Mỗi năm thu hàng chục tỷ USD: CPTPP - thị trường dệt may lớn nhất của Việt Nam
(VNF) - Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo, trong đó có mặt hàng dệt may vào địa bàn sẽ ngày một khó ở thị trường CPTPP. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ quy tắc xuất xứ để thích ứng với thị trường này.
Xuất khẩu dệt may: Những tín hiệu tích cực
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu ngành này đang cải thiện tích cực, khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm.
Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may.
Thống kê cho thấy, lượng tồn kho của các hãng thời trang giảm xuống đang thể hiện tín hiệu tích cực về đơn hàng dệt may trong những tháng cuối năm.
Đơn cử, Mức giảm tồn kho của các hãng thời trang lớn trên thế giới như Nike giảm tới 11%, Levi's giảm 7%, kết quả kinh doanh cũng như lợi nhuận của các hãng được cải thiện ở mức khá bền vững. Hai hãng thời trang có mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật nhất là H&M với lợi nhuận tăng trưởng khoảng 49%, Uniqlo khoảng 36%. Các doanh nghiệp dệt may đang đặt nhiều hy vọng giá đơn hàng sẽ được cải thiện, các doanh nghiệp dệt may sẽ có hiệu quả tích cực hơn so với năm trước.
Trong khi đó, lạm phát ở Hoa Kỳ đang ở mức thấp, khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống phạm vi mục tiêu là 4,5-4,75%. Đợt hạ lãi suất mới nhất của Fed diễn ra ngay sau đợt hạ lãi suất gần nhất vào tháng 9. Cùng với đó, lãi suất của Anh vừa giảm lần thứ 2 vào ngày 1/8 kể từ tháng 3/2020 với mức giảm 0,25%... Những yếu tố này hy vọng sức cầu của thị trường sẽ tăng lên, tạo thuận lợi cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhất là vào thị trường CPTPP.
CPTPP: Thị trường lớn nhất của dệt may Việt
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD. Với những tín hiệu tích cực của thị trường, theo giới chuyên gia, mục tiêu nêu trên có thể đạt được và một trong nhưng giải pháp đầu tiên là phải tận dụng tốt các FTA để tăng xuất khẩu.
Thực tế, dệt may là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ nhất, khoảng trên 50%. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, riêng thị trường khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đã chiếm khoảng 16%.
"Sau khi có hiệp định, ngành dệt may Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập vào một số thị trường trong khối CPTPP, đặc biệt là thị trường các nước trong khối Nam Mỹ, Canada, New Zealand, Mexico - những thị trường trước đây gặp khó khăn", ông Giang nói và cho hay "đột phá vào những thị trường này đang có tăng trưởng cực kỳ tốt".
Về các thị trường cụ thể, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đến nay, xuất khẩu dệt may sang Mexico đã tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mexico 7 tháng năm 2024 đạt mức cao nhất với 119,06 triệu USD, tăng 119,58% so với mức 54,22 triệu USD của 7 tháng đầu năm 2018 (trước khi CPTPP có hiệu lực) và tăng 71,38% so với mức 69,47 triệu USD của 7 tháng năm 2019 (năm đầu tiên CPTPP chính thức có hiệu lực).
Hiện Mexico nhập khẩu chủ yếu các các nhóm hàng dệt may mã HS 61 (quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc) và mã HS 62 (quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc). Việt Nam là nguồn cung lớn thứ hai 6 của Mexico đối với nhóm hàng mã HS 61 và là nguồn cung lớn thứ ba đối với nhóm hàng mã HS 62.
Dệt may cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường Canada. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 900 triệu USD mặt hàng này vào thị trường nước sở tại.
Trong thực tế, một số thành viên của CPTPP như New Zealand và Chile đã có phụ lục riêng và đơn giản hóa quy tắc xuất xứ chỉ từ cắt và may chứ không phải là từ sợi trở đi. Đây cũng là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp dệt may.
Còn những rào cản cần nỗ lực từ doanh nghiệp
Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo, trong đó có mặt hàng dệt may vào địa bàn sẽ ngày một khó.
Bên cạnh nguyên nhân từ thị trường suy giảm, thách thức nữa đến từ góc độ cạnh tranh. Hàng hóa của Việt Nam đã và đang mất dần các lợi thế thuế quan do CPTPP mang lại, bởi Canada đã và đang đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại tự do với một loạt các đối tác Nam Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Canada-ASEAN…) Đây đều là những nước có cơ cấu mặt hàng khá tương đồng với Việt Nam.
Về tăng khả năng khai thác ưu đãi CPTPP, ông Trương Văn Cẩm Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin: Hiện, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Canada đều mong muốn có thể đàm phán hiệp định thương mại song phương, hoặc Hiệp định thương mại ASEAN - Canada để hạn chế công đoạn sản xuất. Quy tắc xuất xứ trong CPTPP là quy tắc 3 công đoạn và từ sợi trở đi, nhưng cả hai phía đều mong muốn chỉ cần 2 công đoạn, nghĩa là từ vải trở đi.
Về tăng khả năng tận dụng CPTPP, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay: Qua làm việc, Hiệp hội Dệt may Canada đã bày tỏ khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng do các doanh nghiệp Việt Nam khó có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong CPTPP. Do đó, để đảm bảo thị phần cũng như tốc độ tăng trưởng dệt may sang địa bàn, trong bối cảnh đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Bagladesh, Campuchia đang được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), việc làm "mềm hóa" hay thuận lợi hóa quy tắc xuất xứ trong CPTPP rất cần thiết. Quan trọng, cả Việt Nam và Canada không bị xung đột lợi ích trong vấn đề làm "mềm hóa" quy tắc xuất xứ này.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương đưa ra các khuyến nghị, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu xây dựng, hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, giúp tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước. Bên cạnh đó, cần trao đổi, xác định ra những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm và tạo ra những kênh song phương trao đổi. Không nhất thiết phải cứ có cuộc họp CPTPP thì chúng ta mới bàn.
Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành, hiệp hội, các tỉnh thành để xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA. Mục tiêu là muốn kết nối các chủ thể, không chỉ trong chuỗi giá trị của một sản phẩm mà kể cả những chủ thể ngoài giá trị của các sản phẩm. Không chỉ kết nối các doanh nghiệp, các chủ thể ở Việt Nam mà kết nối với các doanh nghiệp, các chủ thể ở các thị trường nước ngoài. Có kết nối như vậy thì sẽ bảo đảm được hiệu quả gia tăng giá trị từ CPTPP.
Dệt may, da giày vào Canada ngày càng khó khăn hơn
- 'Cổ phiếu dệt may, hóa chất, dầu khí sẽ dẫn dắt TTCK' 29/08/2024 09:15
- Đối thủ Bangladesh bất ổn, dệt may Việt Nam đón cơ hội vàng 10/08/2024 08:30
- Dệt may Nha Trang: Thoát thua lỗ, vẫn gánh nợ hơn 900 tỷ đồng 06/05/2024 07:15
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.