Mobifone và AMAX đã bắt tay nhau 'thổi giá' AVG như thế nào?

Lệ Chi - 05/09/2019 14:59 (GMT+7)

(VNF) - AMAX là một trong những công ty được Mobifone thuê để thẩm định giá trị AVG vào thời điểm 31/3/2015, đồng thời sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX theo phương pháp tài sản để đàm phán giá mua với AVG.

VNF
AMAX đưa ra định giá "trên trời" đối với AVG

Quá trình Mobifone lựa chọn ký hợp đồng với AMAX

Trong kết luận điều tra vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Bộ Công an đã nêu rõ quá trình Mobifone thuê Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định giá AMAX (AMAX) để thẩm định giá trị AVG.

Theo kết luận, ngày 25/6/2015, Tổng giám đốc Mobifone Cao Duy Hải  ký Tờ trình số 3018/MOBIFONE, ngày hôm sau hội đồng thành viên đã có biên bản cuộc họp thống nhất ý kiến đồng ý thuê thêm một đơn vị để ký hợp đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG.

Ngày 17/7/2015, công ty AMAX đã gửi thư chào giá cho Mobifone. Một ngày sau, bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc Mobifone, ký hợp đồng định giá và thẩm định giá với AMAX (không số) về việc xác định trị giá doanh nghiệp AVG, thời điểm định giá là 31/3/2015, thời gian thực hiện 7 ngày kể từ ngày hợp đồng được ký.

Ngoài ra, Mobifone còn cung cấp văn bản không số ngày 20/7/2015 kèm theo Phụ lục 02 của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho AMAX nhưng không có ý kiến bằng văn bản của VCBS.

Ngày 5/8/2015, AMAX đã phát hành chứng thư thẩm định giá và báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp AVG cung cấp cho Mobifone. Nguồn hồ sơ, tài liệu AMAX sử dụng để thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG đều do Mobifone cung cấp nên công ty không thu thập thêm thông tin về AVG, không tiến hành khảo sát thực tế, không kiểm tra nguồn hồ sơ, tài liệu, thông tin khi sử dụng làm căn cứ để thẩm định, xác định giá trị doanh nghiệp AVG….

Kết quả định giá AMAX xác định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015 theo 2 phương pháp gồm: phương pháp tài sản là 16.565 tỷ đồng và phương pháp thu nhập là 17.184 tỷ đồng.

Ông Cao Duy Hải và bà Phạm Thị Phương Anh. Ảnh: Bộ Công an.

Mobifone đã áp dụng quy định của Luật Giá số 11/2012/QH3 ngày 20/6/2012 quy định về việc sử dụng kết quả thẩm định giá, quy định trách nhiệm của thẩm định viên, quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá. Việc thẩm định giá xác định giá trị doanh nghiệp AVG do các công ty thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép hành nghề và các thẩm định viên được cấp hành nghề thực hiện.

Cơ quan điều tra cho biết việc Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá theo AMAX gọi là “phương pháp tài sản” là mức giá thấp nhất làm một trong những căn cứ để đàm phán giá mua với AVG.

Theo kết luận điều tra, tổ giúp việc triển khai thực hiện các thủ tục mua lại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình do Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc, làm Tổ trưởng đã tổng hợp kết quả của 3 đơn vị thẩm định giá và giá trị mà VCBS khuyến nghị, báo cáo Tổng giám đốc Mobifone.

Tổ giúp việc đã chọn kết quả định giá theo phương pháp tài sản của AMAX là 16.565 tỷ đồng, đồng thời đề nghị loại trừ khoản đầu tư ngoài ngành và giá trị 4 kênh tần số.

Căn cứ trên báo cáo của tổ giúp việc, tổ đánh giá và giá chào của cổ đông AVG, ngày 7/8/2015 ông Cao Duy Hải đã ký công văn số 4188/Mobifone gửi hội đồng thành viên báo cáo dự án.

Trong đó, Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX để đàm phán giá mua, cụ thể: “Nếu loại trừ giá trị các giấy phép kinh doanh tần số bằng giá trị định giá của đơn vị định giá xác định trong báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp số 256/BCTĐG-AMAX ngày 5/8/2015 là 2.424 tỷ đồng và loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành có giá trị số sách là 2.473 tỷ đồng (lấy đúng bằng giá trị AVG đầu tư vào 2 công ty này), thì giá trị định giá phần kinh doanh truyền hình của AVG là 16.565 tỷ đồng – 2.425 tỷ đồng – 2.473 tỷ đồng = 11.667 tỷ đồng”.

Giá trị AVG được “thổi phồng”

Cơ quan điều tra nhận định sau khi ký hợp đồng thẩm định giá trị AVG, ông Võ Văn Mạnh (Giám đốc Công ty AMAX) đã tính giá trị AVG dựa trên kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015 - 2020 theo định hướng của Mobifone. Ngoài ra, ông Mạnh đã đưa giá trị 2 khoản đầu tư ngoài ngành và giá trị sau năm 2026, để làm tăng thêm giá trị doanh nghiệp của AVG.

Ông Võ Văn Mạnh đã chỉ đạo các nhân viên AMAX định giá AVG với nhiều sai lệch khác như: không thẩm tra, kiểm chứng tài liệu được Mobifone cung cấp; không đánh giá lại tài sản cố định của AVG mà giữ nguyên giá trị theo sổ sách kế toán...

Sau khi Mobifone thanh toán 440 triệu đồng, căn cứ vào mức chi hoa hồng của công ty, ông Mạnh đã chuyển cho Hoàng Duy Quang 60 triệu đồng, Tống Minh Tuấn 100 triệu đồng, còn lại 280 triệu đồng nộp thuế 40 triệu đồng và nhập quỹ về công ty 240 triệu đồng. Theo đề nghị của ông Mạnh, AMAX đã nộp 240 triệu đồng vào tài khoản của cơ quan điều tra.

Về phía Mobifone, bà Phạm Thị Phương Anh khai được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng tổ giúp việc, đã chỉ đạo các thành viên đánh giá tình hình tài chính của AVG, làm việc với các công ty tư vấn, thẩm định giá để xác định giá trị AVG.

Theo kết luận, khi tham gia xây dựng dự án, bà Phương Anh biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, hiệu quả kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần AVG chênh lệch lớn so với giá trị thể hiện trên sổ sách kế toán. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tay thúc đẩy thương vụ sai trái, vì sức ép chỉ đạo của cấp trên.

Được Tổng giám đốc giao nhiệm vụ ký, thực hiện và nghiệm thu hợp đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG với AMAX, bà Phương Anh biết việc Mobifone bàn giao cho AMAX bản Phụ lục số 02 của VCBS cung cấp cho Mobifone là không được phép của VCBS.

Ngoài ra, khi nghiệm thu kết quả xác định giá trị doanh nghiệp AVG với AMAX là 16.565 tỷ đồng, trong đó, bà Phương Anh cũng biết việc AMAX xác định giá trị tài sản vô hình không được hạch toán vào sổ sách kế toán của AVG với giá 13.448 tỷ đồng, bao gồm cả giấy phép 4 kênh tần số.

Bà Phương Anh đã ký đề nghị Tổng giám đốc xem xét, sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của AMAX làm mức giá đàm phán khi mua cổ phần AVG.

Ngoài ra, bà chỉ đạo Ban Tài chính thu xếp nguồn vốn thực hiện dự án theo phân công của Hội đồng thành viên; tiến hành đàm phán các điều khoản nêu trong hợp đồng, thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG; ký các lệnh, ủy nhiệm chi chuyển tiền cho các cổ đông AVG sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt đầu tư dự án.

>>> Vụ AVG: Cơ quan điều tra đang giữ gần 66 tỷ đồng do các bị can và gia đình tự nguyện nộp

Cùng chuyên mục
Tin khác