Tài chính

Đề xuất cho hãng hàng không tư nhân vay 4.000 tỷ đồng

(VNF) - Tại Hội thảo "Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam" ngày 26/11, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet có đề xuất tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các đơn vị liên quan kiến nghị tới Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ hãng vay 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm.

Đề xuất cho hãng hàng không tư nhân vay 4.000 tỷ đồng

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet

Vietjet đang duy trì việc làm cho 6.000 lao động

Theo vị Phó Tổng giám đốc Vietjet, trước đại dịch, hằng năm tăng trưởng của hãng đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Qua đó, Vietjet đã phục vụ khoảng 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí tích lũy xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid - 19, ngành hàng không lâm vào khủng hảng trầm trọng. Đến thời điểm này, các hãng hàng không Việt đã suy giảm trên 70% - 75% doanh thu và thanh khoản chịu ảnh hưởng rất nhiều.

Riêng với Vietjet, để tăng cường nguồn lực tài chính cho hàng không, hãng đã chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tích luỹ trong nhiều năm qua.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương cho biết thêm: Dù rất khó khăn nhưng Vietjet vẫn cố gắng duy trì việc làm cho 6.000 người lao động.

Để hỗ trợ dòng tiền, Vietjet đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ phụ trợ (Ancillary), thẻ bay Power Pass, tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài, đồng thời Vietjet đã tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, giảm chi phí trên mỗi đơn vị giờ khai thác (block hour) từ 35% - 45% nhờ tối ưu hóa hoạt động khai thác.

"Thế nhưng, dịch Covid -19 diễn biến khó lường nên tính đến thời điểm hiện tại, Vietjet đang rất cần dòng tiền để hỗ trợ hoạt động kinh doanh", bà Phương nói.

Ví dụ về việc Chính phủ một số nước Châu Á hỗ trợ cho ngành hàng không, bà Yến Phương cho biết: Chính phủ Thái Lan đã chỉ định ngân hàng Eximbank cho vay các doanh nghiệp hàng không (5 hãng) với lãi suất khoảng 2%/năm trong thời hạn 3-5 năm.

Hay như Chính phủ Hong Kong đã tung gói cứu trợ 1 tỷ USD, miễn trừ phí điều hành bay trị giá 670 triệu USD, miễn trừ hoàn toàn phí đỗ máy bay. Mới đây nhất là gói cứu trợ 2 tỷ USD mua 500.000 vé máy bay từ các hãng hàng không sau đó sẽ bán lại cho người dân và du khách

Còn tại Trung Quốc, cơ quan hàng không nước này (CAAC) đã hỗ trợ 0,0176 CNY (0,003 USD) cho mỗi km chỗ ngồi có sẵn cho các chuyến bay quốc tế.

Đề xuất vay ưu đãi với ngành hàng không

Trở lại câu chuyện hỗ trợ thế nào cho các hãng hàng không Việt Nam, bà Yến Phương cho biết: Tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN chỉ áp dụng việc cơ cấu nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020, Vietjet xin phép kiến nghị bổ sung các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 đối với ngành hàng không vào phạm vi, đối tượng được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đến hết 31/12/2021.

Dịch Covid19 đã tác động trực tiếp đến các hãng hàng không và khó khăn vẫn còn đang tiếp diễn, trong khi ngành đang có dư nợ vay cao, lại đang gặp nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

Do vậy, Vietjet kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Mặt khác, các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn trong 2 – 3 năm tới do sụt giảm mạnh về doanh thu và Vietnam Airlines đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép Ngân hàng nhà nước (NHNN) tái cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay.

Do vậy, Vietjet xin kiến nghị NHNN xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các NHTM hỗ trợ các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm.

Giảm và kéo dài thời gian hỗ trợ các loại phí, thuế

Kiến nghị của Vietjet nhận đồng tình của các hãng hàng không khác và nhiều đại biểu tham dự hội thảo. Cũng tại hội thảo, bà Yến Phương đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho các hãng hàng không trong nước.

Bà Yến Phương cũng cho biết, ngày 27/7/2020, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít áp dụng từ ngày 1/8/2020 đến 31/12/2020. Chính sách này là sự hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, với tình hình dòng tiền đang sụt giảm mạnh, Vietjet kiến nghị xem xét giảm thuế BVMT xuống mức 1.000 đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế BVMT đến hết năm 2021.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/10/2020 trở đi, các mức phí, khung giá sẽ hết thời hạn ưu đãi theo Thông tư 19/2020/TT-BGTVT và áp dụng theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT nên Vietjet kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Ngoài ra, để hỗ trợ cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp và người lao động, Vietjet kiến nghị việc dừng, giãn thời hạn nộp các loại Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế Giá trị gia tăng (GTGT); Thuế thu nhập cá nhân; Thuế nhà thầu nước ngoài; tiền thuê đất cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết 31/12/2021.

"Đối với Vietjet, hiện hãng đang phát triển đội tàu bay trẻ, hiện đại lên tới 75 chiếc với tuổi trung bình là 3 năm. Để đáp ứng công tác bảo dưỡng, Vietjet thường xuyên nhập khẩu hầu hết các thiết bị, vật tư đặc thù của ngành và số thuế phải nộp cũng đang là một áp lực đến dòng tiền đối với Vietjet. Do vậy, Vietjet đề xuất giãn thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu", Bà Phương chia sẻ.

Tin mới lên