VCBS: GDP quý III sẽ tăng khoảng 2,81%-3,63%, lãi suất tiếp tục ở mức thấp
Minh Tâm -
13/08/2021 10:19 (GMT+7)
(VNF) - Giao dịch ngoại tệ mới theo phương thức giao ngay sẽ bổ sung đáng kể thanh khoản cho hệ thống, từ đó tạo thêm cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Báo cáo vĩ mô mới công bố của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong quý III/2021.
Trên thực tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với 7 tháng năm 2020.
Theo dữ liệu của IHS Markit, tăng trưởng sản lượng bắt đầu chịu tác động từ làn sóng Covid-19 mới nhất. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp dưới 50 điểm, đạt 45,1 điểm trong tháng 7, chỉ tăng nhẹ so với mức 44,1 điểm của tháng trước.
"Với mức độ phức tạp của làn sóng dịch bệnh trong lần này, VCBS kỳ vọng tốc độ mở rộng sản xuất sẽ chưa thể sớm được cải thiện mạnh mẽ cho tới cuối quý III và theo đó làm giảm dự báo về mức tăng trưởng của nền kinh tế trong quý III cũng như cả năm 2021", báo cáo nhấn mạnh.
VCBS dự báo tăng trưởng quý III sẽ đạt khoảng 2,81%-3,63% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục là mức tăng thấp so với cùng kỳ quý III các năm 2019 (7,48%), năm 2018 (6,92%), khi trong đó, giai đoạn trước dịch, quý III thường là thời điểm mức tăng GDP cải thiện gia tốc tăng nhanh so với quý II.
Con số này tương ứng với mức tăng trưởng 9 tháng đạt khoảng 5,67%-5,71%. VCBS cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2021 rơi vào khoảng 6-6,3%.
Hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. "Nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng mạnh cho thấy tiềm năng tăng trưởng hoạt động sản xuất và khả năng Việt Nam hưởng lợi từ nhu cầu thế giới hồi phục sau đại dịch", báo cáo viết.
VCBS dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 có thể tăng 0,3%-0,4% so với tháng trước, tương ứng với mức tăng 2,87%-2,97% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về lãi suất, VCBS duy trì quan điểm mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động ổn định, trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.
VCBS cho rằng việc thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định đi cùng với mức lạm phát được kiểm soát tốt, là cơ sở quan trọng để Ngân hàng Nhà nước giữ định hướng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn từ dịch bệnh.
Theo báo cáo hoạt động gần nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Kèm theo đó, mức giảm lãi suất cho vay cũng là tiêu chí xét tăng trưởng tín dụng.
Cùng với đó, giao dịch ngoại tệ mới theo phương thức giao ngay sẽ bổ sung đáng kể thanh khoản cho hệ thống.
Cụ thể, ngày 11/8, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giá niêm yết mua vào USD về 22.750 VND (giảm 225 VND so với mức áp dụng trước đó). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đổi phương thức mua giao kỳ hạn 6 tháng về phương thức mua giao ngay, theo đó tạo nguồn cung mới và tức thời cho thị trường.
"Động thái này nhìn chung sẽ giúp bổ sung lượng thanh khoản đáng kể cho hệ thống ngân hàng. Điều này được xem là tích cực bởi hai lý do: trong giai đoạn dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì “bộ đệm” thanh khoản dồi dào hơn là cần thiết nhằm đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống ngân hàng, cũng như thị trường tài chính; cùng với đó, có thể thấy việc thanh khoản dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp hơn là căn cứ để các ngân hàng thương mại tiếp tục tiến hành các chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua đại dịch", chuyên gia của VCBS nêu quan điểm.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.