Vàng nhẫn đắt ngang vàng miếng: Ai đứng sau điều bất thường?

Minh Anh - 09/07/2024 14:00 (GMT+7)

(VNF) - Sau nhiều năm luôn thấp hơn vàng miếng SJC, hiện giá vàng nhẫn đã ngang bằng, thậm chí vượt mặt vàng miếng. Có ý kiến cho rằng việc này là bất thường. Nhưng cũng có chuyên gia nhận định đây là việc bình thường, cho thấy thị trường vàng đang bình thường trở lại.

Lần đầu tiên vàng nhẫn lên ngang giá vàng miếng

Từng luôn thấp hơn giá vàng miếng SJC nhưng cùng với đà tăng giá ở thị trường thế giới, giá vàng nhẫn tròn trơn đã ngang bằng với giá vàng miếng khiến nhiều người bất ngờ.

Kể từ ngày 3/6, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng bình ổn giá thông qua 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) thì chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới giảm mạnh.

Trong khi giá vàng miếng SJC "bất động" đã hơn 1 tháng ở vùng giá 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán) thì giá vàng nhẫn liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh cùng nhịp với diễn biến của giá vàng thế giới. Giá vàng nhẫn hiện đã theo sát giá vàng miếng SJC.

Tuần qua, thị trường vàng trong nước chứng kiến cú bứt phá của vàng nhẫn. Ở phiên giao dịch cuối tuần trước (6/7), giá vàng nhẫn trong nước tăng vọt, có thương hiệu tăng tới 600.000 đồng/lượng, lên sát mốc 77 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn của một số thương hiệu đã ngang bằng, thậm chí có lúc qua mặt cả giá vàng miếng SJC. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng nhẫn tiến lên ngang bằng giá vàng miếng SJC.

Ở phiên 6/7, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji lên vùng giá 75,65-76,95 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu nâng mạnh giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long lên mức 75,38-76,68 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Còn Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng nhẫn ở mức 74,6-76,2 triệu đồng/lượng (mua - bán). Giá vàng nhẫn tại Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) được giao dịch ở mức 74,6-76,1 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Trong phiên 6/7, giá vàng nhẫn tại SJC chỉ kém giá vàng miếng 380 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và thấp hơn 780 nghìn đồng/lượng ở chiều bán. Tại PNJ, giá vàng nhẫn thấp hơn 380 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và kém hơn 880 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với vàng miếng.

Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn đã ngang giá vàng miếng của thương hiệu này. Tại Doji, giá vàng nhẫn tròn trơn thậm chí còn cao hơn giá vàng miếng 670 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và chỉ thấp hơn 30 nghìn đồng/lượng ở chiều bán. Đây là mức chênh lệch thấp kỷ lục trong nhiều tháng qua.

Đến phiên giao dịch đầu tuần này (8/7), giá vàng nhẫn trong nước tuy giảm nhẹ nhưng vẫn neo ở mức cao. Giá vàng nhẫn tròn trơn và vàng miếng SJC xấp xỉ nhau.

Trong nhiều năm qua, giá vàng nhẫn luôn thấp hơn nhiều so với vàng miếng SJC. Vào đầu năm nay, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng vẫn còn khá cao, dao động trên 10 triệu đồng/lượng.

Tới phiên giao dịch 3/6 (ngày đầu tiên NHNN bán vàng miếng) khoảng cách giữa giá vàng miếng và vàng nhẫn đã được thu hẹp. Giá hai loại vàng này tại SJC ở phiên này chỉ còn cách nhau 4,58 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 4,98 triệu đồng/lượng ở chiều bán.

Ngày 6/6, giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn vàng nhẫn 1,88 triệu đồng/lượng (chiều bán). Đến ngày 21/6, giá vàng nhẫn mua vào còn kém giá vàng miếng gần 1 triệu đồng/lượng đã khiến nhiều người bất ngờ.

Tới ngày 6/7, nhiều người còn bất ngờ hơn khi giá vàng nhẫn SJC đã ngang bằng, thậm chí có thương hiệu còn nhỉnh hơn giá vàng miếng SJC.

Theo các chuyên gia, vàng nhẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất từ đầu năm đến nay. Giá vàng nhẫn tăng gần 22%.Trong khi đó, vàng miếng SJC chỉ tăng hơn 4%.

So với đầu năm nay, giá vàng nhẫn đã tăng từ 13-14 triệu đồng mỗi lượng, tùy thương hiệu. Từ chỗ thấp hơn giá vàng SJC hơn 10 triệu đồng/lượng, hiện giá vàng nhẫn đã ngang bằng giá vàng miếng SJC. Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng nhẫn có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Giá vàng nhẫn tăng ngang giá vàng miếng SJC có bất thường?

Nói về việc giá vàng nhẫn tăng ngang giá vàng miếng SJC, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là một hiện tượng khá bất thường bởi vàng nhẫn không có tính thanh khoản cao như vàng miếng. Vì vậy, trước đây, giá vàng nhẫn thường chênh lệch nhiều so với vàng miếng.

Hiện nay, vàng miếng rất khó mua. Số lượng vàng bán ra rất hạn chế, người dân không mua được vàng miếng nên chuyển sang mua vàng nhẫn. Điều này chứng tỏ nhu cầu về mua vàng của người dân rất lớn, kể cả khi giá vàng vẫn đang trong xu hướng tăng, kể cả trong nước và quốc tế

Ông Hiếu nhìn nhận nếu NHNN không đáp ứng nhu cầu của người mua về vàng miếng thì họ sẽ chuyển sang mua vàng nhẫn để tích trữ. Đây là lý do khiến vàng nhẫn tăng trong những ngày gần đây và sẽ tiếp tục tăng nếu không có sự quản lý.

Theo ông Hiếu, NHNN đã giảm thành công giá vàng miếng từ 92 triệu đồng/lượng xuống còn 77 triệu đồng/lượng như hiện nay. Nhưng để bình ổn thị trường vàng cần thêm điều kiện đủ, đó là nguồn cung phải dồi dào.

Về vàng nhẫn, ông Hiếu nhận định nếu vàng nhẫn lên cao và thay thế vàng miếng thì đó là hiện tượng rất đáng quan tâm, lo ngại và vàng nhẫn cũng sẽ được Chính phủ, NHNN quan tâm, đưa vào quản lý như vàng miếng chứ không để bán tự do như hiện nay. Vì vậy, người mua vàng nhẫn cần hết sức cẩn thận.

Trong khi đó, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng cho rằng, ngoài ảnh hưởng từ giá vàng thế giới thì một nguyên nhân khác khiến giá vàng nhẫn tăng cao vì đây là mặt hàng không được Nhà nước quản lý, trong khi vàng miếng SJC là mặt hàng do Nhà nước quản lý. Đây là lý do khiến giá vàng nhẫn tiến sát giá vàng miếng. Nhưng việc này cũng hết sức bình thường.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, việc giá vàng nhẫn tiệm cận với giá vàng miếng SJC cho thấy thị trường vàng đang bình thường trở lại. Theo ông Phong, nguyên nhân vàng miếng đắt hơn là do trước đây chúng ta quá sùng bái vàng miếng SJC nên giá vàng miếng mới được đà tăng cao như vậy.

Giá vàng miếng SJC đã không còn biến động hàng triệu đồng mỗi ngày như trước, đồng thời thu hẹp đáng kể so với vàng thế giới. Từ mức thường xuyên cao hơn thế giới từ 10-14 triệu đồng/lượng, thậm chí một số thời điểm cách biệt ở mức kỷ lục 18-20 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC hiện chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3-4 triệu đồng/lượng.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - giải pháp ổn định thị trường vàng miếng và thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới của NHNN tính đến thời điểm này đã phát huy hiệu quả.

Còn TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), nhìn nhận việc ngân hàng bán trực tiếp vàng miếng cho người dân giúp thu hẹp được chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. Nhưng nếu Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng thì không nên đưa giá vàng trong nước xuống ngang hoặc sát với giá thế giới mà nên có một khoảng cách chấp nhận được.

Như thế, người dân nhận thấy mua vàng là có rủi ro, từ đó làm giảm nhu cầu về vàng. Đồng thời, khi sửa Nghị định 24 có thể cân nhắc quy định khi giá vàng trong nước chênh lệch giá thế giới 10%thì NHNN được phép can thiệp.

Lần đầu tiên trong lịch sử vàng nhẫn lên ngang giá vàng miếng

Lần đầu tiên trong lịch sử vàng nhẫn lên ngang giá vàng miếng

Thị trường
(VNF) - Giá vàng nhẫn tròn trơn và vàng miếng trong nước hiện đã xấp xỉ nhau. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá vàng nhẫn tiến lên ngang bằng giá vàng miếng SJC.
Cùng chuyên mục
Tin khác