TS Vũ Tiến Lộc: ‘Kinh tế rất khó khăn, các động lực tăng trưởng chính đang suy giảm’

Huyền Trang - 31/05/2023 16:57 (GMT+7)

(VNF) - TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết nền kinh tế hiện nay đang rất khó khăn, các động lực tăng trưởng chỉnh đang trên đà suy giảm.

VNF
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC.

Niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp

Chia sẻ với báo chí bên lề phiên họp toàn thể của Quốc hội về các vấn đề kinh tế xã hội sáng 31/5, TS Vũ Tiến Lộc cho biết kinh tế hiện nay là một bức tranh với hai màu sáng - tối.

Cụ thể, năm 2022 khép lại với thành quả ấn tượng khi vừa ổn định được kinh tế vĩ mô, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 8% - gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới và 2 lần so với châu Á; Việt Nam trở thành một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế toàn cầu. Nhưng, các số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố mới đây lại cho thấy thực trạng kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 là rất khó khăn. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Lộc cho biết xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đã giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2%. Giải ngân vốn FDI giảm 0,8%.

“Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, mặc dù có tăng 8,3% so với cùng kỳ (sau khi loại trừ yếu tố giá), nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 10,3% của 3 tháng đầu năm, tức là tốc độ tăng trưởng cũng đang giảm đi”, ông Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, hiện nay, niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp. Tính chung, 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt 95 nghìn, giảm 3,7% so với cùng kỳ, còn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88 nghìn, tăng đến 22,6%.

Với các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp thực tế đã chết lâm sàng. Khu vực kinh tế tư nhân – một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, trong những năm qua, đang suy yếu.

Sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút

Lý giải về nguyên nhân chính của tình trạng ảm đạm nói trên, ông Lộc cho rằng một phần là do nhu cầu tiêu dùng tại các nước phát triển, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, tăng trưởng chậm lại, phần khác là do thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị đóng băng, gây tác động dây chuyền, khiến tình trạng nợ nần gia tăng, sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút.

“Trong bối cảnh đó, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công và làm sống lại nhiều dự án trọng điểm đã bị đắp chiếu, nằm im trong hàng thập kỷ. Chúng tôi đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã đi ngược chiều với thế giới để thực hiện 3 đợt giảm lãi suất liên tục, đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Dù vậy, theo ông Lộc, liều lượng của các chính sách kể trên còn chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ còn chậm trễ.

“Tôi đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn, bởi lạm phát tại Việt Nam đang giảm nhanh (CPI trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 0,4% so với thời điểm cuối năm ngoái), cán cân thương mại đang thặng dư lớn (5 tháng đầu năm chúng ta xuất siêu 9,8 tỷ USD), còn nợ công mới ở mức 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% GDP do Quốc hội quy định. Dư địa của các chính sách tài khóa – tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khoá của Việt Nam còn lớn”, ông Lộc nói.

Vì vậy, ông Lộc cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Chính phủ thực hiện quốc sách khoan thư sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào.

Các đề xuất theo kiểu tăng giá điện, tăng thuế mặt hàng nước uống có đường, áp chi phí tái chế bao bì cho các ngành sản xuất nên dừng lại….

"Với việc giảm thuế VAT 2% trong thời gian tới, theo tôi, chúng ta nên mở rộng ra tất cả các ngành hàng và kéo dài ít nhất 1 năm, không nên chỉ bó gọn trong vài ngành hàng và chỉ ngập ngừng trong thời gian 6 tháng", ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, các giải pháp nói trên, dù là rất quan trọng, nhưng chỉ là các biện pháp cấp thời nhằm giảm chi phí, bớt khó khăn về thanh khoản, giúp các doanh nghiệp cầm cự được trong một thời gian ngắn. Các giải pháp này chưa đủ để giúp nền kinh tế có thể phục hồi bền vững trong dài hạn.

Cần những quyết sách mạnh mẽ hơn

Để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, ông Lộc cho rằng cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn.

Cụ thể, vấn đề trách nhiệm của các cấp, các ngành phải được phân định rõ như một kỷ luật thép, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp. 70% các dự án đầu tư xây dựng cơ bản được phản ánh là đang gặp khó khăn về pháp lý.

“Đó là sự cảnh báo về tình trạng trì trệ nghiêm trọng. Ngoài ra, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn trong nền kinh tế như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp bị tắc nghẽn, khu vực doanh nghiệp nội địa đang suy kiệt thì việc đổi mới chính sách, chủ động thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp có chất lượng cao từ nước ngoài vào Việt Nam, có khả năng liên kết liên doanh với doanh nghiệp Việt, trong bối cảnh mới, cũng không kém phần quan trọng”, ông Lộc nói.

Cuối cùng, để cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lộc đề đề nghị từ năm 2024, Chính phủ nên khôi phục lại việc ban hành hàng năm Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Đây vẫn sẽ là chương trình tổng thể và thước đo cho hành động quốc gia nâng cao chất lượng thể chế với tiêu chí và mục tiêu cụ thể, cân đong đo đếm được, để tạo áp lực và động lực cho chương trình cải cách của bộ ngành địa phương trong bối cảnh mới”, ông Lộc khuyến nghị.

Cùng chuyên mục
Tin khác