Từ vụ bà Phạm Thị Hinh bị bắt, nhìn lại hành trình KSA trên thị trường chứng khoán

Tiểu Mai - 25/03/2019 08:29 (GMT+7)

Cuối tuần qua, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự thao túng TTCK đối với cổ phiếu của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã cổ phiếu KSA) và tạm giữ hình sự với nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị KSA - bà Phạm Thị Hinh. Thông tin này không bất ngờ đối với thị trường, nhưng đã góp phần làm tăng niềm tin của nhà đầu tư.

VNF

Nguyên Chủ tịch KSA bị tạm giữ hình sự

Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ngày 22/3, cơ quan này đã nhận được văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội về việc khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA), gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Theo đó, qua quá trình điều tra, căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 12/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ngày 21/3/2019 đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, tạm giữ hình sự đối với bà Phạm Thị Hinh về tội thao túng thị trường chứng khoán theo quy định tại Ðiều 211, Bộ luật Hình sự.

Bà Phạm Thị Hinh sinh năm 1973, hộ khẩu thường trú tại tổ 20A, phường Ðịnh Công, Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận; Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật CTCP Chứng khoán VSM.

Thông tin cũng cho biết, hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra vụ án.

Hành trình KSA trên thị trường chứng khoán

Ngày 27/7/2010, cổ phiếu KSA lần đầu giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, với giá tham chiếu 60.000 đồng/cổ phiếu. Sau phiên đầu tiên đi ngang, thị giá KSA bắt đầu giảm dần.

Tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên KSA diễn ra vào ngày 20/4/2015, bà Phạm Thị Hinh được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc KSA.

Từ mức vốn điều lệ 128,688 tỷ đồng khi niêm yết, sau 3 lần tăng vốn, KSA đã nâng vốn điều lệ lên gần 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Cụ thể, năm 2011, Công ty thực hiện chia cổ tức năm 2010 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Ngày 5/10/2011, KSA niêm yết thêm gần 2,574 triệu cổ phiếu từ nghiệp vụ này.

Ngày 24/9/2013, KSA tiếp tục chốt danh sách cổ đông để chào bán thêm cổ phiếu tỷ lệ 1:1,2, với số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán là 18,531 triệu cổ phiếu, giá chào bán bằng mệnh giá. Tại ngày chốt danh sách cổ đông, giá cổ phiếu KSA là 7.600 đồng/cổ phiếu. Với thực trạng giá cổ phiếu này, KSA đã không thể chào bán thành công cho cổ đông hiện hữu. Ðến ngày 25/10/2013, hạn nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm của cổ đông hiện hữu, chỉ có 2.680 cổ phiếu KSA được đặt mua.

Phát hành không được cho cổ đông hiện hữu, nhưng cuối cùng, KSA cũng hoàn thành xong mục tiêu phát hành 18,531 triệu cổ phiếu thông qua việc phân phối lại quyền mua cổ phiếu này cho các tổ chức, cá nhân, bao gồm vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị KSA thời điểm này (ông Dũng từ chối việc mua trong vai trò cổ đông hiện hữu, nhưng lại mua vào sau khi KSA bị nhà đầu tư từ chối mua phát hành thêm). Sau thương vụ này, vốn điều lệ KSA tăng lên mức gần 340 tỷ đồng.

Năm 2014, KSA tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 10% thông qua việc chia cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Năm 2015, sau khi bà Hinh đã giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc KSA, công ty này tiếp tục tăng vốn thành công một lần nữa thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ngày 28/9/2015, KSA chốt danh sách cổ đông phát hành thêm theo tỷ lệ 2:3.

Kịch bản cũ lặp lại, với mức giá đang giao dịch trên thị trường chỉ 4.300 đồng/cổ phiếu, KSA lại tiếp tục bị “ế”. Chỉ 1,22 triệu cổ phiếu chào bán thành công cho cổ đông hiện hữu, phần còn lại với khối lượng 54,8 triệu cổ phiếu “ế” được chào bán cho các tổ chức, cá nhân khác, trong đó, CTCP VFI Việt Nam và CTCP Tư vấn Ðầu tư Sài Gòn Năng Ðộng mua nhiều nhất, với số lượng lần lượt là 10 triệu và 20 triệu cổ phiếu. Nhờ sự “mạnh dạn” của các cổ đông này, KSA hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 560 tỷ đồng, lên mức vốn mới 934,3 tỷ đồng.

Ðây cũng là đợt phát hành thành công cuối cùng của KSA đến thời điểm này (KSA có phát hành riêng lẻ không thành công sau đó). Cũng từ thời điểm này, KSA xuất hiện những thông tin lùm xùm liên quan đến chất lượng doanh thu, lợi nhuận, thay đổi mục đích sử dụng vốn và diễn biến giá cổ phiếu bất thường, vi phạm công bố thông tin.

Ngày 10/5/2018, HOSE đã quyết định đưa cổ phiếu KSA vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 17/5/2018 do Công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên TTCK (chậm công bố báo cáo kiểm toán năm 2017, báo cáo thường niên năm 2017, khắc phục nghĩa vụ thuế, họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên…) và bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Từ ngày 2/8/2019, KSA bị huỷ niêm yết trên HOSE, khi mức giá chỉ còn xấp xỉ 500 đồng/cổ phiếu.

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác