Việt Nam đón hơn 11 tỷ USD vốn FDI từ các nước CPTPP

Hồng Hạnh - 05/12/2024 12:02 (GMT+7)

(VNF) - Ngoài ý nghĩa gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, Hiệp định CPTPP còn là cơ hội để Việt Nam thu hút FDI từ các đối tác CPTPP do gỡ bỏ 95% sắc thuế hải quan của thị trường trên 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD.

Bộ Công thương nhận định, sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một lợi ích trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).

Ngoài ý nghĩa gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, Hiệp định này còn là cơ hội để Việt Nam thu hút FDI từ các đối tác CPTPP do gỡ bỏ 95% sắc thuế hải quan của thị trường trên 500 triệu người, tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore...

Qua mỗi năm kể từ khi có hiệu lực, thu hút FDI từ khối các nước CPTPP ngày càng khả quan hơn. Nếu năm 2019, Việt Nam thu hút FDI xấp xỉ 9,5 tỷ USD từ các nước CPTPP, đến năm 2022, Việt Nam thu hút FDI được khoảng gần 11,5 tỷ USD từ các nước CPTPP, tăng 2,6 tỷ USD so với năm 2021. Số dự án cấp mới đạt 577 dự án, tăng 77 dự án so với năm 2021. Các Thành viên CPTPP có tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất là Singapore với 6,4 tỷ USD, Nhật Bản với 4,7 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2023 có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 66,3% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD, thì riêng 2 thành viên CPTPP đã đóng góp 67%: Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,98 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,9 tỷ USD. Trong những năm tới, thu hút FDI từ các nước CPTPP sẽ tiếp tục tăng lên, nhờ Brunei, Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Australia vốn là những đối tác truyền thống về thương mại và đầu tư;

Đáng chú ý, với 16 FTA đã ký kết, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết trong mắt các nhà đầu tư CPTPP, đặc biệt là các nước đối tác đã tham gia nhiều FTA, hoặc cùng tham gia vào những FTA trong đó có Việt Nam, như Singapore, Nhật Bản, Australia…

Đi theo dòng vốn FDI, hai nước Việt Nam - Nhật Bản có nhiều kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ hết sức cụ thể. Trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong những năm tới.

Singapore cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Trong những năm qua, hoạt động thu hút đầu tư từ Singapore vào Việt Nam dựa trên chiến lược hợp tác kinh tế và chuyển giao công nghệ thuộc 5 trụ cột, bao gồm: Kết nối năng lượng; phát triển bền vững; cơ sở hạ tầng; kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo; kết nối (bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, đầu tư, thương mại và dịch vụ, giao thông vận tải.

Việc thúc đẩy FDI từ Nhật Bản và Singapore nói riêng và các nhà đầu tư từ thị trường CPTPP nói chung vào Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục theo hướng tăng cường hợp tác và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế số và đổi mới sáng tạo; hạ tầng; phát triển bền vững, đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu; và đẩy mạnh kết nối nhiều mặt về thương mại, đầu tư, tài chính, giao thông - vận tải, du lịch. Đây cũng là những trọng tâm hợp tác với các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, để khai thác triệt để cơ hội thu hút FDI, hoạt động xúc tiến đầu tư cần chuyển trọng tâm sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn FDI lớn. Điều đó góp phần tận dụng các hiệp định tự do thế hệ mới và cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng cơ hội từ thị trường còn nhiều tiềm năng CPTPP.

Năm năm thực thi CPTPP: Việt Nam hưởng lợi tỷ USD

Năm năm thực thi CPTPP: Việt Nam hưởng lợi tỷ USD

Thị trường
(VNF) - Sau 5 năm thực thi CPTPP, thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực Châu Mỹ tăng trưởng mạnh, song, tỷ trọng hàng Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu tại các nước Châu Mỹ thực tế vẫn còn hạn chế.
Cùng chuyên mục
Tin khác