TS Trần Đình Thiên: ‘Không đủ điện mới chết chứ giá điện cao chưa chết’

Vĩnh Chi - 21/08/2019 16:26 (GMT+7)

(VNF) – TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã dẫn lại câu nói này để bàn về cách tiếp cận mới đối với vấn đề an ninh năng lượng tại Việt Nam.

VNF
TS Trần Đình Thiên

Ông Thiên cho hay câu nói trên không có nghĩa là ta muốn giá điện cao mấy cũng được mà nó ngụ ý về cách tiếp cận vấn đề giá điện không thể dân túy được. “Nếu bàn về vấn đề giá điện mà đâm đầu vào chủ nghĩa dân túy thì rất khó”.

“Có người trách tôi vì đã nói chỉ có giá điện cao mới phát triển được, ý nói phải để giá điện thấp thôi, nhưng tôi cười bảo các anh đòi ngược. Các anh phải đòi lương cao chứ không phải đòi giá điện thấp. Các anh, lương tăng một chút đã vội thỏa mãn, giá điện hơi cao đã la làng lên rồi. Rất nguy hiểm vì đó là sự lệch lạc trong quan niệm về phát triển”, ông Thiên nói.

Theo ông, câu chuyện của ngành điện là cơ chế giá: nếu ngành điện chuyển sang thị trường mà hệ thống giá vẫn không phải là cơ chế giá thị trường thì không có cách gì tiết kiệm điện được, không có cách gì sản xuất điện một cách hiệu quả.

“Có giá tốt thì công nghệ mới tốt được, hiệu lực của quy định hành chính – pháp lý mới ý nghĩa được. Nếu không có cơ chế giá thị trường thì việc mọi nỗ lực sản xuất điện đều kém hiệu quả.

“Rõ ràng ta hì hục sản xuất điện rất nhiều nhưng mục tiêu đề ra đạt được rất chậm. Tôi và anh Vượng (Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng – PV) nhiều lần bàn thảo về cái này mà cảm thấy khổ sở. Tôi quả thật thương ngành điện theo nghĩa đấy”, ông Thiên cho biết.

Đề cập tới cách tiếp cận an ninh năng lượng, ông Thiên chỉ ra cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay vẫn theo cách cũ. “Ví như an ninh lương thực, ta luôn sợ thiếu đói nên chỉ tìm cách tăng sản lượng lên mà không quan tâm tiêu thụ thế nào cho hiệu quả. Cấu trúc sản xuất, nhu cầu trong ngành lương thực đã thay đổi nhưng ta vẫn đòi phải cố định bao nhiêu triệu hec-ta lúa, trong khi lẽ ra có thể gải phóng nhiều diện tích đất để làm cái khác hiệu quả hơn. An ninh năng lượng cũng tương tự thế. Để thay đổi ngành năng lượng thì cách tiếp cận phải thay đổi, phải bắt đầu bằng cơ chế thị trường, dựa vào cơ chế thị trường, trong đó hệ thống giá thị trường chính là sự bảo đảm cho sự cân bằng”.

Dẫn lại số liệu của Bộ Công Thương, vị nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra giá điện Việt Nam hiện rất thấp so với thế giới. Điều này dẫn đến các hệ lụy ngầm: giá điện tốt thì mới khuyến khích nhà đầu tư sản xuất nhiều, còn giá không tốt thì nhà đầu tư sẽ không sản xuất, thậm chí ở phía cầu, giá điện không tốt sẽ khuyến khích tiêu dùng năng lượng.

“30 năm qua thu hút FDI, Việt Nam chỉ thu hút được FDI có chất lượng không cao, một phần chính vì chính sách duy trì năng lượng ở mức thấp. Năng lượng giá thấp thì khuyến khích nhà đầu tư dùng công nghệ thấp, hao tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường trong khi người sản xuất điện – chính là Việt Nam – đang rất khó khăn trong sản xuất, phải tìm mọi cách để xoay xở. Thực trạng trên đòi hỏi chúng ta phải có thay đổi cơ bản trong cách nhìn đối với vấn đề năng lượng”, ông Thiên bình luận.

Theo ông Thiên, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang, các chuỗi sản xuất sẽ rời khỏi Trung Quốc và đổ vào Việt Nam. Nếu không thay đổi cách tiếp cận năng lượng sẽ không đón đầu được luồng đầu tư này. Việc thiếu hụt năng lượng sẽ khiến hiệu quả sử dụng năng lượng kém.

“Tôi có nói với một số người là cần đề xuất làm lại điện hạt nhân, đừng vì vài ý kiến trên mạng. Không có điện là chết mà chết thẳng cẳng chứ không phải chết đi sống lại đâu”, ông Thiên nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác