10 sự kiện nổi bật của ngành ô tô Việt Nam năm 2021

Bảo Minh - 19/12/2021 08:59 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2021 tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với ngành ô tô trong nước trước những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong năm qua Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành nhiều chính sách mới nhằm tạo động lực để thị trường ô tô “vực dậy”.

VNF

1. Chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước

Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.

Theo lý giải, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi còn rất thấp. Mục tiêu đề ra vào năm 2020 đạt từ 30% đến 40%, năm 2025 lên từ 40% đến 45% và năm 2030 đạt từ 50% đến 55%, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng từ 7 đến 10%.

Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe,…

Ðể phục vụ lắp ráp ô tô, các hãng xe trong nước phải nhập khẩu hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái,… khiến chi phí sản xuất thiếu cạnh tranh. Ðây chính là lý do khiến các hãng xe ít mặn mà với việc lắp ráp, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế lệ phí trước bạ sẽ là một động lực cho ngành sản xuất ô tô trong nước tăng trưởng và hạn chế ô tô nhập khẩu.

2. Ô tô điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam chính thức ra mắt

Tháng 10/2021, Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ VinFast chính thức ra mắt mẫu ô tô điện thông minh đầu tiên tại thị trường Việt Nam - VF e34. Xe được định  vị là mẫu SUV hạng C, nằm chung phân khúc với Mazda CX-5, Hyundai Tucson. Xe có giá bán 690 triệu đồng.

Xe điện VinFast VF e34 đầu tiên do hãng xe nội địa sản xuất được trang bị động cơ điện lấy từ nguồn pin 42 kWh, có công suất tối đa 147 hp và mô-men xoắn cực đại 242 Nm.

Quãng đường đi được trong một lần sạc đầy vào khoảng 285km, có thể điều chỉnh để đạt khoảng 300km trong tương lai. Xe được trang bị hỗ trợ sạc siêu nhanh khoảng 18 phút di chuyển được khoảng 180 km.

Đáng chú ý, VinFast VF e34 được trang bị trợ lý ảo Vivi sử dụng tiếng Việt, cho phép người lái điều khiển bằng khẩu lệnh “Hey VinFast” với các tác vụ như: gọi điện thoại rảnh tay, kiểm tra tình trạng pin, chỉnh điều hòa, thay đổi bài hát...

3. Ô tô điện chạy pin sẽ được giảm 100% lệ phí trước bạ

Theo kết quả tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý về dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cho biết đã có 31 đơn vị  (11 bộ, ngành và 20 địa phương) có ý kiến đều nhất trí với dự án sửa đổi, bộ sung của Nghị định 140.

Theo đó, trên cở sở ý kiến tham gia, để góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe ô tô điện chạy pin, đảm bảo cung ứng xe ô tô chạy pin cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời góp phần khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện chạy pin, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn thiện tại dự thảo Nghị định phương án quy định mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày Nghị định có hiệu lực và bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại có cùng số chỗ ngồi trong vòng 2 năm tiếp theo.

Đối với các dòng xe hybrid, xe hybrid sạc ngoài thuần điện, xe điện sử dụng nhiên liệu hydro sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi này. Theo Bộ Tài chính, 2 loại xe hybrid và xe hybrid sạc ngoài vẫn di chuyển chủ yếu bằng động cơ đốt trong, song song tận dụng các lợi ích từ cụm truyền động điện gồm một mô tơ điện với pin. Theo đó, việc sử dụng 2 loại xe này vẫn gây ra ô nhiễm môi trường như các loại xe chạy bằng xăng khác.

4. Thêm một cảng biển được nhập khẩu ô tô về nước

Tại Thông tư 21/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi. Ngoài 5 cảng biển trước đây, ô tô dưới 16 chỗ thời gian tới sẽ được phép nhập về Việt Nam qua cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) kể từ ngày 24/1/2022.

Theo Thông tư này, 6 cảng biển được phép nhập khẩu ô tô gồm: Cái Lân (Quảng Ninh), Hải Phòng, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, TP. HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thông tư 21/2021/TT-BCT cũng nêu rõ quy định 6 cảng biển được nhập khẩu ô tô không áp dụng với xe tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp, tổ chức được hưởng quyền miễn trừ theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng.

Cùng đó là các loại xe nhập cho mục đích quốc phòng, an ninh; xe tạm nhập để trưng bày tại các hội chợ, triển lãm hoặc nhập về nhằm nghiên cứu thử nghiệm; xe quá cảnh với các nước có chung đường biên giới và kinh doanh chuyển khẩu... cũng không bắt buộc phải nhập khẩu qua 6 cảng biển này.

Thông tư này thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BCT ngày 25/3/2019 của Bộ Công Thương quy định cửa khẩu nhập khẩu ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi.

5. Gia hạn 4.400 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe lắp ráp trong nước

Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã soạn thảo dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2021, áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Theo đó, phương án đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ kỳ tính thuế tháng 10 đến kỳ tính thuế tháng 11/2021, tổng số tháng gia hạn là 2 tháng. Tổng số thuế được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.

Cụ thể, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11/2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.

Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

6. Hủy triển lãm ô tô Việt Nam 2021

Triển lãm ô tô Việt Nam vốn được xem là “sàn diễn” lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam, giúp kết nối khách hàng, giới thiệu sản phẩm mới để phục vụ cho mục địch bán hàng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát khiến ban tổ chức triển lãm ô tô Việt Nam 2021 (Vietnam Motor Show 2021 -VMS) phải ra thông báo không tổ chức VMS 2021 (lịch cố định diễn ra vào tháng 10 hàng năm).

Theo công bố từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA), Vietnam Motor Show 2021 đã có 12 thương hiệu ô tô xác nhận tham gia gồm: Audi, Ford, Honda, Jeep, Mercedes-Benz, Mitsubishi Motors, MG, Subaru, Suzuki, Toyota, Volkswagen và Volvo... 

Dự kiến các thương hiệu này sẽ có thể tiếp tục đồng hành với Vietnam Motor Show năm tới và liên minh ATFA - Vinalink sẽ tiếp tục được chỉ định làm đơn vị đồng tổ chức cho Vietnam Motor Show 2022.

7. VinFast rao bán trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang ở Australia

Vào tháng 8/2021, một tờ báo nước ngoài đã đăng tải thông tin nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast sẽ ngừng hoạt động ở trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang, sau khi mua bãi thử này với giá hơn 35 triệu USD vào tháng 9/2020.

Theo lý giải của nhà sản xuất ô tô Việt Nam, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên công ty phải tập trung hoạt động nghiên cứu, phát triển về Việt Nam để đảm bảo tốc độ phát triển xe.

Được biết, cơ sở này đã đóng cửa vào cuối tháng 9/2021 và tại đây vẫn giữ lại một nhóm nhỏ công nhân ở lại để hoạt động cầm chừng cho tới khi tìm được người mua mới.

Lang Lang là một trong những t rung tâm thử nghiệm ô tô lâu đời và hiện đại bậc nhất thế giới, thuộc của GM Holden. Trung tâm có tổng diện tích 872 ha, sở hữu hệ thống đường thử dài hơn 44 km, mô phỏng đa dạng loại địa hình trên thực tế. Trong đó, trung tâm này có 4,7 km đường thử hình tròn mới được nâng cấp, cùng 18 km hàng rào bao quanh để đảm bảo bí mật cho các bài kiểm thử.

8. Hàng loạt mẫu xe ngừng bán tại Việt Nam

Năm 2021, nhiều hãng xe trong nước phải thông báo ngừng bán một số mẫu xe với nhiều lý do như: doanh số thấp, bị khách hàng trong nước “quay lưng”, thiếu nguồn cung do ảnh hưởng của dịch Covid-19,…

Theo đó, Ford Việt Nam cho biết hãng sẽ ngừng sản xuất mẫu xe MPV cỡ lớn Tourneo kể từ tháng 6/2021.

Ford Tourneo ra mắt khách hàng Việt vào tháng 9/2019 với 2 phiên bản, có giá bán từ 999 triệu đồng đến 1,069 tỉ đồng. Tourneo với thiết kế theo phong cách xe MPV 7 chỗ, được Ford hướng đến nhóm khách hàng chính là các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, du lịch và những gia đình nhỏ.

Cùng với mẫu Tourneo, Ford Việt Nam hiện cũng đang ngừng bán mẫu SUV hạng sang cỡ lớn Explorer. Lý do chính của việc tạm ngừng bán là chờ đợi thế hệ mới về nước, dự kiến sẽ ra mắt vào quý I/2022.

Tiếp đến là thương hiệu Suzuki Việt Nam thông báo tạm ngừng bán mẫu sedan hạng B Ciaz. Nhà phân phối lý giải rằng việc tạm dừng này để nhập khẩu Ciaz đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, phiên bản cũ đạt tiêu chuẩn euro 4.

Tuy nhiên, một trong những lý do chính có thể bắt nguồn từ việc người tiêu dùng trong nước “quay lưng” khiến doanh số xe bán ra quá thấp, cộng thêm vào đó là những “điểm trừ” từ chính Ciaz trước các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc.

9. Hãng xe Mercedes-Benz giữ kỷ lục triệu hồi xe trong năm 2021

Năm 2021, thương hiệu ô tô “ngôi sao 3 cánh” Mercedes-Benz nắm giữ ngôi vị là hãng xe sang có nhiều đợt triệu hồi xe lỗi với số lượng lớn và ảnh hưởng tới hầu hết các dòng xe dang bán trên thị trường.

Đỉnh điểm chỉ tính riêng trong tháng 10/2021, Mercedes-Benz Việt Nam phải tiến hành 2 đợt triệu hồi để khắc phục lỗi. Đợt triệu hồi thứ nhất ảnh hưởng tới hai mẫu xe là GLC 200 và GLC 300 do liên quan tới lỗi cảm biến va chạm cở cửa trước. 

Đợt triệu hồi lần 2 liên quan tới mẫu xe C200, được sản xuất, lắp rắp trong giai đoạn từ tháng 12/2014 đến tháng 2/2018. Nguyên nhân của đợ triệu hồi liên quan tới hộp điều khiển động cơ (ECU) bị lỗi.

Tới tháng 11/2021, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng phê duyệt cùng lúc 2 chương trình triệu hồi đối với nhiều mẫu xe khác nhau của thương hiệu “ngôi sao 3 cánh” Mercedes-Benz.

Theo đó, đợt triệu hồi lần thứ nhất liên quan tới các mẫu xe Mercedes-Benz sản xuất, lắp ráp trong nước bị triệu hồi lần này với tổng số 3.582 chiếc, gồm các mẫu xe như: C200, C200K, C230, C250, C300, GLK 280, GLK 300, E300 có thời gian sản xuất từ tháng 8/2007 đến tháng 8/2012.

Đợt triệu hồi lần thứ 1 ảnh hưởng tới 184 chiếc, được Mercedes-Benz nhập khẩu về nước gồm: A170, A200, GL450 4MATIC, ML350 4MATIC, R280, R300, R350, R500 4MATIC, E350, C200 CGI, có thời gian sản xuất từ tháng 12/2004 đến tháng 2/2012.

Cả hai đợt triệu hồi đều liên quan tới lỗi nằm ở cụm túi khí trên vô lăng lái và cụm túi khí phía trước ghế hàng khách phía trước.

10. Nhiều “tân binh” gia nhập thị trường ô tô Việt Nam

Trong năm 2021, Thaco Trường Hải dẫn đầu toàn thị trường khi mở bán nhiều mẫu xe hoàn toàn mới tới khách hàng Việt. Cụ thể, vào tháng 4/2021 Thaco ra mắt 2 mẫu xe mới là CX-30 và CX-3. Trong đó, mẫu xe CX-3 được hãng định vị nằm ở phân khúc SUVA đô thị cỡ nhỏ, cạnh tranh trực tiếp với Hyundai Kona, Ford Ecosport.

Tới tháng 7/2021,Thaco tiếp tục ra mắt mẫu xe hoàn toàn mới Kia Seltos. Xe có 3 phiên bản gồm: Deluxe, Luxury, Premium với 9 lựa chọn về màu sắc, có mức giá từ 599 đến 719 triệu đồng cùng hai lựa chọn động cơ 1.4 tăng áp và 1.6.

Tháng 10/2021, Thaco lại bốung vào dải phẩm của mình bằng “tân binh” Kia Sonet. Mẫu xe này bán ra với 4 phiên bản, giá từ 499 đến 609 triệu đồng.

Thương hiệu xe Toyota Việt Nam cũng mở màn năm 2021 bằng mẫu xe hoàn mới là Raize – đối thủ cạnh tranh với Kia Sonet. So với đối thủ cạnh tranh, Raize bán ra với một phiên bản, giá 527 triệu đồng. Đây là mẫu xe thuộc phân khúc crossover đô thị cỡ nhỏ, hướng đến khách hàng trẻ tuổi.

Xem thêm: Toyota Camry 2022 ra mắt khách hàng Việt, thêm phiên bản hybrid giá hơn 1,4 tỷ đồng

Cùng chuyên mục
Tin khác