Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Theo bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản của Bộ Công Thương, ước tính kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 3/2021 đạt 30.000 tấn, trị giá 86 triệu USD, tăng 123,4% về lượng và tăng 120,9% về trị giá so với tháng 2/2021.
Tính chung quý I/2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 60 nghìn tấn, thu về 174 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt 2.879 USD/tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu thống kê cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Song, xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh. Như vậy, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại đã qua chế biến chuyên sâu hơn.
Với sự khởi sắc trong xuất khẩu, giá hồ tiêu nguyên liệu trong nước tháng 3 vừa qua cũng có sự biến động mạnh. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ trong vòng 1 tháng giá tiêu tăng gấp hơn 4 lần, từ mức 17.500 đồng vọt lên 73.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai và Bình Phước đều ở ngưỡng lần lượt là 72.000 đồng/kg, 71.000 đồng/kg, 70.000 đồng/kg, 74.000 đồng/kg và 73.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến hồ tiêu lên cơn sốt giá, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, là do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu có sự khởi sắc.
Nửa đầu tháng 4 này, giá tiêu đen tiếp tục giữ ổn định ở mức 70.000-74.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2020, giá tiêu đen hiện nay cao gấp đôi (chỉ đạt 35.000-37.000 đồng/kg). Còn giá tiêu trắng ở mức 108.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với 57.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2020.
Một số nhà vườn trồng tiêu ở Đắk Lắk cho biết, dù giá tiêu đang ở mức tốt, nhưng vụ năm nay sản lượng bị giảm mạnh, có nơi giảm đến 30-40%. Bên cạnh đó, bệnh hại trên cây tiêu chưa được xử lý triệt để khiến năng suất, sản lượng vườn tiêu bị ảnh hưởng.
Trước cơn sốt giá tiêu nguyên liệu, nông dân ở các thủ phủ trồng hồ tiêu kỳ vọng giá sẽ vượt mốc 80.000 đồng/kg và có thể tăng lên 100.000 đồng/kg vào cuối năm nay bởi nguồn cung đang giảm mạnh. Thế nên, nhiều người có tâm lý găm hàng, chờ giá cao mới bán.
Doanh nghiệp trong ngành cũng thừa nhận, tháng 3 tiêu vào thời điểm thu hoạch rộ, dự kiến cuối tháng 4 sẽ kết thúc nên sản lượng tiêu hàng hóa trên thị trường chưa nhiều, giá tiêu lại tăng nóng nên xuất hiện hiện tượng: người trồng tiêu có tâm lý "găm hàng chưa bán vội", thương lái thì mua gom "ôm hàng" chờ giá tăng thêm, đưa đến hiện tượng khan hiếm tiêu cục.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh - trước đó cũng cho biết, đến giờ vẫn còn nhiều người "ôm" hàng chục tấn tiêu từ thời giá cao (120.000-150.000 đồng/kg).
Theo ông Thông, mùa thu hoạch tiêu dự kiến kết thúc cuối tháng 4. Lúc đó, sản lượng tiêu tăng lên, cộng thêm lượng hồ tiêu từ Campuchia, Indonesia và hàng tồn kho thì giá tiêu có thể không còn cao như hiện nay.
Trên thực tế, mặt hàng này không hề thiếu so với nhu cầu thế giới. Do đó, giá tiêu càng khó có thể tăng lên 100.000 đồng/kg như một số dự đoán. Vì vậy, ông Thông cho rằng bà con nông dân nên cân nhắc thời điểm bán ra để đảm bảo lợi nhuận.
“Cái gì cũng vậy, 'tham quá sẽ thành thâm', mà thị trường thì luôn cạnh tranh, luôn có những yếu tố bất ngờ”, ông nói.
Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cũng nhận định, tình trạng giá hồ tiêu tăng cao bất thường trong thời gian vừa qua chủ yếu là do tình trạng găm hàng của cả người trồng và thương lái khiến nguồn cung hồ tiêu khan ảo, buộc các nhà nhập khẩu phải chuyển sang mua hàng tại các quốc gia khác, chủ yếu là Brazil.
Điều đáng nói, nếu mức giá của Brazil duy trì thấp hơn, lại đáp ứng đủ các đơn hàng, thì tình trạng găm hàng của các chủ vựa hồ tiêu tại Việt Nam là rất nguy hiểm, có thể lâm vào tình trạng giá thu gom cao nhưng giá xả ra lại thấp.
Theo IPC, tình trạng tăng giá hồ tiêu quá “sốc” khiến thị trường hồ tiêu tại Việt Nam trở nên khó dự đoán, buộc các nhà nhập khẩu phải cân nhắc khi tìm nguồn hàng.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VFA) - dự báo, với tình hình như hiện nay, giá tiêu sẽ không tăng mạnh thêm nhưng xuống giá như trước đây cũng khó. Việt Nam đang thu hoạch tiêu nhưng giá tiêu tăng cho thấy nhu cầu thị trường đang có.
Theo khảo sát của VFA, năm 2021 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ giảm trên dưới khoảng 25% so với vụ tiêu trước.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.