Có thể làm gì với xác máy bay bị bỏ quên ở sân bay Nội Bài?

Chí Bình - 10/10/2019 16:56 (GMT+7)

(VNF) - Sau 12 năm, chiếc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ quên ở Nội Bài vẫn chưa có phương án xử lý dù khoản chi phí dịch vụ của máy bay tại sân bay Nội Bài đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã có văn bản bày tỏ ý định mua lại chiếc máy bay này nhưng tất cả đến nay đều chưa nhận được kết quả.

VNF
Chiếc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ lại sân bay Nội Bài từ tháng 5/2007

Chiếc máy bay Boeing 727-200 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ, từng thuộc hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội vì sự cố đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ tháng 5/2007.

Ủy ban nhà nước về hàng không dân dụng Campuchia sau đó đã thông báo việc giấy chứng nhận khai thác máy bay của hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi. Chiếc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia và Việt Nam có thể xử lý tàu bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Liên quan đến chiếc máy bay này, ông Vũ Ngọc Kiệm, Phó giám đốc cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cho biết sân bay Nội Bài thường xuyên đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và có số lượng hành khách qua cảng lớn, điều kiện sân đỗ tàu bay còn hạn chế. Do đó, việc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ lại gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và thiệt hại kinh tế không nhỏ cho cảng.

Sử dụng máy bay bị bỏ quên để làm mô hình, giáo cụ

Liên quan đến chiếc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ quên ở sân bay Nội Bài, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị hiện là “chủ nợ” của các khoản chi phí dịch vụ sân đậu và tiền bảo vệ máy bay này, đã từng có đề xuất được phép sử dụng máy bay này để làm mô hình phục vụ thực hành, đào tạo, huấn luyện nhân viên an ninh hàng không, diễn tập khẩn nguy cứu hỏa, phòng chống khủng bố…

Với đề xuất này, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng bản thân ACV cũng là một đầu mối quan trọng trong công tác phòng, chống khủng bố tại cảng hàng không, sân bay, do vậy việc giao lại cho ACV làm mô hình huấn luyện, diễn tập hàng năm có ý nghĩa lớn.

Một đơn vị khác là Học viện Hàng không Việt Nam cũng đã 3 lần gửi văn bản đề nghị được tiếp nhận tàu bay Boeing 727-200 bị bỏ quên tại sân bay Nội Bài để làm giáo cụ thực hành, thực tập cho các học viên chuyên ngành hàng không.

Theo TS. Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, máy bay Boeing 727-200 bị bỏ rơi dù không còn khả năng khôi phục tính năng bay nhưng lại là một tài sản vô cùng quý giá để sử dụng làm giáo cụ trực quan, giúp sinh viên có điều kiện tiếp xúc với loại tàu bay, trang thiết bị tàu bay phù hợp với hệ tiêu chuẩn và công nghệ hiện tại còn áp dụng trong ngành Hàng không.

Hơn nữa, loại tàu bay này còn đầy đủ các tài liệu kỹ thuật, tài liệu khai thác, quy trình… để các giảng viên có thể thiết kế các bài thực hành, thực tập theo đúng tiêu chuẩn của ngành Hàng không.

“Ngoài việc phục vụ đào tạo các ngành Kỹ thuật hàng không, tàu bay này còn có thể được sử dụng làm giáo cụ để đào tạo các ngành và các môn học như: Tiếp viên hàng không, An ninh hàng không, Kiểm soát viên không lưu, Kiến thức cơ bản hàng không…”, bà Hằng nói.

Sử dụng bay bị bỏ quên để làm nhà hàng, quán cà phê

Chiếc máy bay bị bỏ quên ở sân bay Nội Bài cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp tư nhân, trong đó kể đến Công ty Cổ phần Tiffany and Son.

Doanh nghiệp này đề xuất được đổi các mặt hàng tồn kho như bia, rượu, dầu ăn, bánh kẹo, gạo... để lấy chiếc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ quên ở sân bay Nội Bài. Tổng giá trị sản phẩm ước tính đạt khoảng 3 tỷ đồng (nếu quy đổi ra tiền mặt).

