TT Putin: Mỹ 'rất có thể' đứng sau vụ đánh bom Dòng chảy phương Bắc

Quang Đăng - 14/12/2023 23:56 (GMT+7)

(VNF) - Phát biểu trong buổi giao lực trực tuyến với người dân ngày 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng thủ phạm vụ đánh bom đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) rất có thể là Mỹ.

Vào cuối tháng 9 năm ngoái, ba trong số bốn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy từ Nga đến Đức dọc theo đáy biển Baltic để cung cấp khí đốt tự nhiên cho Tây Âu bị tấn công.

Mặc dù các cuộc điều tra chính thức đã được thực hiện ở ba quốc gia gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Đức nhưng đến thời điểm hiện tại, câu hỏi ai là thủ phạm vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc vẫn chưa có lời giải.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ nhất mà Nga có thể sử dụng để thu hút sự nhượng bộ từ một số nước phương Tây.

Việc đường ống bị nổ đã cắt đứt mối quan hệ năng lượng của Đức với Nga và khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn của Mỹ.

Bình luận về vấn đề này tại cuộc họp báo cuối năm thường niên (hay còn gọi là họp báo marathon), ông Putin cho biết chính Liên minh châu Âu (EU) phải chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến nguồn cung khí đốt mà khối này đang gặp phải.

“Thật kỳ lạ, họ lại cố đổ lỗi sự thiếu hụt khí đốt cho chúng tôi. Điều này hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì không phải chúng tôi đã đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu ở Ba Lan, nhánh thứ hai của đường ống xuyên qua lãnh thổ Ukraine, mà chính Ukraine đã làm điều đó. Chúng tôi không cho nổ tung Nord Stream 1 và một phần Nord Stream 2. Rất có thể việc này được thực hiện bởi người Mỹ hoặc ai đó theo chỉ dẫn của họ”, nhà lãnh đạo Nga khẳng định.

Người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý thêm rằng một trong những đường ống Nord Stream 1 đang trong tình trạng hoạt động, nhưng Đức đang phản đối việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt. Ông Putin nhấn mạnh rằng “gã khổng lồ năng lượng” Gazprom của Nga luôn là đối tác đáng tin cậy và hoàn thành mọi nghĩa vụ theo hợp đồng.

Các tranh cãi giữa Nga, Mỹ và các nước phương Tây về thủ phạm đứng đằng sau vụ phá hoại Dòng chảy phương Bắc đã bùng phát ngay sau vụ việc. Cả Nga và phương Tây đều nghi ngờ đây là hành động phá hoại có chủ đích.

Về phía Nga, nước này cáo buộc Mỹ và Anh đã “dàn dựng” các vụ nổ khiến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc bị phá huỷ, đồng thời cho rằng 2 nước trên “rõ ràng được hưởng lợi” từ hành vi đó.

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây cho rằng trong số các nghi phạm, Nga có khả năng thực hiện nhất nhằm cho thấy sự mong manh của nguồn cung năng lượng châu Âu.

Nhận hơn hai triệu câu hỏi trước họp báo thường niên

Chiều 14/12 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Vladimir Putin tổ chức cuộc hỏi - đáp trên truyền hình trực tiếp, trong đó các nhà báo và người dân đặt câu hỏi cho người đứng đầu nước Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi giao lực trực tuyến với người dân ngày 14/12.

Đây là cuộc họp báo marathon cuối cùng trong nhiệm kỳ hiện tại của ông Putin, nhưng là họp báo đầu tiên sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ông Putin đã tiến hành các cuộc họp báo kiểu này kể từ năm 2001. Năm nay, Điện Kremlin đã nhận được hơn 1,3 triệu cuộc gọi và hơn 500.000 tin nhắn để đặt câu hỏi cho Tổng thống Putin. Hơn 40.000 tin nhắn được gửi qua ứng dụng điện thoại di động "Moscow - to Putin", và khoảng 130.000 email được gửi tới website cùng tên.

Tuy nhiên, mỗi lần họp báo, ông Putin chỉ trả lời khoảng vài chục câu hỏi, chủ yếu liên quan đến vấn đề chính sách kinh tế, xã hội, an ninh.

Cuộc họp báo năm nay diễn ra không lâu sau khi ông xác nhận sẽ tái tranh cử tổng thống vào năm 2024. Chủ đề năm nay được nhiều phóng viên và người dân Nga quan tâm là việc đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây, chính sách đối ngoại, nhà ở và dịch vụ xã hội, giao thông, giá lương thực và các khoản trợ cấp cho những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Kể từ năm 2001, ông Putin đã 15 lần tổ chức họp báo thường niên để trả lời câu hỏi của công chúng trên cương vị tổng thống và 4 lần ở vai trò thủ tướng. Lần gần nhất ông Putin tổ chức họp báo thường niên là vào năm 2021. Năm 2022, Điện Kremlin đã không tổ chức sự kiện này.

Xem thêm >> Mỹ công bố hàng trăm lệnh trừng phạt mới nhằm cô lập Nga

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác