TP. HCM đề ra 6 giải pháp giải ngân vốn đầu tư công

BT - 21/07/2020 13:16 (GMT+7)

(VNF) - Chiều 20/7/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức buổi làm việc với TP. HCM về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.

VNF
TP. HCM đề ra 6 giải pháp giải ngân vốn đầu tư công (ảnh Đình Nguyên- TT báo chí TP. HCM)

Theo Trung tâm báo chí TP. HCM, tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý 6 tháng đầu năm 2020, Thành phố chỉ đạt mức tăng trưởng 1,02% do ngành dịch vụ chiếm 60% GDP của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong khi từ trước đến nay, mức tăng trưởng của Thành phố luôn cao hơn 1,3 – 1,5 lần cả nước; và điều này đang ảnh hưởng đến tình hình chung của cả nước.

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong thông tin: Năm 2020, UBND thành phố đã giao và phân bố chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là 41.691,846 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách là 33.940,764 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 7.751,082 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/7, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỷ đồng, tương đương với 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.

Thực hiện Kế hoạch đầu tư công 2020, thành phố đã chủ động ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 31/12/2019 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công; đặc biệt trong điều kiện đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Thành phố xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020, là nhân tố quan trọng giúp phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Trên tinh thần đó, 6 tháng cuối năm 2020, thành phố đề ra 6 giải pháp trọng tâm để tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10/2020, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn, giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95%.

Thứ nhất, thực hiện nghiêm Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đấy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân; trường hợp tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan.

Thứ ba, tổ chức sơ kết đợt 2 thi đua cao điểm 200 ngày Chào mừng Đại hội Đảng các câp, trong đó điếm nhấn là các công trình, dự án đầu tư công hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công dự án.

Thứ năm, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 09/3/2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điếm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. HCM.

Thứ sáu, định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án; công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho hay: Mặc dù hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc, nhưng trong quá trình thực hiện vừa qua, thành phố cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đối với các nhóm dự án.

Trong đó, nhóm dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Dự án xây dựng Tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương.

Nhóm dự án đầu tư đang thực hiện theo phương thức đối tác công tư với các vấn đề liên quan đến thủ tục thanh toán dự án BT tại thời điểm quyết toán đối với các dự án có chênh lệch giữa giá trị các quỹ đất thanh toán và giá trị dự án BT; việc sử dụng quỹ đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, trụ sở làm việc để thanh toán cho các dự án BT; việc sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên để thanh toán cho các dự án đầu tư theo loại hợp đồng BLT/BTL; dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 4; việc bổ sung công trình xây dựng 04 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án Quảng trường Trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đối với thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, thành phố cũng kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý nhu cầu vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 – 2025 theo khoản 2 Điều 89; các Bộ ngành sớm có thông báo tống mức vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 hoặc có hướng dẫn cụ thể về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, xây dựng kế hoạch năm 2021 theo khoản 4 Điều 33 để TP. HCM có cơ sở thực hiện; Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành có ý kiến hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án xây dựng Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, trong đó có bao gồm cả việc xác định cơ quan có thấm quyền Quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án, hoặc các nội dung ủy quyền cần thiết (nếu có).

Về một số dự án FDI, Thành phố nêu ra một số khó khăn và đề xuất cụ thể đối với dự án Saigon Centre IV, Saigon Centre V của Công ty TNHH Keppel Land Watco và Dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác