Từ vụ Vũ Hán, nhìn lại những cuộc giải cứu công dân Việt Nam khỏi ‘vùng đất chết’
Minh An -
10/02/2020 15:14 (GMT+7)
(VNF) - 30 công dân Việt Nam đã trở về an toàn từ tâm dịch Corona Vũ Hán của Trung Quốc vào sáng 10/2. Toàn bộ số công dân nêu trên có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần tốt và sẽ được cách ly, theo dõi y tế theo quy định. Từ vụ việc này, cùng VietnamFinance nhìn lại những cuộc giải cứu công dân Việt Nam khỏi "vùng đất chết".
Theo tổ chức Di cư quốc tế (IMO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ di cư cao.
Còn theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ước tính có hơn 500 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 30 nhóm ngành nghề.
Chỉ riêng năm 2019 đã có gần 150 ngàn lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước, theo Bộ LĐ,TB&XH.
Mỗi khi có khủng hoảng xảy ra tại các quốc gia có công dân Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập thì ưu tiên hàng đầu là giải cứu người Việt khỏi những “vùng đất chết”. Trong đó, phải kể đến 2 cuộc di tản người Việt khỏi vùng chiến sự Lybia năm 2011 và Iraq năm 1990.
Đưa người Việt trở về từ "ổ dịch" Vũ Hán
Sáng 10/2, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tiến hành đưa về nước 30 công dân Việt Nam (gồm các sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam,...) từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - vùng tâm dịch và không có bất kỳ kết nối giao thông nào với các khu vực khác.
Sau khi chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh lúc 05h04 phút sáng nay (10/02), các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế theo đúng quy định phòng dịch cho 30 công dân. Hiện nay, toàn bộ số công dân nêu trên (đặc biệt là một nữ hành khách đang mang thai 8 tháng) có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần tốt và sẽ được cách ly, theo dõi y tế theo quy định.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, từ tháng 12/2019, lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và 26 nước và vùng lãnh thổ.
Số người nhiễm bệnh trên toàn cầu hiện tại là 40.553 người. Có 3.322 người đã hồi phục, nhưng vẫn còn 6.494 người đang trong tình trạng nguy kịch, 910 người đã tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo về nCoV lên tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Tại thời điểm xảy ra dịch nCoV, đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết có 302 lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại thành phố Vũ Hán. Trong đó, 281 người đã về Việt Nam đón Tết, còn lại 21 người ở trung tâm dịch bệnh cùng 3 người nhà. 19 người trong số này có nguyện vọng về nước.
Chính phủ đã lên phương án đón công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch, với điều kiện cách ly tập trung 14 ngày. Theo đó, việc cách ly được bảo đảm các điều kiện ăn ở, ngủ nghỉ và tiếp cận thông tin thời sự. Dự kiến ba sân bay Cần Thơ (TP. Cần Thơ), Phù Cát (Bình Định) và Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ là điểm đón các chuyến bay đưa người Việt từ vùng dịch về nước.
Đối với công dân và người lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc, nếu có nguyện vọng về nước, 7 tỉnh biên giới sẽ chuẩn bị các phương án. Việc cách ly tập trung được thực hiện tại các khu cách ly do bộ Quốc phòng chuẩn bị cơ sở vật chất và bộ Y tế hỗ trợ chuyên môn, đảm bảo không để công dân ra khỏi khu vực này.
Đưa hơn 10.000 lao động Việt Nam trở về từ vùng chiến sự Lybia
Tháng 2/2011, nội chiến nổ ra ở Libya. Đến ngày 24/2 thì Lybia bắt đầu mất kiểm soát. Ngay hôm đó, chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi đó là Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm Phó trưởng ban thường trực.
Ngày hôm sau, 25/2/2011, 2.000 lao động Việt Nam được sơ tán sang các nước láng giềng của Libya và Cục QLLĐNN đề nghị Tổ chức di dân quốc tế (IOM) hỗ trợ, giúp đỡ lao động Việt Nam di tản khỏi Libya và trở về nước.
Ngày 28/2, hơn 8.000 lao động Việt Nam đang di chuyển gấp rút khỏi Libya, khoảng 4.600 người đã sơ tán sang các nước thứ ba là Ai Cập.
Đêm 28/2, một đoàn công tác đặt biệt của chính phủ đã đáp chuyến chuyên cơ đầu tiên của Vietnam Airlines rời Hà Nội, mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men tới Cairo (Ai Cập) nhằm ứng cứu kịp thời, đưa ngay số lao động ở đây về nước. Tổ công tác này cũng có nhiệm vụ nghiên cứu các điều kiện để lập Sở chỉ huy tiền phương tại một địa điểm ở Trung Đông hoặc Bắc Phi nếu cần thiết thì đề xuất phương án lập cầu hàng không đưa lao động và công dân Việt Nam về nước.
Sau đó, sân bay Djerba của Tunisia được lựa chọn làm nơi đóng quân của đoàn công tác và là điểm đón chủ yếu của cầu hàng không đưa công dân Việt Nam về nước. Những chuyến bay giải cứu công dân được bắt đầu từ ngày 1/3/2011.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đón lao động từ Lybia trở về tại cửa máy bay.
Kết quả, hơn 10 ngàn lao động Việt Nam mắc kẹt trong bạo loạn tại Lybia đã trở về với đất mẹ an toàn, trong sự chờ đón của hàng chục ngàn thân nhân tại quê nhà.
Ở thời điểm đó, ông Chris Topher Hopman, chuyên gia ứng phó khẩn cấp và hậu khủng hoảng của IOM khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết ông rất xúc động khi chứng kiến cảnh hàng đoàn người Việt Nam tìm cách vượt qua biên giới Libya để tìm chỗ trọ và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa những người này thoát khỏi vùng đất chết. “Việt Nam là một trong những nước sớm đưa công dân ra khỏi Libya trong tháng 6 vừa qua” - ông Chris Topher Hopman nói.
Sơ tán 17.000 lao động Việt Nam tại Iraq về nước
Ngày 30/7/1990, Iraq ra lệnh cho khoảng 100.000 lính cùng 300 xe tăng và 300 khẩu pháo hạng nặng chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống chiến đấu với Kuwait, quốc gia láng giềng nhỏ bé nhưng giàu tài nguyên dầu mỏ.
Hai ngày sau, vào rạng sáng 2/8/1990, quân Iraq ồ ạt tràn sang biên giới, tiến đánh nước láng giềng Kuwait.
Chỉ trong vòng 4 ngày, Iraq đã điều tới hơn 200.000 binh sĩ cùng 2.000 xe tăng tham chiến ở Kuwait. Tổng thống Iraq khi đó là Saddam nhanh chóng tuyên bố sáp nhập nước láng giềng nhỏ bé thành "tỉnh thứ 19 của Iraq" và thành lập chính quyền cấp tỉnh cắm chốt tại thủ đô Kuwait.
Bằng cách sáp nhập Kuwait, Iraq đã giành quyền kiểm soát hơn 20% trữ lượng dầu của thế giới và lần đầu tiên thực hiện được mục tiêu "mở đường thông ra biển".Tất cả rốt cuộc nhằm hiện thực hóa tham vọng từ lâu của Iraq là trở thành một cường quốc ở Trung Đông, có khả năng chi phối cả Vùng Vịnh và thế giới Arập.
Tuy nhiên, các động thái của chính quyền Saddam đã vấp phải làn sóng lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Iraq bị buộc tội vi phạm luật pháp quốc tế, đem quân xâm lược một quốc gia có độc lập, chủ quyền. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí ra nghị quyết lên án cuộc tấn công, chiếm đóng Kuwait và yêu cầu Iraq rút quân ngay lập tức về nước.
Chiến tranh Vùng Vịnh (1990 - 1991) hay "Cuộc chiến giải phóng Kuwait" như cách gọi của nhiều người Arập và phương Tây chính thức bắt đầu.
Quang cảnh hoang tàn tại biên giới Iraq-Kuwait
Ở thời điểm đó, hàng chục ngàn lao động Việt Nam ở khu vực này rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng.
Khi đó, thông tin còn hạn chế, đất nước còn khó khăn nhưng một chiến dịch sơ tán cũng đã được chính phủ triển khai thành công cho hơn 17.000 lao động Việt Nam tại Iraq về nước.
Ước tính có khoảng 100.000 - 200.000 dân thường Iraq đã thiệt mạng vì bị thương hoặc do thiếu nhu yếu phẩm và đồ chữa trị y tế trong thời gian diễn ra Chiến tranh Vùng Vịnh. Khoảng 85% công ty công nghiệp ở Iraq đã bị phá hủy hoặc bị hư hại nghiêm trọng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone