TS Vũ Tiến Lộc: 'Muốn vượt bẫy thu nhập trung bình phải phá bẫy chất lượng thể chế trung bình'

Lê Nguyễn - 10/10/2020 10:58 (GMT+7)

(VNF) - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã nói như vậy tại Diễn đàn doanh nhân 2020.

VNF
Ông Vũ Tiến Lộc

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong hơn 3 thập kỷ qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phát triển bùng nổ, tinh thần khởi nghiệp của dân tộc được khơi dậy. Đất nước đã có hàng triệu doanh nhân, gần 800 ngàn doanh nghiệp, 5,4 triệu hộ kinh doanh.

"Họ là lực lượng chủ công, xung kích trong công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập", ông Lộc đánh giá.

Nhìn nhận giai đoạn chống chịu với đại dịch vừa qua, ông Lộc bày tỏ sự trân trọng đối với các doanh nhân đã vì doanh nghiệp, vì người lao động, vì nền kinh tế đất nước mà không buông bỏ trong khó khăn, chấp nhận chịu lỗ, chịu thua, chấp nhận hi sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để duy trì doanh nghiệp.

"Họ xứng đáng là những dũng sĩ, những anh hùng", ông nói.

Tuy vậy, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng chúng ta chưa thể hài lòng về sự phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, vì cộng đồng tuy đông nhưng chưa mạnh. Dù đã có một số doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp Việt được thế giới ghi danh, nhưng chúng ta chưa có được cả một thế hệ các nhà công nghiệp sánh vai với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều 'đại gia' của Việt Nam cho tới nay chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản và xây dựng… Số làm công nghiệp, công nghệ 'Make in Việt Nam', 'Make by Việt Nam' chưa nhiều.

Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của nhiều doanh nghiệp chưa cao. Hộ kinh doanh cá thể vẫn là chủ thể phổ biến, chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn xếp ở thứ hạng thấp trong khu vực.

Những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tác động của những công cuộc hội nhập đỉnh cao như CPTPP, EVFTA… hay cuộc cách mạng công nghệ số, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những diễn biến bất thường về địa chính trị, địa kinh tế biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang đòi hỏi cấu trúc chiến lược và quản trị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi.

Các doanh nghiệp dù ở quy mô nào, dù lớn bé, nhỏ vừa đều phải chuyển mình theo hướng đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, bao trùm và có trách nhiệm hơn.

Thế giới của ngày hôm nay sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua. Vị thế địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới.

"Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và đổi mới sáng tạo phải bắt nguồn từ doanh nghiệp", ông Lộc bình luận.

Cho biết ngày 20/10 tới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ công bố dự thảo các văn kiện Đại hội lấy ý kiến toàn dân, ông Lộc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cả nước và các hiệp hội doanh nghiệp sát cánh cánh với VCCI tham gia góp ý vào các văn kiện.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục khởi động hành trình vươn mình trở nên giàu có của dân tộc Việt. Từ hành trình " thoát nghèo" tới hành trình "vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình" và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

"Muốn vượt bẫy thu nhập trung bình phải vượt bẫy chất lượng thể chế (kinh tế) trung bình...", ông Lộc nói và kêu gọi, "Chúng ta ủng hộ những nỗ lực quyết liệt của Đảng trong công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian qua và hi vọng công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Song hành với đó là những nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, an toàn để góp phần giải quyết một căn nguyên gốc rễ của tình trạng tham nhũng và tạo được động lực sáng tạo cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam có thể bứt phá vượt lên".

Ông cũng đề nghị Đảng và Nhà nước có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám bứt phá vì lợi ích chung.

"Chúng ta cần tôn vinh những người phá rào vì dân vì nước", ông Lộc nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác