Trong cỗ xe tam mã, chỉ một con ngựa kéo được tăng trưởng

Ái Châu Tử - 21/07/2020 14:02 (GMT+7)

(VNF) – PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TP. HCM) cho rằng trong “cỗ xe tam mã” kéo GDP tăng trưởng năm nay (gồm: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), chỉ có đầu tư công là khả thi nhất.

VNF
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Nói tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2020 của VEPR, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng kinh tế thế giới và Việt Nam đang có nguy cơ rơi vào đợt suy thoái nặng nề.

“Trong 100 năm qua, không có mấy lần thế giới trải qua những sự kiện như vậy. Đây là thách thức với các nhà điều hành chính sách”, ông Bảo nói.

Bình luận về phương thức kéo tăng trưởng năm 2020 của chính phủ - hình ảnh cỗ xe tam mã (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) – ông Bảo cho rằng trong ba con ngựa, chỉ có con ngựa đầu tư công là chạy tốt.

Theo ông, xuất khẩu trong 6 tháng tới khó lòng là động lực tăng trưởng, bởi kinh tế toàn cầu suy thoái, tổng cầu giảm mạnh. “Việc xuất khẩu tốt hay xấu không phụ thuộc vào ý chí của chính phủ. Do đó nói đẩy mạnh xuất khẩu chỉ là mong muốn, còn nó có thành động lực tăng trưởng hay không thì phải nói là rất khó”.

Về tiêu dùng, ông Bảo cũng chỉ ra người dân hiện nay đang thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung chi cho những nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, rất khó để tiêu dùng tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm.

“Chỉ có đầu tư công là hiệu quả nhất, vì tiền bơm qua kênh đầu tư sẽ được nền kinh tế hấp thụ. Bơm tiền bằng kênh tiền tệ chưa chắc đã hấp thụ hết nhưng qua tài khóa – đầu tư thì đó sẽ là cú hích quan trọng, tạo công ăn việc làm, giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất và tạo bầu không khí lạc quan”, ông Bảo nhấn mạnh.

Thừa nhận vấn đề giải ngân vốn đầu tư công còn có những khó khăn, ông Bảo cho rằng chính phủ cần có những giải pháp đột phá để tăng tốc độ, vì trong thời điểm hiện nay “ít ai dám xé rào”.

Một ý kiến đáng chú ý là ông Bảo cho rằng chính phủ cần chấp nhận đánh đổi một số chỉ tiêu để đạt được điều quan trọng nhất và có ý nghĩa lâu dài.

Theo đó, ông cho rằng năm 2020, suy thoái là hiện hữu. Nếu chính phủ xác định “chống suy thoái như chống giặc” thì cần phải xem nhiệm vụ chống suy thoái là tiên quyết. Để chống suy thoái, chính phủ nên chấp nhận hi sinh một số chỉ tiêu, ví dụ như lạm phát.

“Tất nhiên, hi sinh chỉ tiêu lạm phát không có nghĩa là chính phủ để vật giá leo thang không kiểm soát. Ý tôi muốn nói rằng nếu chính phủ cương quyết kìm giữ lạm phát thì điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu khác. Trong kinh tế học, các chuyên gia nói vui rằng đối với một nền kinh tế suy thoái thì một bong bóng giá tài sản cũng là một giải pháp tuyệt vời.

“Bây giờ chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu quá, nào chống suy thoái, nào đảm bảo tỷ lệ nợ công/GDP, nào ổn định tỷ giá và chống lạm phát cao… Thử hỏi nếu anh chị là nhà điều hành, thực thi chính sách, anh chi có giải được bài toán đa mục tiêu, đa nghiệm không. Câu chuyện bây giờ là đánh đổi”, ông Bảo bình luận.

Đánh giá về triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm, ông Bảo đồng tình với quan niệm kinh tế Việt Nam không thể tách rời với kinh tế thế giới.

“Chúng ta quá nhỏ, chúng ta chịu tác động của hệ thống chứ không tác động vào hệ thống được. Do đó, nếu kinh tế thế giới chưa phục hồi, loài người chưa thể sống chung với đại dịch được thì kinh tế Việt Nam khó lòng có bước ngoặt. Mấu chốt nhất vẫn là các đối tác lớn, họ phục hồi được thì ta cũng mới phục hồi.

“Nhưng trong bất kì kịch bản nào, tôi cho rằng Việt Nam đều đạt được mức trung bình trở lên. Ví dụ, nếu kinh tế thế giới phục hồi, Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn”, ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác