Tài chính quốc tế

Tuyến đường huyết mạch cuối cùng dẫn khí đốt Nga tới châu Âu có nguy cơ đóng lại

(VNF) - Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cho biết một trong những tuyến đường huyết mạch cuối cùng vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu có thể bị đóng cửa vào cuối năm tới khi hợp đồng cung cấp khí đốt của Ukraine với Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom hết hạn.

Tuyến đường huyết mạch cuối cùng dẫn khí đốt Nga tới châu Âu có nguy cơ đóng lại

Từ đầu năm tới nay, lượng khí đốt mà Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga xuất khẩu sang EU qua Ukraine đã giảm đáng kể.

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết cơ hội để Kiev và Moscow đồng ý gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt là rất mong manh mặc dù công suất tuyến đường ống qua Ukraine chiếm gần 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu.

Thỏa thuận vận chuyển khí đốt đầu tiên giữa Nga và Ukraine được ký kết vào tháng 12/2019, có hiệu lực trong 5 năm. Thỏa thuận đảm bảo khối lượng trung chuyển tối thiểu 65 tỷ m3 khí đốt trong năm 2020 và 40 tỷ m3 khí đốt/năm trong giai đoạn 2021 – 2024. mang về 7 tỷ USD cho Ukraine.

Khi được hỏi liệu Ukraine có sẵn sàng đàm phán lại thỏa thuận này với Moscow hay không, Bộ trưởng Galushchenko cho rằng việc hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán là khó có khả năng xảy ra đồng thời nói thêm rằng Ukraine đang chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung.

Vị bộ trưởng nói thêm rằng châu Âu đã chuẩn bị tương đối sẵn sàng cho tình trạng nguồn cung tiếp tục thu hẹp, sau khi đã thích ứng với những đợt cắt giảm tương tự trong quá khứ bằng cách giảm nhu cầu và tìm nguồn nhập khẩu thay thế như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Trước khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra, Nga đã cung cấp gần 40% lượng khí đốt mà các nước Liên minh châu Âu (EU) tiêu thụ, chủ yếu thông qua mạng lưới đường ống. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái, Nga đã cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt tự nhiên qua châu Âu.

Sau khi đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) bị hư hại vào tháng 9/2022, tuyến vận chuyển qua Ukraine hiện là tuyến đường duy nhất cung cấp khí đốt của Nga cho các nước Tây và Trung Âu.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn năng lượng ICIS, lượng khí đốt Áo nhập khẩu của Nga qua Ukraine chiếm khoảng một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của nước này vào tháng 5, trong khi ở Slovakia là 95%.

Việc Nga siết nguồn cung đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát và tăng chi phí sinh hoạt trên khắp lục địa già.

Nếu không có tuyến đường trung chuyển Ukraine, đường ống duy nhất dẫn khí đốt từ Nga vào châu Âu sẽ là Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkstream), cung cấp cho các quốc gia ở phía đông nam lục địa và chỉ chiếm dưới 3% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong tháng 5.

Trong khi ông Galushchenko gợi ý rằng các chính trị gia châu Âu có thể muốn đàm phán lại hợp đồng, như đã xảy ra vào năm 2019 khi một phái đoàn EU làm trung gian cho các cuộc đàm phán ba bên với Nga và Ukraine, thì  các nhà phân tích cho rằng điều này khó có thể xảy ra do khó khăn trong việc tổ chức các cuộc đàm phán với Moscow.

Việc mất đi một phần nhỏ nguồn cung có khả năng đẩy giá khí đốt tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin nói rằng quyết định không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt sẽ “giáng một đòn mạnh” vào EU, trong khi Ukraine sẽ “tự bắn vào chân mình bằng cách đánh mất lợi ích”.

Xem thêm >> Qatar và Trung Quốc tiếp tục ký ‘siêu hợp đồng’ khí đốt kéo dài 27 năm

Tin mới lên