TS Vũ Tiến Lộc: Hành trình vì sự phát triển doanh nghiệp, doanh nhân

Kỳ Thư - 06/08/2024 06:30 (GMT+7)

(VNF) - 18 năm làm chủ tịch VCCI, 3 năm làm chủ tịch VIAC, là Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV, trong vai trò nào ông Vũ Tiến Lộc cũng luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Trong quá trình công tác, ông Lộc đã đưa ra nhiều kiến nghị vì sự phát triển doanh nghiệp.

Người đề xuất hiến định vai trò của doanh nghiệp

Là một chính khách có tư duy đổi mới, trên cương vị Đại biểu Quốc hội (2002 - 2026) và Chủ tịch VCCI (2003 - 2021), ông Vũ Tiến Lộc được xem là đã để lại nhiều dấu ấn trên nghị trường và cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông đã kiến nghị và là Trưởng Ban biên tập Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

TS Vũ Tiến Lộc.

Ông Lộc đã có sáng kiến đề xuất với Quốc hội khóa XIII lần đầu tiên hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp cùng các giai tầng khác như công nhân, nông dân, trí thức.

Ông có sáng kiến đề xuất chính thức hóa loại hình hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình minh bạch hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế đang đóng góp tới 30% GDP trong nền kinh tế Việt Nam.

Ông Lộc là người đầu tiên đưa ra thông điệp “Doanh nhân - người lính thời bình” và lập ra Cúp Thánh Gióng để tôn vinh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Chia sẻ về nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - nguyên trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết: “Anh Lộc là cấp trên của tôi, là người có nhiều đóng góp trong suốt hàng chục năm làm việc tại VCCI. Ngay từ khi chưa phải là người đứng đầu VCCI, anh Lộc đã cùng với tập thể lãnh đạo VCCI tích cực tham gia quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, Nguyên Chủ tịch VIAC chia sẻ.

Trở thành Chủ tịch VCCI, ông Lộc kế thừa được tinh thần mở đường, tiên phong hỗ trợ thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trên các khía cạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và tăng cường hội nhập quốc tế.

Ông Lộc cùng tập thể VCCI nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế nhiều thành phần bình đẳng; xây dựng môi truờng cạnh tranh kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng; chú ý nhiều tới phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân; tiên phong trong hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế một cách tích cực, chủ động.

"Anh Lộc cũng là người cùng VCCI có nhiều sáng kiến, đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành những quyết sách lớn về đầu tư, kinh doanh", ông Huỳnh nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng là người cùng VCCI tổng hợp ý kiến cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước kiến nghị tới Đảng, Quốc hội, Chính phủ để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, giảm chi phí tuân thủ, phù hợp thông lệ quốc tế biết huy động tác động tích cực, hỗ trợ của báo chí đến các cấp cơ quan, người dân và doanh nghiệp.

Vì sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp

Suốt quá trình công tác, tổ chức ông Lộc gắn bó lâu nhất là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI). VCCI dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Tiến Lộc đã có những hoạt động có tác động lớn tới sự phát triển doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

VCCI dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Tiến Lộc đã có những hoạt động có tác động lớn tới sự phát triển doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Ông Lộc đã trực tiếp chủ trì và chỉ đạo thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và chương trình khởi nghiệp quốc gia đầu tiên ở Việt Nam, chỉ đạo xây dựng hệ thống hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức của giới chủ ở Việt Nam.

Đặc biệt, ông Lộc đã chỉ đạo nghiên cứu và công bố xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (chỉ số PCI) tạo động lực cho quá trình cải cách, nâng cao năng lực điều hành kinh tế tại các địa phương và Bộ Chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) để định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc được giao là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, với vai trò Chủ tịch VCCI, ông Lộc là người chủ trì nhiều diễn đàn, đối thoại chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp, các hội nghị thượng đỉnh và diễn đàn kinh doanh lớn ở Việt Nam và ở nước ngoài có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, các nhà khoa học và các CEO hàng đầu.

Trong đó phải kể đến vai trò Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) năm 2006, 2017; đồng thời là người sáng lập và điều hành các Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh hàng năm của Việt Nam (Vietnam Business Summit -VBS).

Ông Vũ Tiến Lộc là chuyên gia kinh tế và diễn giả có uy tín hàng đầu ở Việt Nam. Ông là người thường xuyên cổ vũ cho công cuộc đổi mới, cho tinh thần kinh doanh và xây dựng hình ảnh người doanh nhân có trách nhiệm xã hội.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng tham gia trực tiếp vào việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư lớn ở tầm quốc gia, góp phần đưa nhiều dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế .

Gần đây nhất, phát biểu tại nghị trường kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11/2023, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, để phục hồi, phát triển kinh tế, điều bạn quan trọng là cải cách thể chế. “Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được”.

Vì vậy, ông Lộc cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời phải gỡ bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp. Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn để tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ đang làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hóa qua các quy định về vấn đề này.

Nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc qua đời

Nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc qua đời

Nhân vật
(VNF) - Ông Vũ Tiến Lộc hiện là Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Cùng chuyên mục
Tin khác