Vì sao chậm xử lý máy bay bị 'bỏ quên' 12 năm ở Nội Bài?

Thanh Bình - 10/11/2019 07:49 (GMT+7)

Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần thuê tổ chức định giá nhưng họ đã “bỏ của chạy lấy người”.

VNF
Chiếc Boeing 727 - 200 bị bỏ rơi nhiều năm tại Nội Bài

Báo cáo phương án xử lý tàu bay Boeing B727-200 bị bỏ rơi tại Nội Bài, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đào Văn Chương cho hay cơ quan này đã nhiều lần thuê tổ chức định giá nhưng họ đã “bỏ của chạy lấy người”.

“Lần đầu tiên, tổ chức chức định giá đã 'bỏ của chạy lấy người', không thể xác định được giá tàu bay. Năm 2018, Cục Hàng không tiếp tục thuê một tổ chức định giá. Con số mà tổ chức này đưa ra là 1,7 tỷ đồng”, ông Chương thông tin.

Đáng nói, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam không thể đưa ra được mức giá khởi điểm của chiếc tàu bay này để tiến hành đấu giá.

“Nếu tài sản là một tàu bay đang hoạt động, đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật khai thác, chúng tôi có thể tham khảo ý kiến của hãng hàng không, các vụ việc tương tự trên thế giới (nếu có) khi bán đấu giá tàu bay để làm cơ sở phê duyệt, thống nhất giá khởi điểm.

Tuy nhiên, tài sản mang đấu giá là một tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự. Do đó, Cục Hàng không nhận thấy không đủ cơ sở và sẽ thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra”, ông Chương cho hay.

Cục Hàng không nghiêng về phương án giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị “trông coi” chiếc tàu bay này suốt thời gian qua, thay vì đấu giá.

“Hàng năm, ngành hàng không đều phải thuê làm mô hình máy bay để tổ chức diễn tập an ninh, an toàn cho các lực lượng của ngành hàng không tại CHK, sân bay. Tiền chi để làm mô hình diễn tập này lên tới 400 - 500 triệu đồng nhưng làm xong lại không tái sử dụng được”, ông Chương nói.

Ông Chương cũng cho rằng việc giao ACV chiếc tàu bay này để làm mô hình huấn luyện, diễn tập hàng năm có ý nghĩa rất lớn.

Tại cuộc họp về vấn đề này ngày 6/11, đại diện Vụ Tài chính (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải bán tài sản này và thu hồi tiền nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Cục Hàng không Việt Nam khá lúng túng trong công tác xác định giá khởi điểm do tình huống này chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.

“Chính vì lúng túng nên Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị không bán mà điều chuyển tàu bay này cho ACV. Điều chuyển tài sản công cho ACV, theo Luật DN phải báo cáo Thủ tướng. Hơn nữa, nếu điều chuyển ACV cũng phải xác định giá là bao nhiêu?”, vị này phân tích.

Bày tỏ mong muốn có được tàu bay này để phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập an ninh, an toàn hàng năm, Phó giám đốc CHK quốc tế Nội Bài Vũ Thế Kiệm cho hay, ACV mong muốn được giao tàu bay này. Trường hợp không thể giao, ACV cũng sẵn sàng tham gia đấu giá vì “ACV sử dụng tàu bay này là hiệu quả nhất”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi ACV có thể trả tối đa bao nhiêu tiền khi tham gia đấu giá, ông Kiệm lại từ chối trả lời và cho rằng “là vấn đề cần phải cân nhắc”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, tàu bay bị bỏ rơi nếu đem đấu giá sẽ hấp dẫn rất nhiều doanh nghiệp.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có công văn giao Bộ tổ chức bán đấu giá tàu bay, Bộ đã giao Cục Hàng không Việt Nam có phương án xử lý, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng, đây là tài sản nhà nước, để lâu không sử dụng vào mục đích cụ thể nào sẽ làm giảm giá trị tài sản.

“Cục Hàng không cần sớm nghiên cứu lại các phương án, bao gồm cả việc giao tài sản cho các đơn vị có nhu cầu (bao gồm các cơ quan nhà nước của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không Việt Nam…) hoặc đấu giá. Trong trường hợp giao tài sản, cần phải làm rõ nếu giao, mục đích sử dụng là gì, tàu bay để đâu, phương án vận chuyển, chi phí như thế nào”, Thứ trưởng nói.

Theo Giao thông
Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.