Tài chính

VDSC: Biên độ 'sóng' cuối năm sẽ không lớn như 'sóng' đầu năm

(VNF) - VDSC cho rằng kết quả kinh doanh tích cực sẽ giúp thị trường duy trì xu hướng tăng. Tuy nhiên, biên độ sẽ không lớn như đợt sóng hồi đầu năm.

VDSC: Biên độ 'sóng' cuối năm sẽ không lớn như 'sóng' đầu năm

Biên độ 'sóng' cuối năm sẽ không lớn như 'sóng' đầu năm

Sau khi thị trường hồi phục mạnh mẽ trong tháng 8 từ vùng đáy, VN-Index đã chứng kiến đợt sụt giảm mạnh ngay từ những phiên đầu của tháng 9 do áp lực chốt lời trước ngưỡng 1.000 điểm.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo chiến lược tháng 10/2018 vừa được công bố, một số mã chủ chốt đã có mức sinh lời tốt cho các nhà đầu tư bắt đáy và việc thị trường điều chỉnh khi đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng là khó tránh khỏi. Tuy vậy, thị trường vẫn duy trì đà tăng tích cực trong khoảng thời gian sau của tháng. VN-Index đóng cửa tại 1.017 điểm, tăng 2,8%.

VDSC cho hay, dòng tiền ngắn hạn đang hướng đến những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi từ chiến tranh thương mại như Dệt may, Thủy sản. TNG, TCM, MPC, hay VHC đều có mức tăng thị giá ấn tượng.

Cùng với đó, biên độ dao động của thị trường được thu hẹp cũng phần nào giúp tâm lý của nhà đầu tư trở nên ổn định, kèm theo đó là các tin tích cực từ nền tảng vĩ mô cũng khiến dòng tiền tự tin hơn khi tham gia lại thị trường. Thanh khoản cải thiện, những phiên giao dịch 5 – 6 nghìn tỷ đã xuất hiện trở lại.

Ngân hàng và Bất động sản vẫn là những nhóm ngành thu hút dòng vốn của nhà đầu tư lớn nhất. Tuy nhiên xu hướng dòng tiền vào 2 ngành này đã giảm bớt trong tháng 9, chuyển hướng qua nhóm Dầu khí và Công Nghiệp. Đây là những ngành có giá trị khớp lệnh tăng vượt trội trong thời gian vừa rồi trong khi các ngành khác không có thay đổi đáng kể. Ngành y tế cũng thu hút dòng tiền thời gian vừa qua, thanh khoản tăng 47% trong tháng 8 và 34% trong tháng 9.

Việc Việt Nam được FTSE đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng cũng là một tin hỗ trợ rất tích cực. Bên cạnh đó, thanh khoản dần tăng lên cũng sẽ kích thích những dòng tiền còn chần chờ đứng ngoài thị trường khi mà nhà đầu tư có tâm lý sợ bỏ lỡ sóng cuối năm.

"Chúng tôi ước lượng tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging Markets Index sẽ trên 0,4%, dựa vào quy mô vốn hóa của rổ chỉ số FTSE Vietnam Index (19 tỷ USD) so với vốn hóa rổ FTSE Emerging Index (4.450 tỷ USD). Như vậy sẽ có khoảng 300 triệu USD dòng vốn thụ động chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam", VDSC cho biết.

Theo VDSC, tỷ giá sau khi tăng mạnh tháng trước đã bình ổn trở lại, lãi suất ngân hàng cũng không biến động mạnh. Theo đó, bức tranh tổng thể hiện đã bớt màu tiêu cực. Trên nền tảng đó, các thông tin KQKD quý 3 sẽ là yếu tố quyết định xu hướng.

"Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa dựa theo kết quả kinh doanh này. Về mặt tổng thể, một kết quả tích cực sẽ giúp thị trường duy trì xu hướng tăng. Tuy nhiên, biên độ sẽ không lớn như đợt sóng hồi đầu năm", VDSC nhận định.

Nhìn chung, VDSC cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của năm 2018 đã ở lại phía sau. Sau nửa đầu năm kém khả quan, các chỉ số chứng khoán cận biên và mới nổi đang cho thấy đà hồi phục. Thị trường Việt Nam có lẽ cũng không nằm ngoài xu hướng này.

"Các yếu tố vĩ mô ổn định và câu chuyện về khả năng Việt Nam sẽ được thăng hạng lên thị trường mới nổi trong vài năm tới tiếp tục hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Kết quả là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục dẫn dắt thị trường tăng điểm trong các tuần qua. Vì thời kiểm vào danh sách thị trường mới nổi của MSCI còn khá lâu, chúng tôi cho rằng cổ phiếu có mức chi trả cổ tức cao có thể là kênh trú ẩn an toàn cho những nhà đầu tư ngại rủi ro", VDSC khuyến nghị.

Cụ thể hơn, VDSC khuyên nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu có mức tỷ suất cổ tức kế hoạch 2018 cao, đặc biệt là cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao hơn đáng kể so với mức trung vị trong giai đoạn 2011 – 2018; bên cạnh đó là những cổ phiếu có lịch sử trả cổ tức tốt và ổn định.

Tin mới lên