Ứng xử với phương thức vận tải hàng hóa mới nhìn từ đề xuất của IPP Air Cargo

Anh Minh - 27/07/2021 16:33 (GMT+7)

Dự án thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa của CTCP IPP Air Cargo rất đáng ghi nhận và cần sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

VNF
Dự án thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa của IPP Air Cargo được các chuyên gia logistics đánh giá là có tính khả thi cao

Dự án thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa của CTCP IPP Air Cargo rất đáng ghi nhận và cần sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Dự án thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa của IPP Air Cargo được các chuyên gia logistics đánh giá là có tính khả thi cao

Mặc dù sớm nhất cũng phải cuối quý I/2022, Dự án thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa đầu tiên tại Việt Nam mới có thể trở thành hiện thực, nhưng sự kiên trì, quyết tâm của đơn vị đề xuất là Công ty cổ phần IPP Air Cargo là rất đáng ghi nhận, rất cần sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Ngoài việc có một chiến lược kinh doanh khá bài bản của một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hàng không, Dự án Thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa của IPP Air Cargo được các chuyên gia logistics đánh giá là có tính khả thi cao nhờ chấp nhận mạnh tay đầu tư đội tàu bay chuyên dụng quy mô lớn; hệ thống kho hàng ngoại quan đồng bộ tại các sân bay lớn trong nước, cũng như khả năng kết nối với doanh nghiệp logistics nước ngoài.

Cần phải nói thêm rằng, ý tưởng thành lập một hãng hàng không chuyên về vận tải hàng hóa không phải là mới tại Việt Nam.

Song sự hạn chế về tiềm lực tài chính và cả những lo ngại về khả năng cạnh tranh với các “ông lớn” trong ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không thế giới đã khiến các đề án thành lập đội bay hàng hóa chuyên biệt của doanh nghiệp hàng không trong nước vẫn chỉ nằm trên giấy, hoặc nếu có cũng không được đầu tư tới nơi, tới chốn.

Điều này không chỉ khiến hơn 80% thị phần vận tải hàng hóa hàng không rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, mà còn khiến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản có tính thời vụ của Việt Nam gặp khó khăn.

Là quốc gia có tiềm năng rất lớn về xuất khẩu nông, thủy sản, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 42 tỷ USD. Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam tuy chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng khối lượng, nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước do hàng có giá trị cao.

Nông sản Việt đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Do tính chất đặc thù của nông sản là chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ, nên vận chuyển bằng đường hàng không là giải pháp quan trọng nhằm giữ thị trường và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt.

Chính vì vậy, việc sớm có một hãng hàng không vận tải hàng hóa của người Việt, chủ động chở hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới luôn là ước mơ của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, logistics Việt Nam.

Cần phải nói thêm rằng, Covid-19 dù tác động bất lợi cho kinh tế toàn cầu, nhưng cũng là cơ hội cho các ngành nghề mới phát triển. Covid-19 khiến chi phí vận tải tăng cao kỷ lục, trong đó cước vận tải biển tăng gấp 6 lần trong năm 2020 và có thể tiếp tục tăng, sẽ kéo theo giá cước vận chuyển hàng không tăng đột biến.

Thực tế trong khu vực cho thấy, nhu cầu thuê máy bay theo chuyến chở hàng tăng vọt, dẫn tới chi phí hàng hóa, nguyên vật liệu tăng theo, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế.

Báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải cho hay, tính đến cuối tháng 6/2021, các hãng hàng không trong nước đã tháo ghế hành khách để hoán đổi 9 máy bay sang chở hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không chuyên nghiệp. Hơn nữa, khi thị trường hàng không hồi phục, thì vẫn có khoảng trống trong vận chuyển hàng hóa nếu các hãng hàng không hiện tại quay lại chuyên chở hành khách.

Đó là chưa kể vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên biệt là mảng kinh doanh khác so với vận chuyển hành khách, đòi hỏi bộ máy hoạt động, quy trình vận hành hoàn toàn khác. Chính vì vậy, muốn tham gia kênh vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp, các hãng hàng không cần xây dựng hệ thống riêng. Việc tận dụng máy bay chở khách để chở hàng sẽ không thể kéo dài do liên quan đến nhiều vấn đề như bảo hiểm, hiệu quả tài chính và an toàn hàng không...

Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp thành công hay thất bại khi cạnh tranh giành thị phần sẽ do thị trường điều tiết, quyết định. Việc bảo hộ các hãng hàng không trong nước trong giai đoạn Covid-19 hoành hành là điều có thể chia sẻ, nhưng nếu kéo dài sự hạn chế, thậm chí không cấp phép bay cho các hãng mới, có thể sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là điều mà cơ quan quản lý nhà nước cần tính đến khi xem xét đề xuất gia nhập thị trường của nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực còn khoảng trống rất lớn như vận tải hàng hóa bằng đường hàng không.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.