VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện nổi bật của ngành giao thông vận tải năm 2021

Chí Bình - 25/12/2021 19:07 (GMT+7)

(VNF) - Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại sau 10 năm trễ hẹn, hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được cấp phép khai thác thường lệ tới Mỹ sau hơn 20 năm, tiến độ và kế hoạch triển khai loạt dự án cao tốc Bắc - Nam... là những sự kiện giao thông vận tải được VietnamFinance bình chọn là nổi bật nhất trong năm 2021.

VNF
10 sự kiện nổi bật của ngành giao thông vận tải năm 2021.

Vận hành thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Sau 10 năm khởi công (tháng 10/2011), dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức vận hành thương mại vào ngày 6/11/2021. Sau khi tiếp nhận bàn giao có điều kiện và đưa vào vận hành tuyến đường sắt này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cho tàu chạy ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách trước khi thực hiện vận hành thương mại.

Giá vé tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.

Đối với giá vé ngày là 30.000 đồng/người, không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày. Giá vé tháng sẽ có các mức 200.000 đồng/người (dành cho hành khách phổ thông); 100.000 đồng/người (dành cho đối tượng là cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp).

Trong khi đó, người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hà Nội sẽ miễn tiền vé cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi và nhân khẩu thuộc hộ nghèo.

Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào năm 2016 và năm 2017 là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc.

Tổng thầu EPC thi công dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05km với 12 ga đi toàn bộ đi trên cao, điểm đầu là ga Cát Linh và điểm cuối là ga Yên Nghĩa, khu Depot tại Phú Lương, quận Hà Đông.

Bay thẳng Việt - Mỹ

Sau hơn 20 năm triển khai kế hoạch bay thẳng, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được cấp phép khai thác thường lệ tới Mỹ. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào ngày 29/11/2021.

Kể từ tháng 12/2021, Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ đường bay thẳng giữa TP. HCM và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần, sau đó sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ. Các chuyến bay được thực hiện bằng đội tàu bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350.

Kế hoạch mở đường bay thẳng Việt – Mỹ được Vietnam Airlines triển khai từ năm 2000. Để đạt chứng nhận khai thác thường lệ đường bay tới Mỹ, hãng đã phải làm việc với 9 cơ quan của Mỹ với nhiều thủ tục khắt khe.

Trước khi được cấp phép bay thường lệ tới Mỹ, năm 2020 và 2021, Vietnam Airlines đã được nhà chức trách Mỹ cấp phép thực hiện mỗi năm 12 chuyến bay thuê chuyến cho đường bay này.

Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu để mở thêm đường bay mới đến Mỹ như giữa Los Angeles và Hà Nội hoặc TP. HCM. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng đội tàu bay thân rộng hiện đại nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787 và Airbus A350.

Ngoài Vietnam Airlines được cấp phép thẳng thường lệ, trong năm 2021, một hãng hàng không khác là Bamboo Airways cũng đã công bố đường bay thẳng Việt – Mỹ. Hiện hãng đã hoàn tất những bước chuẩn bị quan trọng nhất để sẵn sàng đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ kết nối Việt Nam và Mỹ, dự kiến từ đầu năm 2022 (khởi đầu khoảng 3 chuyến/tuần). 

Khởi công sân bay quốc tế Long Thành

Ngày 5/1/2021, lễ khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã được tổ chức tại Đồng Nai. Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Sau lễ khởi công, dự án sân bay quốc tế Long Thành lại bắt đầu chậm tiến độ, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, do liên quan đến tiến độ xây dựng các khu tái định cư, công tác kiểm đếm, xây dựng giá và đặc biệt là trong thời gian qua bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Liên quan đến dự án này, mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và chủ đầu tư các dự án thành phần lập bảng tiến độ chi tiết theo sơ đồ găng, gửi Bộ Giao thông Vận tải xác nhận trước ngày 24/12.

Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải đôn đốc, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ này. UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, phê duyệt bảng tiến độ tương tự đối với công tác thu hồi đất, triển khai các khu tái định cư và các hạng mục của dự án.

Trước mắt, Phó thủ tướng yêu cầu chậm nhất ngày 31/12 phải hoàn thành bàn giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ 1.810ha và bàn giao 722 ha khu vực đổ đất dự trữ. Đối với phần diện tích còn lại (trên toàn bộ diện tích 4.946,5ha) hoàn thành trước 30/6/2022.

ACV, VATM được yêu cầu kiện toàn Ban quản lý dự án với đầy đủ bộ máy, chức năng nhiệm vụ, quy chế làm việc… để bảo đảm tính pháp lý, rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; trong đó cần khẩn trương có phương án bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho Ban quản lý dự án, tạo thuận lợi nhất trong điều hành, tổ chức thi công.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần đổi mới tư duy, nghiên cứu rút ngắn tiến độ các hạng mục công việc (như tư vấn thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị…) ngay từ khi lập hồ sơ mời thầu, trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc và bảo đảm quy định của pháp luật.

Tuyên án vụ sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Đầu tháng 12 vừa qua, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào (hai cựu Phó tổng giám đốc VEC) lần lượt 7 năm tù và 6 năm tù, bị cáo Hoàng Việt Hưng (cựu giám đốc Ban quản lý dự án) lãnh 8 năm 6 tháng tù, đều về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh trên, 32 bị cáo còn lại bị tuyên từ 24 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 5 năm 6 tháng tù. Riêng bị cáo người Nhật từng tham gia nhiều dự án trọng điểm tại Việt Nam, do tuổi cao, thành khẩn khai báo, không có động cơ vụ lợi, thành khẩn nhận tội, hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự và yêu cầu trục xuất theo đường ngoại giao.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139km, từ TP. Đà Nẵng đến TP. Quảng Ngãi. Giai đoạn 1 của dự án dài 65km, từ Đà Nẵng đến TP. Tam Kỳ, Quảng Ngãi, có 8 gói thầu xây lắp. Giai đoạn 2 là hơn 74km, gồm 5 gói thầu xây lắp.

Dự án khởi công ngày 19/5/2013, đến ngày 1/8/2017, dự án đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 65km và ngày 2/9/2018 bắt đầu khai thác nốt giai đoạn 2 với 74,2km. Mặc dù mới sử dụng nhưng đoạn 65km đã xuất hiện nhiều điểm hỏng trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng đến khai thác.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư rất lớn, hơn 34.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không thực hiện đúng quy định về pháp luật xây dựng, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, xảy ra nhiều hư hỏng.

Kết quả giám định tư pháp của cơ quan có thẩm quyền xác định tại nhiều gói thầu của dự án, chất lượng vật liệu nguồn, chất lượng các hạng mục không đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật; yêu cầu thiết kế dự án như: chiều dày, hàm lượng nhựa, độ thấm. Mặt khác, nhiều chỉ số khác như dộ dẻo, dộ mài mòn không đạt yêu cầu; cường độ chịu tải không đảm bảo quy định…

Mặc dù vậy, lãnh đạo VEC và các bên tư vấn, giám sát vẫn đánh giá công trình đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng ý nghiệm thu đưa vào khai thác.

Nhiều quy hoạch ngành giao thông được phê duyệt

Trong năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt nhiều quy hoạch ngành giao thông như quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam có 3 loại. Trong đó, cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng biển loại I có 15 cảng biển, cảng biển loại II có 6 cảng biển, cảng biển loại III có 13 cảng biển. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về đường sắt, đến năm 2030 sẽ quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km. Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050 được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về đường bộ, đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.004km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014km.

Về đường thủy nội địa, quy hoạch 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000km), gồm: miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km; miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043km.

Thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Ngày 4/1, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chính thức thông tuyến sau nhiều năm trì trệ. Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP. HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 50km đi qua vùng đầm lầy, sông nước thuộc tỉnh Tiền Giang. Dự án có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực nên công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và thay đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh còn hơn 12.000 tỷ đồng.

Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo nhà đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; đồng thời chủ động quyết định thời gian hoàn thành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, cùng với UBND tỉnh Tiền Giang khẩn trương xử lý dứt điểm phương án đặt trạm thu phí đối với dự án nêu trên, bảo đảm công tác thu phí hoàn vốn dự án được triển khai khi dự án đưa vào sử dụng; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/1/2022.

Đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo kế hoạch, 2 dự án Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn sẽ hoàn thành tháng 12/2021; 3 dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành tháng 12/2022; các dự án còn lại hoàn thành cuối năm 2023.

Đến nay, cả 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công đều đã khởi công xây dựng, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. Sản lượng thi công của 8 dự án đã đạt hơn 8.933 tỷ đồng, đạt khoảng 25,1% tổng giá trị hợp đồng.

Đối với 3 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đến tháng 7/2021, cả 3 dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Liên quan đến dự án này, mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, các Ban Quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công 3 ca/ngày đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra (đặc biệt là các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022), khuyến khích các nhà thầu hoàn thành công trình trước tiến độ yêu cầu.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tiến độ chi tiết của từng dự án, gói thầu để làm căn cứ kiểm điểm trong Hội nghị giao ban lần tới, trong đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan (trách nhiệm của địa phương trong chậm bàn giao mặt bằng, thiếu mỏ vật liệu; trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà thầu trong tổ chức thi công...); đồng thời nghiên cứu, có cơ chế khuyến khích các nhà thầu làm tốt để ưu tiên (trên cơ sở pháp luật cho phép) khi đấu thầu tham gia các dự án tiếp theo.

Bộ GTVT sẽ chủ trì nhiều đoạn trên cao tốc Bắc - Nam

Tháng 12/2021, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Đáng chú ý là việc Chính phủ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án thay vì giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua triển khai đầu tư xây dựng.

Trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, Chính phủ sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó.

"Trường hợp địa phương không đủ năng lực, kinh nghiệm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trực tiếp thực hiện đầu tư", tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Cũng trong tờ trình này, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 có địa điểm xây dựng là từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa), từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự án sẽ đầu tư khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng, trong đó 47.169 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, phần còn thiếu 72.497 tỷ đồng được cân đối từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội; chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 27.324 tỷ đồng.

Đề xuất nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản gây tranh cãi

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thời gian qua đã đề xuất cho phép nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành diesel DMU đã qua sử dụng khoảng 40 năm của Nhật Bản. Các toa xe này được đối tác của VNR là Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao miễn phí nếu có nhu cầu và Việt Nam sẽ chịu các chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với quy định của Việt Nam.

VNR mong muốn tiếp nhận những toa tàu cũ này với 2 lý do. Thứ nhất, các toa tàu của Nhật cũ nhưng là toa tự hành, sử dụng thuận tiện hơn loại đầu máy toa xe kéo - đẩy truyền thống đang sử dụng tại Việt Nam. Thứ hai, VNR đang có hơn 200 toa xe khách sử dụng quá niên hạn (trên 40 năm) và số lượng này tiếp tục tăng lên mỗi năm. VNR nhận định việc nhập toa xe cũ và cải tạo sẽ tốn ít chi phí hơn đóng mới.

Đề xuất này của VNR sau đó gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Tại buổi họp báo Chính phủ hồi tháng 11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết từ tháng 10/2021, VNR có các văn bản đề nghị các cơ quan liên quan như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải về việc nhập 37 toa xe do Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản tặng.

Các toa tàu này được sản xuất từ năm 1979 - 1982 tuổi thọ cỡ 39 đến 42 năm, như vậy không đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật. Mặt khác, toa tàu của Nhật Bản phù hợp với khổ đường sắt là 1,067m, trong khi khổ đường sắt của ta là 1m, nếu muốn dùng phải hoán cải lại, chi phí dự kiến nếu làm hết khoảng 140 tỷ đồng. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quan điểm không đồng thuận về việc này.

Liên quan đến đề xuất này, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về đề xuất nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản.

Theo đó, Phó thủ tướng không đồng ý nhập khẩu và khai thác 37 toa xe như ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải. Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng quy định của nghị định 65 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Vận tải biển lên ngôi giữa đại dịch

Thị trường vận tải biển phục hồi, giá cước lên cao... là những nguyên nhân chính giúp vận tải biển có một năm thành công. Mặc dù chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020.

Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 184 triệu tấn, tăng 4%; hàng nội địa đạt gần 303 triệu tấn, tăng 5%. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có sự khởi sắc trong đại dịch, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020.

Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt hơn 3 triệu TEUs, tăng tới 12% so với năm trước. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời...

Đặc biệt, ông Việt thông tin, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có nhịp tăng trưởng hiếm có, tăng tới 54% (đạt gần 5 triệu tấn) so với năm 2020. Các mặt hàng chủ yếu vận tải trên các tuyến đi: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu.

Nhờ có sự đột phá về cảng biển, Việt Nam đã có năng lực đón những tàu mẹ thuộc hàng lớn nhất trên thế giới trong năm vừa qua, chúng ta cũng có được tuyến vận tải biển xa từ các cảng cửa ngõ như Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải đi bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ, châu Âu... để hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp trên các tuyến vận tải biển đi khắp thế giới.

Bên cạnh đó, việc khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả đã giúp Việt Nam thu hút được khoản đầu tư rất lớn từ xã hội hóa lên tới 84% trong tổng số 250.000 tỷ đồng kinh phí dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải trong 10 năm vừa qua.

Cùng chuyên mục
Tin khác