Theo bà Mai Thanh Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiffany and Son, giải pháp hàng đổi hàng giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng được nguồn sản phẩm do chính họ sản xuất, giúp giải phóng một lượng hàng tồn, tiết kiệm tiền mặt. Về phía cơ quan chủ quản, đơn vị sở hữu chiếc máy bay cũ cũng có thể sử dụng các sản phẩm đổi được phục vụ cho các hoạt động của mình tại các điểm kinh doanh thương mại ở sân bay hay địa điểm khác.

CEO Tiffany and Son cũng hiến kế về việc sửa chữa, khai thác chiếc máy bay cũ. Theo đó Boeing 727-200 sẽ được sơn lại theo thiết kế. Vỏ ngoài máy bay có thể sẽ được dùng để quảng cáo thương hiệu, nhân vật, sản phẩm. Bên trong có thể sẽ trở thành một quán cà phê hay một nhà hàng.

“Hiện tại, chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam khai thác và phát triển mô hình máy bay làm nhà hàng hay máy bay mở quán cà phê … Nếu Boeing 727-200 được sử dụng với mục đích này, đây sẽ là một địa chỉ hấp dẫn đối với nhiều người”, bà Thủy nói.

Tuy nhiên đề xuất này mới đây đã bị Cục Hàng không Việt Nam từ chối do "không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc trao đổi theo đề nghị của công ty".

Sử dụng bay bị bỏ quên để "thực hiện ước mơ" cho người già

Mới đây, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) cũng đã có công văn gửi tới Cục Hàng không Viêt Nam với mong muốn đổi 3 suất dưỡng lão dài 12 năm để lấy chiếc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ quên ở sân bay Nội Bài.

Theo văn bản này, phía trung tâm dưỡng lão muốn sử dụng chiếc máy bay này để hiện thực hóa "giấc mơ bay" của nhiều cụ già hiện không đủ sức khỏe để bay một chuyến bay thật. 

"Nhiều người cao tuổi đang sống tại trung tâm chúng tôi luôn ao ước được một lần trải nghiệm ngồi trên máy bay, trong khi hiện tại sức khỏe không cho phép để di chuyển bằng máy bay thực sự. Trong lúc đang tìm cách để hiện thực hoá ước mơ của các cụ, chúng tôi biết rằng hiện sân bay Nội Bài đang giữ một chiếc máy bay Boeing 727-200 của hãng hàng không Campuchia bị bỏ quên 12 năm. Chính vì vậy, chúng tôi gửi công văn này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cho trung tâm xin chiếc máy bay này, không chỉ phục vụ cho các cụ đang sống tại trung tâm mà những người cao tuổi khác có mong muốn tương tự", văn bản của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng nêu rõ.

Bán sắt vụn

Trong trường hợp không thể chuyển đổi mục đích sử dụng của chiếc máy bay Boeing 727-200 bị bỏ quên ở sân bay Nội Bài, chiếc máy bay sẽ ngày càng bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng, chiếc máy bay này chỉ có thể dùng để... bán sắt vụ.

Một số chuyên gia hàng không nhận định, cheiecs máy bay như Boeing B727-200 nếu phá ra bán sắt vụn cũng đã thu được số tiền 10 tỷ đồng.

Theo tính toán của cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tổng tiền dịch vụ từ thời điểm ngày 1/12/2017 đến thời điểm 23/4/2018 của chiếc máy bay Boeing 727-200 đã lên tới hơn 832.000 USD. Trong đó có 753,8 nghìn USD là tiền dịch vụ đậu sân bay, tiền dịch vụ bảo vệ tàu bay là hơn 78,9 nghìn USD. Từ ngày 24/4/2018 đến nay không tính phí sân đậu vì máy bay đã được di dời ra vị trí đỗ mới, ngoài sân đậu.

Được biết, chi phí di dời chiếc máy bay Boeing 727-200 ra vị trí đỗ mới, ngoài sân đậu cũng đã tốn hơn 480 triệu đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác