VCCI đề nghị loại phương án giá xăng, giá điện ra khỏi danh mục bí mật nhà nước

Vĩnh Chi - 05/09/2019 16:19 (GMT+7)

(VNF) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cân nhắc loại bỏ phương án giá xăng, giá điện ra khỏi danh mục bí mật nhà nước.

VNF

VCCI vừa có văn bản góp ý đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước ngành công thương (gọi tắt là dự thảo).

Trong văn bản này, VCCI đã đề nghị loại bỏ một loạt quy định trong dự thảo, nổi bật là phương án giá xăng và phương án giá điện.

Theo VCCI, giá xăng và giá điện là những thông số đầu vào rất quan trọng để các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết sớm các quyết định điều chỉnh giá xăng, giá điện từ phía nhà nước.

“Việc bí mật phương án giá xăng có thể được suy đoán là nhằm tránh tình trạng đầu cơ như đã diễn ra cách đây nhiều năm. Đã từng có hiện tượng trước mỗi thời điểm tăng giá thì các cây xăng lấy lý do kỹ thuật để dừng bán xăng, gây ảnh hưởng đến nhu cầu xăng dầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ việc kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đầu mối nên hiện này đã giảm rất nhiều và gần như không còn tái diễn trong vài năm trở lại đây”, VCCI cho biết.

VCCI cũng cho hay hiện nay, cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu và phương pháp tính giá đã được quy định khá chi tiết tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Dựa vào các quy định này, việc tiên đoán thời điểm điều chỉnh giá và mức giá tương đối dễ dàng. Trước mỗi đợt điều chỉnh giá, một số tờ báo đã đưa thông tin dự báo rất chính xác phương án giá xăng dựa trên các thông số đầu vào công khai trên thị trường quốc tế. Thực tiễn cũng cho thấy, các dự báo này không gây tác động gì lớn đến hoạt động mua bán xăng dầu bình thường trên thị trường.

Đối với mặt hàng điện, do đặc tính sản xuất và tiêu dùng đồng thời, nên nguy cơ đầu cơ mặt hàng này rất khó có thể xảy ra. Có chăng chỉ là hiện tượng gia tăng sử dụng điện trước mỗi dịp tăng giá có thể gây ảnh hưởng đến khả năng truyền tải của hệ thống đường dây. Tuy nhiên, nguy cơ này không cao và dễ dàng được xử lý thông qua các biện pháp kỹ thuật và điều hành (ví dụ chọn thời điểm điều chỉnh giá khi công suất phụ tải thấp).

“Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại các hiệu ứng tiêu cực và tích cực và cân nhắc loại bỏ Điều 2.19 của Dự thảo”, VCCI đề nghị.

Ngoài phương án giá xăng, giá điện, VCCI cũng đề nghị loại khỏi dự thảo quy định thông tin mỏ khoáng sản chưa công khai.

Điều 2.14 của Dự thảo quy định: “Tài liệu, địa điểm, trữ lượng các mỏ than và khoáng sản, các mỏ kim loại, phi kim loại quý hiếm, đá quý, các mỏ phóng xạ, các phát hiện dầu khí tại Việt Nam chưa công khai” thuộc diện bí mật nhà nước.

Theo VCCI, pháp luật về khoáng sản có quy định việc phát hiện khoáng sản mới là cơ sở để sửa đổi quy hoạch khoáng sản và quy hoạch là cơ sở để cấp phép.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy việc sửa đổi quy hoạch khoáng sản trong lĩnh vực công thương diễn ra liên tục, mỗi lần sửa đổi thường bổ sung một hai mỏ vào quy hoạch và ngay sau đó đã có một doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép.

“Việc các doanh nghiệp nộp hồ sơ sớm như vậy đặt ra nghi vấn về việc các doanh nghiệp đó có biết trước thông tin về mỏ trước khi được đưa vào quy hoạch hay không, bởi thông thường để quyết định có đầu tư vào một mỏ hay không thì doanh nghiệp cần có thời gian để nghiên cứu hồ sơ, khảo sát thực tế và tính toán thị trường.

“Nếu duy trì chế độ bí mật nhà nước đối với thông tin về các phát hiện mỏ khoáng sản và phải đợi đến khi đưa vào quy hoạch mới công bố, thì sẽ tạo kẽ hở khiến một số doanh nghiệp biết thông tin trước và chiếm ưu thế khi xin cấp phép”, VCCI chỉ ra nguy cơ.

VCCI cho rằng việc giữ bí mật thông tin mỏ khoáng sản mới trước khi đưa vào quy hoạch được suy đoán là nhằm tránh việc các cá nhân, tổ chức có được thông tin và khai thác khoáng sản lậu. Tuy nhiên, việc ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép cần được thực hiện bằng các biện pháp khác (như kiểm tra, xử lý vi phạm) chứ không nên giữ bí mật thông tin về tài sản thuộc sở hữu toàn dân như vậy.

Hơn nữa, khi một mỏ khoáng sản đã được bổ sung vào quy hoạch, nhưng chưa cấp phép thì nguy cơ bị khai thác lậu cũng không khác gì khi công bố thông tin về mỏ đó mà chưa đưa vào quy hoạch.

Cũng tại văn bản góp ý này, VCCI đã đề nghị thu hẹp phạm vi của Điều 2.1: “Các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược của ngành thương mại, cơ khí, luyện kim, năng lượng điện, hoá chất, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác chưa công khai” thuộc diện bí mật nhà nước.

Theo VCCI, hiện không rõ như thế nào là hợp đồng, đề án mang tính chiến lược. Hơn nữa, diện các lĩnh vực rất rộng, gồm cả thương mại (thương mại là khái niệm rất rộng, bao gồm hầu hết các ngành kinh tế), công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác (gồm rất nhiều ngành nhỏ hơn trong đó).

“Quy định vừa lỏng, vừa rộng như vậy có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật một cách tuỳ tiện vào các hợp đồng, đề án. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm ‘mang tính chiến lược’ và nghiên cứu thu hẹp phạm vi của Điều 2.1 theo hướng chỉ áp dụng cho một số ngành rất hạn chế có liên quan đến an ninh quốc gia”, văn bản của VCCI viết.

Cùng chuyên mục
Tin khác