TS Nguyễn Đức Thành: ‘Hãy chấp nhận giá thịt lợn cao là một trạng thái bình thường mới’

Ái Châu Tử - 22/07/2020 01:02 (GMT+7)

(VNF) – TS Nguyễn Đức Thành cho rằng giá thịt lợn trong nước không thể giảm bằng các mệnh lệnh hành chính của chính phủ hay chính sách nhập khẩu lợn sống từ nước ngoài.

VNF
TS Nguyễn Đức Thành: ‘Hãy chấp nhận giá thịt lợn cao là một trạng thái bình thường mới’

Kể từ khi chính phủ cho nhập lô lợn sống đầu tiên từ Thái Lan (ngày 20/6) tới nay, đã có khoảng 9.000 con lợn được nhập khẩu về Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm hạ giá thịt lợn trong nước.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực này, giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 89.000 – 92.000 đồng/kg, tại miền Trung và Tây Nguyên là 82.000 – 90.000 đồng/kg và tại miền Nam là 85.000 – 90.000 đồng/kg.

Nói về tình trạng này, TS Nguyễn Đức Thành, cố vấn trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách – VEPR,  cho rằng chính phủ “không nên ảo tưởng có thể hạ giá thịt lợn bằng mệnh lệnh hành chính hay tăng nguồn cung từ Thái Lan”.

“Ta phải chấp nhận giá thịt lợn cao như là một trạng thái bình thường mới”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo ông Thành, căn nguyên của tình trạng giá thịt lợn cao không chỉ đến từ vấn đề cung – cầu mà còn tới từ chính sách.

“Luật Chăn nuôi mới, với việc thiết lập các điều kiện chăn nuôi khắt khe, đã loại bỏ người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi việc sản xuất, chăn nuôi lợn. Bởi vì với các điều kiện vệ sinh sạch sẽ, xa khu dân cư… người dân buộc phải làm trang trại để chăn nuôi lợn và như vậy, hàng triệu người chăn nuôi nhỏ lẻ đã bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Thành phân tích.

Vị chuyên gia này chỉ rõ: giá thịt lợn hiện nay đang bị chi phối bởi các đại doanh nghiệp.

“Sau 15 – 20 năm thâm nhập thị trường Việt Nam, các đại doanh nghiệp đã nắm được nguồn giống, thức ăn, thị phần cũng như chiếm ưu thế về điều kiện sản xuất, chăn nuôi. Họ đã loại hàng triệu hộ gia đình ra khỏi quá trình sản xuất hoặc buộc họ phải trở thành người làm thuê cho các doanh nghiệp này đồng thời biến họ thành khách hàng”.

“Tôi nghĩ việc này chính phủ nên xem xét lại. Chính phủ cần cân nhắc nếu họ muốn quan tâm đến giá thịt lợn và sinh kế của nông dân”, ông nói.

Cố vấn trưởng của VEPR chua chát: “Cấu trúc thị trường đã thay đổi. Các đại gia Việt Nam giờ nhảy vào cũng muộn rồi”.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng cao là do thị trường có quá nhiều khâu trung gian.

“Từ chăn nuôi đến thành phẩm, miếng thịt lợn qua 6 – 7 khâu, mỗi khâu lại ăn một phần chênh lệch. Đấy là vấn đề ta phải xử lí”, ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác