L ãnh đạo khối ngân hàng số của một ngân hàng từng thành thật chia sẻ rằng hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam vẫn đang vật lộn với việc ứng dụng AI trong phạm vi hẹp, cố gắng tìm kiếm các trường hợp cụ thể để ứng dụng AI một cách hiệu quả với chi phí hợp lý, mang lại lợi ích mà hội đồng quản trị có thể nhìn thấy được, chứ chưa mặn mà với việc đầu tư các loại AI có phạm vi rộng hơn, tổng quát hơn, thông minh hơn.

“Ngay cả hội đồng quản trị cũng khá xa lạ với công nghệ nên mỗi khi chúng tôi nói rằng muốn triển khai điều gì đó liên quan đến AI, câu hỏi đầu tiên xuất hiện là “điều đó có giúp ngân hàng kiếm được nhiều tiền hơn không, có giúp ngân hàng tiết kiệm được nhiều tiền không” nhưng thực tế, chúng ta không thể khẳng định được điều đó”, vị này cho hay.

Một lãnh đạo chuyển đổi số ngân hàng khác bày tỏ với Đầu tư Tài chính rằng các ngân hàng đang sở hữu lượng dữ liệu cực kỳ quý giá và để khai thác được lượng dữ liệu này nhất thiết phải đầu tư mạnh vào AI và BigData. Tuy nhiên để làm được điều này thì cần có sự thay đổi tư duy và quyết tâm từ các cấp lãnh đạo đến những người làm sản phẩm, người làm kinh doanh và người làm công nghệ.

Chẳng hạn như muốn ứng dụng AI vào phân tích dữ liệu để cho ra kết quả hữu dụng thì trước tiên phải gom thêm dữ liệu từ các nguồn khác, ví dụ như người dùng đang sử dụng ứng dụng nào, vào website nào, ghé thăm quầy giao dịch nào..., sau đó kết hợp với dữ liệu hiện có của ngân hàng và tiến hành làm sạch dữ liệu. Một bài toán cụ thể là muốn cảnh báo sớm giao dịch bất thường cho khách hàng thì bên cạnh các thao tác mà khách hàng thực hiện trên ứng dụng ngân hàng (app) thì ngân hàng cũng cần biết khách hàng đang ở đâu (ví dụ khách hàng bình thường thực hiện giao dịch ở Hà Nội nhưng chỉ 20 phút sau đột nhiên thực hiện giao dịch ở TP. HCM), những thông tin đó phải được thu thập thì AI mới nhận diện được bất thường.

“Thoạt nhìn thì tiềm năng rất lớn nhưng để triển khai thành những bài toán cụ thể và đem lại lợi ích cụ thể cho ngân hàng thì vẫn phải mất nhiều thời gian và trong nhiều trường hợp, chưa rõ sẽ đem lại lợi ích cho tổ chức như thế nào, sinh ra lợi nhuận bao nhiêu, làm thay đổi mô hình kinh doanh ra sao”, vị này lưu ý.

Dẫu vậy, AI được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi quan trọng trong ngành tài chính - ngân hàng trong tương lai gần, mà điển hình nhất là hoạt động cho vay ngân hàng trực tuyến (online).

Trong quy trình cho vay, có 3 thủ tục quan trọng nhất. Thứ nhất là hiểu khách hàng là ai (KYC khách hàng). Ngân hàng mất khá nhiều thời gian để kiểm tra xem khách hàng có đúng là làm việc ở cơ quan mà họ khai báo với ngân hàng hay không, có hợp đồng lao động hay không, có bảng lương hay không, có nợ xấu tại CIC hay không... Các phần mềm giúp con người định danh khách hàng nhanh hơn nhưng con người vẫn phải làm và ra quyết định. Hiện nay, khâu KYC khách hàng để cho vay tối thiểu cũng phải mất 1 ngày.

Khâu thứ hai là chứng minh năng lực trả nợ của người vay. Ví dụ, bảng lương mà khách hàng nộp lên ngân hàng có đúng với thu nhập thực tế hay không, lịch sử tín dụng như thế nào...

Khâu thứ ba là giám sát mục đích vay và theo dõi việc trả nợ. Chẳng hạn như khách hàng vay mua nhà nhưng lại dùng tiền đó để mua xe, hoặc tệ hơn là dùng tiền vay để đảo nợ, thì khả năng trả nợ có thể sẽ gặp vấn đề trong tương lai.

Tất cả những khâu trên hiện nay nhìn chung mới ứng dụng các phần mềm hoặc tra cứu trực tuyến để tăng tốc độ xử lý, nhưng dù tăng thế nào thì với sự góp mặt của con người, tốc độ xử lý cũng bị giới hạn ở mức nhất định và không thể xử lý tập số lớn được. Muốn xử lý tập số lớn thì bắt buộc phải có sự góp mặt của AI.

Thêm vào đó, AI cũng giúp ra quyết định cho vay tốt hơn. Ví dụ một khách hàng chưa có lịch sử tín dụng, bình thường sẽ khó đánh giá khả năng trả nợ nhưng dữ liệu lại cho thấy người này thường xuyên nợ tiền điện, nước, nợ thuế, chậm trả các loại cước... thì ngân hàng lại đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng là kém; hoặc vợ của khách hàng đang làm việc cho một tổ chức lớn có thu nhập cao hay bố mẹ của khách hàng là những người giàu có thì khả năng trả nợ của khách hàng lại được đánh giá cao. Không hệ thống con người nào trên thực tế có thể kiểm tra được nhanh chóng và trên quy mô lớn những thông tin như vậy trong khi đây là những thông tin hết sức hữu ích trong việc ra quyết định cho vay.

AI được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi quan trọng trong ngành tài chính - ngân hàng trong tương lai gần, mà điển hình nhất là hoạt động cho vay ngân hàng trực tuyến (online).

Tóm lại, chỉ có AI mới đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho vay với số lượng lớn, quy mô nhỏ, tín chấp và không có vai trò phê duyệt của con người.

Điều đáng mừng là đang có những tín hiệu thuận lợi cho việc ứng dụng AI vào hoạt động cho vay online. Thứ nhất, Chính phủ đang quyết liệt triển khai Đề án 06. Ngay mùng 2 Tết Giáp Thìn, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo các chuyên gia, nếu dữ liệu căn cước công dân được làm sạch và ngân hàng có thể kết nối và khai thác có trả phí thì sẽ tạo bước đột phá trong hoạt động cho vay, bởi tính chính danh và tính duy nhất của dữ liệu này là cực kỳ cao. Khi đó, việc ngân hàng cấp một khoản cho vay tín chấp là rất dễ dàng. Kết hợp với AI phân tích dữ liệu và ra quyết định cho vay thì hoạt động cho vay online sẽ bùng nổ, đặc biệt là các khoản vay quy mô nhỏ. Nếu ứng dụng được thêm AI tạo sinh để tạo ra chatbot tự nhiên nữa thì hoạt động cho vay online gần như được khép kín bằng công nghệ. Đây không đơn giản là một sự nâng cấp mà đã tạo ra thay đổi trong mô hình kinh doanh của ngành ngân hàng, bởi cho vay là mảng kinh doanh lớn nhất của ngành này.

Một động lực nữa cho hoạt động cho vay online được chờ đợi là từ ngày 1/7/2024, Luật Giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực. Khi đó, chữ ký điện tử, khế ước điện tử, hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử... đều hợp pháp, các ngân hàng không còn sợ vô hiệu trước toà.

Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Phúc Nguyên, Giám đốc Công nghệ thông tin của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kỳ vọng AI sẽ ngày càng đóng vai trò cốt lõi hơn trong hầu hết các hoạt động đầu tư và hỗ trợ khách hàng.

“AI sẽ len lỏi vào từng ngóc ngách sản phẩm cung cấp cho nhà đầu tư. Từ việc phân tích dữ liệu tức thời để dự báo và nhận diện xu hướng, cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng đến việc tối ưu hóa danh mục đầu tư, hoặc tự động hóa giao dịch”, ông Nguyên nhìn nhận.

Theo vị giám đốc này, trên thế giới, việc áp dụng AI vào lĩnh vực chứng khoán đang diễn ra rất mạnh và sâu ở nhiều hình thức khác nhau. Nổi trội là sự kết hợp giữa dữ liệu lớn và AI đang được sử dụng để phân tích sự biến động của thị trường, xác định xu hướng và thậm chí là dự báo rủi ro. Sự thành công khi áp dụng AI trong tự động hóa giao dịch của một số quỹ đầu tư và công ty chứng khoán nổi bật như Renaissance, Citadel, Two Sigma hay BlackRock ... là những minh chứng điển hình.

“Đối với BVSC, AI đang được áp dụng trong việc dự báo thị trường và sự thay đổi của cổ phiếu hoặc chỉ số. Bên cạnh đó, việc tổng hợp thông tin tự động, nhận diện những cơ hội đầu tư tức thời là những hướng đang được nghiên cứu để đưa vào các sản phẩm. Chúng tôi kỳ vọng khách hàng sẽ có thêm một công cụ, hay xa hơn là một trợ lý AI giúp hoạt động đầu tư của mình an nhàn nhưng hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Phúc Nguyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Khối Công nghệ thông tin của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), trong một cuộc trao đổi chuyên môn về AI do FPT Digital tổ chức, cho hay tốc độ cạnh tranh về AI đang ở mức đáng kinh ngạc. Bản thân ngân hàng cũng phải rất tập trung trong việc ứng dụng công nghệ này để mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất, thậm chí mang đến cho khách hàng một sự lựa chọn mà chính họ cũng không nhận ra rằng họ cần sự lựa chọn đó.

Để một cuộc cách mạng toàn diện trong ngành tài chính - ngân hàng diễn ra, bản thân nền tảng công nghệ AI cũng cần được tất cả các bên phát triển theo các hướng phù hợp với thị trường, để các ngân hàng hay doanh nghiệp có thể tiếp cận và áp dụng.

Ông Nguyễn An Nguyên, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Trusting Social, cho hay các ngân hàng đang đứng trước cơ hội lớn để phục vụ khách hàng tốt hơn 10 lần nhờ công nghệ và nếu ngân hàng nào làm được điều đó thì nó sẽ tạo ra áp lực khiến các ngân hàng khác phải chạy theo. Ông Nguyên ví von rằng ngành ngân hàng đang “bình yên trước cơn bão”, khi chưa ngân hàng nào làm được điều đó.

Để một cuộc cách mạng toàn diện trong ngành tài chính - ngân hàng diễn ra, bản thân nền tảng công nghệ AI cũng cần được tất cả các bên phát triển theo các hướng phù hợp với thị trường, để các ngân hàng hay doanh nghiệp có thể tiếp cận và áp dụng. Ví dụ với công nghệ AI tạo sinh, bên cạnh hướng xây dựng các mô hình (model) khổng lồ có thể giải quyết đa tác vụ thì cũng cần có những công ty khác xây dựng các mô hình nhỏ hơn với chi phí hợp lý hơn, nhưng lại hiệu quả hơn các mô hình lớn trong một/một vài vấn đề nhất định nhờ được học sâu hơn và khả năng tinh chỉnh (fine-tune) tốt hơn.

Phó Giáo sư Trần Thanh Long, Phó trưởng Khoa và Giám đốc nghiên cứu, Khoa Khoa học máy tính tại Đại học Warwick (Vương quốc Anh), trong sự kiện Zalo AI Summit 2023 còn đề cập đến một tương lai xa hơn, đó là AI tự học và tự tương tác.

Theo Phó Giáo sư Trần Thanh Long, hiện nay cách hoạt động của AI tạo sinh vẫn khá thụ động, chẳng hạn con người phải đưa ra câu hỏi, đưa ra lời gợi ý, mô tả... thì AI tạo sinh mới đưa ra kết quả cho con người. Nhưng trong tương lai, khả năng cao là AI tạo sinh sẽ chủ động hơn rất nhiều. Nó có thể tự tương tác với những đối tượng khác nhau, trong đó có các AI tạo sinh khác và với cả con người, cũng như tương tác với môi trường xung quanh, từ đó có thể tự đưa ra quyết định phải làm gì tiếp theo.

Nhà nghiên cứu AI này nhấn mạnh tương lai trên không chỉ thú vị đối với giới nghiên cứu khoa học mà về mặt tài chính có thể đem lại lợi nhuận rất lớn. Dễ tưởng tượng nhất là trong lĩnh vực nhà thông minh (smarthome). Qua tương tác với chủ nhân ngôi nhà, AI có thể biết rằng sở thích của chủ nhân là gì, nên bật - tắt đèn khi nào, bật điều hoà ở nhiệt độ bao nhiêu, mở nhạc gì khi chủ nhân về nhà... Ở cấp độ cao hơn là thành phố thông minh, có nhiều AI cùng hoạt động và tương tác với nhau. Ví dụ như hoạt động vận tải, trong tương lai có thể có hàng trăm, hàng nghìn ô tô không người lái được điều khiển bằng AI, đèn đường giao thông cũng được điều khiển bằng AI, AI cũng theo dõi giờ tan học của các trường học..., tất cả những AI này có thể tương tác với nhau để tối ưu hoá mật độ giao thông.

Lãnh đạo cấp phó khối ngân hàng số của một ngân hàng (được đề cập ở đầu bài viết) đánh giá ngành ngân hàng trong tương lai cũng sẽ xuất hiện các “AI tự trị”, được giao nhiệm vụ tự thực hiện một số công việc, và đây là một bước nhảy vọt rất xa. Tuy nhiên sẽ còn lâu mới đạt được cấp độ đó. Trước mắt, việc ứng dụng AI trong phạm vi hẹp vẫn là chủ đạo trong các ngân hàng.

THỰC HIỆN:
THANH LONG
THIẾT KẾ:
NGỌC ĐẠI

sử dụng iframe bình luận có sẵn
AI và xu hướng ra quyết định dựa trên dữ liệu

AI và xu hướng ra quyết định dựa trên dữ liệu

Con người và AI

Con người và AI

Làm gì với AI?

Làm gì với AI?

Rào cản với AI

Rào cản với AI

(VNF) - Để AI hoạt động hiệu quả, cần dữ liệu chất lượng cao và đa dạng. Tuy nhiên, việc thu thập, lưu trữ, và xử lý dữ liệu hiện đang có hạn chế về chất lượng và độ tin cậy. Việc xây dựng và duy trì hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết cho AI cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính cũng như kỹ thuật.

Kỷ nguyên của AI

Kỷ nguyên của AI