VCBS: VinCommerce có thể ‘bỏ túi’ 350 tỷ đồng mỗi năm nhờ hợp tác với Phúc Long
Hải Đường -
22/09/2021 07:27 (GMT+7)
(VNF) - Với kế hoạch mở 1.000 ki-ốt Phúc Long tại các điểm bán Vinmart và Vinmart+ vào cuối năm 2021, VCBS ước tính Vincommerce có thể nhận được khoảng 350 tỷ đồng doanh thu hàng năm từ việc hợp tác này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu thuần đạt 41.196 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 979 tỷ đồng, tăng gấp 8,4 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Theo báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Masan cả năm 2021 lần lượt đạt 90.529,6 tỷ đồng và 2.413,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,2% và tăng 95,6% so với mức thực năm 2020.
Năm 2022, VCBS dự phóng kết quả kinh doanh của Masan đạt hơn 124.327 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 4.108 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.
Vincommerce có thể “đút túi” 350 tỷ đồng doanh thu mỗi năm nhờ hợp tác với Phúc Long
Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH The Sherpa – công ty thành viên của Tập đoàn Masan đã công bố ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage – công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long với giá trị giao dịch là 15 triệu USD.
Theo kế hoạch của Masan, tập đoàn này sẽ triển khai mô hình shop-in-shop, tích hợp ki-ốt Phúc Long với chuỗi cửa hàng Vinmart và Vinmart+, dự kiến sẽ có hơn 1.000 ki-ốt Phúc Long tại các điểm bán của Vincommerce vào cuối năm 2021.
Được biết, tính đến ngày 21/7, 41 ki-ốt Phúc Long đã đi vào hoạt động và đang góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu cửa hàng, giúp cải thiện biên EBITDA của các cửa hàng này lên gần 4%.
Với phương án chia sẻ 20% doanh thu của Phúc Long cho VinCommerce, VCBS ước tính Vincommerce có thể nhận được khoảng 350 tỷ đồng doanh thu hàng năm từ việc hợp tác với Phúc Long. Như vậy doanh thu của chuỗi Phúc Long sau khi về cùng nhà với Vincommerce có thể đạt đến 1.750 tỷ đồng/năm. Được biết, doanh thu công ty mẹ của Phúc Long trong giai đoạn năm 2016-2019 tăng trưởng đều đặn từ mức 340 tỷ đồng lên hơn gần 780 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2021, Vincommerce có 2.369 cửa hàng Vinmart và Vinmart+, trong đó đã đóng cửa 58 cửa hàng hoạt động không hiệu quả và mở mới 73 cửa hàng. Theo kế hoạch đến cuối năm 2021, Vincommerce sẽ mở mới 300-500 cửa hàng Vinmart+, thời gian hòa vốn EBITDA từ 6-12 tháng.
Như vậy, song song với việc chuỗi Vinmart+ được mở rộng trong thời gian tới, doanh thu hàng năm của chuỗi Phúc Long được VCBS dự phóng đạt tăng trưởng khoảng gấp đôi so với mức thực hiện năm 2019 khi về cùng nhà với Vincommerce.
VCBS dự báo doanh thu của Vincommerce trong năm 2021 sẽ đạt 32.623 tỷ đồng, tăng 5% so với mức thực hiện năm 2020.
Masan MeatLife có cơ hội giành thêm thị phần trên thị trường chăn nuôi
Theo báo cáo của VCBS, nhu cầu thịt lợn hiện nay không còn cao như giai đoạn trước, sản lượng tiêu thụ thịt lợn cũng đã sụt giảm đáng kể.
Việc dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn cùng với giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm nhiệt đã gây áp lực khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải cắt giảm sản lượng.
VCBS cho rằng Masan MeatLife hoàn toàn có cơ hội giành thêm thị phần từ các kênh chăn nuôi nhỏ lẻ trên thị trường chăn nuôi hiện nay.
Theo VCBS, doanh thu mảng thịt của Masan MeatLife được hỗ trợ trong ngắn hạn nhờ nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong giai đoạn giãn cách xã hội, khi các chợ truyền thống bị hạn chế buôn bán, còn sản phẩm của Masan MeatLife lại có độ phủ gần như tại hầu hết các cửa hàng Vinmart và Vinmart+.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng những cải thiện trong mảng kinh doanh thịt sẽ giúp Masan MeatLife duy trì được biên EBITDA ổn định trong năm 2021 so với năm 2020.
Doanh thu năm 2021 của Masan MeatLife được VCBS dự báo đạt 20.183 tỷ đồng, tăng 25% so với mức thực hiện năm 2020. Trong đó doanh thu mảng thịt gà dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng, mảng thức ăn chăn nuôi dự kiến đi ngang.
Giải phóng tồn kho đồng có thể mang về 140 triệu USD doanh thu cho Masan High-Tech Materials
Theo ước tính của VCBS, sản lượng tồn kho đồng tính đến cuối quý II của Masan High-Tech Materials là 14.447 tấn. Nếu tính theo mức giá giao ngay hiện nay và giả sử lượng tồn kho này được bán trong nửa cuối năm 2021, việc giải phóng tồn kho đồng có thể đem về cho Masan High-Tech Materials 140 triệu USD doanh thu trong 2 quý cuối năm, theo tính toán của VCBS.
Phía Masan High-Tech Materials cũng cho biết ban điều hành công ty đang tiếp tục tìm giải pháp cho việc bán đồng trong năm nay.
Ngoài ra, VSBS nhận định việc cộng hưởng với H.C.Stark sẽ tiếp tục mang lại lợi thế trong dài hạn cho Masan High-Tech Materials đối với việc chế biến vonfram sau khi mua lại nền tảng kinh doanh vào quý II/2019.
Công ty chứng khoán này cho rằng doanh thu của Masan High-Tech Materials có thể tăng hơn 60% so với năm 2020, đạt 11.713 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ triển vọng từ việc thanh lý tồn kho đồng và giá các kim loại hồi phục.
Về Masan Consumer, VCBS dự báo doanh thu của đơn vị này cả năm 2021 sẽ đạt 26.010 tỷ đồng, tăng 8,5% so với mức thực hiện năm 2020.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.