VARS: Giá nhà tăng cao khiến người trẻ 'ngại cưới, lười sinh'

Tuệ Lâm - 12/08/2024 20:04 (GMT+7)

(VNF) - Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng giá nhà tăng cao là một phần nguyên nhân rất lớn thúc đẩy xu hướng "ngại cưới, lười sinh" ở người trẻ.

Trong một báo cáo mới đây, VARS đánh giá Ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con hay lựa chọn lối sống DINK (Double Income, No Kids - hai thu nhập, không con cái) do bị tác động trực tiếp, gián tiếp bởi giá nhà. Xu hướng ngại cưới, không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện tại Việt Nam, và đặc biệt báo động ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.

Ảnh minh họa.

VARS dẫn số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua.

Cụ thể, từ năm 1989 - 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ là 23,2 đã tăng lên 29,3 tuổi với nam và 25,1 đối với nữ vào năm 2023. Tỉ lệ người độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.

Xu hướng không muốn hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Mức sinh cũng giảm rõ rệt, từ 3,8 con vào năm 1989 xuống dưới 2 con vào năm 2023. Trong giai đoạn 2013 - 2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam chỉ tăng khoảng 1 triệu người.

Đáng chú ý, tại TP. HCM, số liệu thống kê từ báo cáo của GSO vào tháng 7 vừa qua cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP. HCM là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32.

Lý giải nguyên nhân của xu hướng "ngại cưới, lười sinh", VARS đánh giá nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề tài chính.

VARS dẫn khảo sát nhanh trên fanpage VTV24 gần đây về lý do mong muốn kết hôn sau tuổi 30 cho thấy, có đến 62% trong số khoảng 400.000 bạn trẻ tham gia khảo sát chọn kết hôn sau 30 vì vẫn còn những nỗi lo về "cơm áo gạo tiền".

Theo VARS, nỗi lo về "cơm áo gạo tiền" bị tác động rất lớn bởi giá nhà. Khi giá nhà đang ngày càng tăng cao, kéo theo giá thuê nhà ở cũng tăng cao, gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân. Nhiều người trẻ có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng do giá nhà đất hiện nay tăng vọt, không dễ để mua nên họ phải "cày ngày cày đêm" và bỏ qua thời điểm vàng để lập gia đình, sinh con.

"Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng 'nuốt' gần hết lương, khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh 1 con hoặc trì hoãn việc sinh con", VARS nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, TP. HCM - nơi có giá nhà cao nhất cả nước, cũng đang là thành phố có độ tuổi kết hôn trễ nhất và mức sinh thấp nhất cả nước. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2018, giá nhà tại TP. HCM liên tục tăng cao và lập đỉnh mới. Cũng trong khoảng thời gian này, Hồ Chí Minh là thành phố có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) dẫn đầu cả nước.

Từ năm 2019, trong khi giá nhà TP. HCM tăng trưởng chậm lại thì giá nhà Hà Nội lại liên tục tăng cao. Hà Nội cũng vươn lên thành thành phố có chi phí đắt đỏ nhất cả nước. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến giá căn hộ tại Hà Nội dường nhưđang đi theo thị trường TP. HCM vào 5 năm trước. Mặt bằng giá tại Hà Nội cũng đã tiệm cận 60 triệu/m2, sát mức giá ghi nhận được tại TP. HCM. Độ tuổi kết hôn tại Hà Nội cũng đang ngày càng cao với mức sinh giảm sút.

VARS cho rằng việc "ngại cưới, lười sinh" gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, tạo gánh nặng an sinh xã hội. Nhất là các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi khi trong 3 thập niên tới, Việt Nam có hơn 30 triệu người cao tuổi và chiếm khoảng 25% dân số cả nước.

Để khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 và tăng mức sinh, trên cơ sở tận dụng kinh nghiệm của các quốc gia khác, VARS cho rằng Chính phủ cần triển khai quyết liệt các biện pháp hiện đã có và nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích rõ ràng hơn như ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con. Đặc biệt là giải pháp gốc rễ cho vấn đề “ngại cưới, lười sinh" thực tế nhất, là giải quyết bài toán về nhà ở.

"Để giải quyết bài toán về nhà ở cho số đông người dân, bên cạnh việc tăng cung nhà ở xã hội tại đô thị, Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách can thiệp để phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền", VARS nhấn mạnh.

Nhà nước sẽ can thiệp khi giá nhà đất tăng hơn 20% trong 3 tháng

Nghị định 96 quy định một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8, đưa ra 6 biện pháp điều tiết thị trường. Trong đó, cơ quan quản lý có thể điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển nhà ở; cơ cấu sản phẩm của các dự án nhằm điều chỉnh nguồn cung; gia hạn nộp thuế; hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi hoặc điều hành chính sách tài chính, tín dụng.

Như vậy, so với quy định cũ, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Nghị định 96 đã bổ sung cơ chế điều tiết thị trường địa ốc, nêu rõ vai trò của từng cơ quan liên quan. Theo đó, biện pháp điều tiết thị trường bất động sản được thực hiện khi chỉ số giá giao dịch tăng hoặc giảm trên 20% trong ba tháng hoặc khi thị trường có các biến động khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Biến động trên thị trường được Bộ Xây dựng đánh giá dựa theo chỉ số giá, lượng giao dịch và các chỉ số về kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực khác liên quan bất động sản.

Cùng chuyên mục
Tin khác