Thị trường

Vietracimex muốn lấy đất rừng làm dự án điện gió ở Bình Thuận

(VNF) - Công ty Cổ phần Năng lượng Hoà Thắng, thành viên của Vietracimex, muốn chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và rừng phòng hộ để thực hiện dự án nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại Bình Thuận với công suất 100MW.

Vietracimex muốn lấy đất rừng làm dự án điện gió ở Bình Thuận

Dự án điện gió ở Bình Thuận (ảnh minh họa)

Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận mới đây đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Năng lượng Hoà Thắng yêu cầu giải trình về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên và rừng phòng hộ để thực hiện dự án nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2.

Sở Công Thương yêu cầu công ty làm rõ tính cấp thiết của dự án nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 để có cơ sở cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên (28,52ha) sang mục đích khác theo quy định tại khoản 2, điều 14, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: "Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt".

Đồng thời yêu cầu đơn vị làm rõ mục đích sử dụng diện tích đất rừng tạm thời của dự án; thời hạn sử dụng, có hay không việc chặt cây rừng trong diện tích đất sử dụng tạm thời; việc cần thiết phải chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đối với phần diện tích đất sử dụng tạm thời.

Công ty Năng lượng Hoà Thắng cũng cần trả lời cho Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận biết, vòng đời, công nghệ sử dụng, tính hiệu quả của dự án.

Đây là những nội dung đã được Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận nêu ra trong kết luận cuộc họp ngày 26/2/2020, yêu cầu làm rõ các căn cứ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Dự án nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 có công suất 100MW nằm tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận của Công ty Năng lượng Hòa Thắng. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh (quy hoạch điện VII điều chỉnh) tại Công văn số 179/TTg-CN ngày 22/11/2017.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung quy hoạch phương án đấu nối dự án vào hệ thống điện quốc gia tại Quyết định số 1183/QĐ-BCT ngày 9/4/2018.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 17/4/2017, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư vào ngày 17/1/2019 chấp thuận cho Công ty Năng lượng Hòa Thắng đầu tư xây dựng dự án.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, dự án phải thực hiện và đưa vào vận hành giai đoạn 2020-2022 và theo yêu cầu của tỉnh Bình Thuận phải đưa vào vận hành vào quý I/2022.

Vietracimex của doanh nhân Võ Nhật Thăng

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Năng lượng Hoà Thắng là thành viên của Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex).

Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và đại diện pháp luật. Vietracimex từng là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trực thuộc Bộ Giao thông vận tải). Sau khi cổ phần hóa, ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959) đã thâu tóm 93,37% cổ phần và lập ra nhiều công ty con.

Cụ thể, Vietracimex đang sở hữu loạt công ty con, hoạt động chủ yếu ở 4 mảng chính là bất động sản; sản xuất công nghiệp; năng lượng và thương mại dịch vụ.

Trong đó, 3 công ty con mang tên ông Thăng gồm: Công ty Cổ phần Nhật Thăng VNT6, Công ty Cổ phần Nhật Thăng VNT7, Công ty Cổ phần Nhật Thăng VNT10.

Ngoài ra còn có các công ty khác như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng); Công ty Cổ phần Bột giấy VNT19 (sở hữu nhà máy bột giấy VNT19 tại Quảng Ngãi); Công ty Cổ phần Trung Đức; Công ty Cổ phần Vietracimex Hà Giang (chủ đầu tư dự án Thủy điện Bắc Mê)...

Hiện nay, Vietracimex đang sở hữu một loạt dự án bất động sản quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Có thể kể đến như dự án khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng); dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.000 tỷ đồng)...

Đáng chú ý, Vietracimex cũng được biết đến là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Dấu ấn trong lĩnh vực năng lượng

Những năm trở lại đây, công ty của doanh nhân Võ Nhật Thăng liên tục mở rộng hoạt động, đầu tư các dự án mới về lĩnh vực năng lượng. Điển hình là dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) có công suất 150MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 207ha.

Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong của Vietracimex.

Dự án này chính thức hoà lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019 và kịp hưởng ưu đãi của Chính phủ theo Quyết định 11/2017 của Thủ tướng.

Cũng tại xã Hồng Phong, Vietracimex còn một dự án điện mặt trời nữa là Hồng Phong 1B có công suất 100MW, tổng vốn đầu tư 2.832 tỷ đồng và cũng hoà lưới điện trong tháng 6/2019.

Ngoài điện mặt trời, Vietracimex cũng để lại dấu ấn trong lĩnh vực thủy điện và nhiệt điện khi đưa vào vận hành nhà máy thuỷ điện Tà Thàng tại Lào Cai có công suất 60MW, vốn đầu tư 2.147 tỷ đồng; nhà máy thuỷ điện Bắc Mê công suất 45MW, vốn đầu tư 2.394 tỷ đồng và cuối năm 2018, phát điện nhà máy thuỷ điện Đạ Dâng - Đa Chomo công suất 24MW, vốn 653 tỷ đồng tại Lâm Đồng.

Chưa dừng lại đó, vào hồi tháng 4/2019, Vietracimex còn vượt qua đối thủ “nặng ký” là Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco 2), được Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng giao thực hiện dự án nhiệt điện Ô Môn II với công suất 750MW, tổng mức đầu tư 26.310 tỷ đồng (trong đó 20% là vốn chủ sở hữu và 80% là vốn vay thương mại).

Dự án này được thực hiện bởi liên danh Vietracimex – Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản). Bên cạnh đề nghị giao dự án cho liên danh này, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh công suất dự án thành 1.050MW và tiến độ vận hành là năm 2023 - 2024.

Với nhu cầu vốn đối ứng 5.262 tỷ đồng, Vietracimex tự tin đảm bảo khả năng thu xếp nguồn vốn mà không cần sự bảo lãnh của Chính phủ, nhờ các nguồn thu từ những dự án đã đi vào hoạt động.

Bộ Công Thương dự kiến dòng tiền mà Vietracimex thu về từ các dự án đang hoạt động năm 2020 rơi vào khoảng 1.428,8 tỷ đồng, trong đó chi cho Ô Môn II là 789,3 tỷ đồng. Năm 2021, tổng dòng tiền thu vào là 1.677 tỷ đồng, chi cho Ô Môn II là 1.578,6 tỷ đồng. Năm 2022, tổng dòng tiền thu vào là 2.058,7 tỷ đồng, chi cho Ô Môn II là 2.104,8 tỷ đồng. Năm 2023, tổng dòng tiền thu vào là 1.509,5 tỷ đồng, cho cho Ô Môn II là 789,3 tỷ đồng.

Còn lại, khoản vốn vay 21.048 tỷ đồng của Vietracimex đã được Ngân hàng ING của Hà Lan đồng ý hỗ trợ.

Tin mới lên