt lợn, chính phủ đang quyết liệt giảm giá. Ông Lực đánh giá nếu chính phủ kiểm soát tốt, giá thịt lợn sẽ chỉ tăng nhẹ và “không quá ghê gớm để kích lạm phát lên quá nhiều”.

“Tôi cho rằng lạm phát năm nay sẽ chỉ ở khoảng 3,5% - 3,8%”, ông nói.

Nhìn nhận năm 2020 lạm phát không có gì đáng quan ngại nhưng ông Lực lại tỏ ra lo lắng khi nói tới lạm phát vào năm 2021:

“Năm 2021, lạm phát sẽ tăng, vì sự phục hồi trong năm này sẽ rất mạnh mẽ. Dự báo giá dầu sẽ tăng trở lại 20% - 25%, thậm chí cao hơn. Đó là chưa kể độ trễ của năm nay vắt sang năm sau”, ông Lực cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác