Bất động sản

Vinaconex: Khởi đầu mô hình khu đô thị kiểu mẫu

(VNF) - Ra đời đầu những năm 2000, Trung Hòa – Nhân Chính là khu đô thị hiện đại nhất lúc bấy giờ, trở thành một hình mẫu để các chủ đầu tư khác noi theo. Sự thành công của dự án đã tạo ra bước ngoặt rất lớn cho Vinaconex, đưa doanh nghiệp này thành nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Vinaconex: Khởi đầu mô hình khu đô thị kiểu mẫu

Vinaconex: Khởi đầu mô hình khu đô thị kiểu mẫu

Từ “zero” đến “hero”

Phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, 35 năm trước là nơi “đóng quân” của một công ty có tên “Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài”. Công ty được Bộ Xây dựng lập ra để làm nhiệm vụ quản lý hơn 13.000 cán bộ, công nhân ngành xây dựng làm việc ở các nước Bungaria, Nga, Tiệp Khắc, Liên Xô, Iraq.

Khi ấy, toàn công ty chỉ có 6 – 7 anh em, do ông Vũ Khoa – người được điều từ Licogi sang, làm chủ tịch kiêm giám đốc. “Khi thành lập, chúng tôi không có gì ngoài một tờ quyết định, không có tiền, không có phương tiện, không có gì hết. Bản thân tôi nếu không phải là giám đốc Licogi thì cũng không có chỗ mà ngồi”, ông Khoa hồi ức.

Bí bách, ông Khoa bàn với các anh em đi buôn xe máy cũ để kiếm vài đồng chênh lệch. Và ở đâu có bất cứ công việc gì, từ sửa cái sân, lợp lại cái mái bị dột đến dựng cái gara để xe, 6 – 7 anh em đều kéo nhau đi làm, không hề than vãn, kén chọn. “Chúng tôi cố gắng có đủ tiền để ăn, để đưa lao động đi làm việc. Đó là giai đoạn gian nan nhất nhưng cũng rất ấm áp, vì anh em đoàn kết, thương yêu nhau”, ông Khoa nói.

Trải qua vài năm đầu dựng nghiệp, ông Khoa có suy nghĩ cần phải làm “điều gì đó lớn lao hơn” chứ không chỉ thuần túy quản lý lao động. “Do đó, tôi báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng là sẽ thành lập công ty xây dựng và xuất nhập khẩu”. Đây là nguồn cơn để tháng 8/1991, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký quyết định chuyển Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài thành Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (viết tắt là Vinaconex), hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

“Chúng tôi muốn phát triển và đưa ngành xây dựng Việt Nam đi ra nước ngoài, tương tự như ngành xây dựng của Hàn Quốc. Tôi ngồi vẽ lô-gô cho công ty, gồm một quả địa cầu, giữa mặt đứng của quả địa cầu có một chữ S biểu tượng cho Việt Nam, và một vạch cắt ngang quả địa cầu ghi tên Vinaconex. Lô-gô đó thể hiện cho ý chí tiến ra nước ngoài, làm xây dựng trên toàn thế giới”, ông Khoa kể lại.

Đến năm 1995, Vinaconex chuyển sang mô hình tổng công ty 90, tiếp nhận thêm một số công ty xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng về. Lúc này, công ty đã hoạt động trên một phạm vi rất rộng từ xây dựng, xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ ngành xây dựng và các ngành kinh tế khác đến đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất xây dựng và các ngành kinh tế khác.

Sau khi chứng kiến sự thành công của HUD trong việc phát triển các dự án nhà ở, lãnh đạo Vinaconex nhận thấy tiềm năng rất lớn của lĩnh vực này. Vậy là một kế hoạch tiến vào mảng bất động sản được vạch ra. Năm 1999, công ty chính thức ghi tên mình vào danh sách các nhà phát triển bất động sản Thủ đô với việc triển khai dự án khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính ở phía tây Hà Nội.

Trung Hòa – Nhân Chính, khu đô thị có quy mô 30ha, khi xuất hiện trên thị trường đã gây nên một sự choáng ngợp vì quy hoạch hiện đại, đồng bộ vào hạng nhất bấy giờ. Đây cũng là quần thể cao tầng đầu tiên của Hà Nội. “Vinaconex dám làm một dự án như vậy là cả một sự tự tin rất lớn.

Chúng tôi đã làm ngày làm đêm, liên tục trong 3 năm. Là công trình mang lại tự hào cho người Vinaconex, thành công của Trung Hòa – Nhân Chính đã mở ra thời kỳ rực rỡ của công ty, khiến thương hiệu Vinaconex từ đó được gắn trên hàng trăm công trình”, kiến trúc sư Ngô Anh Đức bồi hồi.

Bay cao

Những năm đầu thế kỷ XXI, cùng với Trung Hòa – Nhân Chính, Vinaconex cũng vang danh nhờ việc thi công những công trình trọng điểm quốc gia, như sân vận động quốc gia Mỹ Đình (2002 – 2003), Trung tâm hội nghị quốc gia (2004 – 2006)…

Thành công lớn khiến Vinaconex trở thành một điển hình trong nhóm doanh nghiệp quốc doanh. Vì vậy, tháng 5/2004, Vinaconex đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm cổ phần hóa toàn tổng công ty.

2 năm sau ngày ấy, đại hội đồng cổ đông thành lập Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã được tiến hành. Và thêm 2 năm nữa, Tổng công ty chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã cổ phiếu VCG (viết tắt của Vinaconex Group).

Bản cáo bạch niêm yết năm 2008 của Vinaconex cho thấy giai đoạn ấy, Tổng công ty đã và đang thực hiện những công trình rất lớn như: Bảo tàng Hà Nội (được trả đất đối ứng là khu đất 5ha đông nam Trần Duy Hưng mà sau nhiều lần chuyển nhượng, đã trở thành dự án D’Capitale), đại lộ Thăng Long, khách sạn Hanoi Plaza, trường THPT Hà Nội – Amsterdam, thủy điện Buôn Kuốp, thủy điện Buôn Tua Srah, hồ Cửa Đạt… Đáng chú ý là các dự án bất động sản như: đô thị Kim Văn Kim Lũ giai đoạn 1, dự án 310 Minh Khai, chung cư Ngô Thì Nhậm…

Đến năm 2010, danh mục dự án bất động sản được mở rộng thêm: nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Bắc Phú Cát, khu nhà ở sinh viên Đại học Quốc gia TP. HCM, nhà ở xã hội Vinaconex Đà Nẵng, nhà ở sinh viên Mỹ Đình II, nhà ở xã hội tại Thái Bình, dự án khu đô thị tại Tây Mỗ - Đại Mỗ (về sau bán lại cho Vingroup làm Vinhomes Smart City), dự án cụm nhà ở tại 423 Minh Khai (về sau M.I.K Group mua lại để phát triển thành Imperia Sky Garden), khu đô thị mới phía nam cầu Trần Thị Lý, Đà Nẵng…

Năm 2011, Vinaconex để lại thêm dấu ấn ở các dự án: ParkCity Hanoi (về sau thoái vốn cho nhà đầu tư Malaysia), Vinata Tower, cải tạo chung cư cũ Thượng Đình…

Những hoạt động mạnh mẽ trong mảng bất động sản và xây dựng đã giúp Vinaconex đạt đến đỉnh cao doanh số trong thời kỳ này. Từ 2007 tới 2010, doanh thu của Tổng công ty liên tục tăng trưởng, đạt đỉnh hơn 15.000 tỷ đồng (2010). Từ năm 2011 tới 2013, doanh thu có sự sụt giảm, mỗi năm lùi khoảng 1.000 tỷ đồng, song vẫn neo trên ngưỡng 10.000 tỷ đồng, khẳng định vị thế doanh nghiệp xây dựng – bất động sản hàng đầu tại Việt Nam.

Dự án Green Diamond

Thay máu

Năm 2014, lần đầu tiên doanh thu của Vinaconex lùi xuống ngưỡng 8.000 tỷ đồng kể từ năm 2007. Bước lùi khá lớn này tiếp diễn tới tận năm 2016, phản ánh những trục trặc của Tổng công ty trong giai đoạn mà thị trường bất động sản hồi sinh sau cuộc khủng hoảng 2011 – 2013.

Trong giai đoạn này, mảng bất động sản của Vinaconex chỉ có một số dự án đáng kể như: cải tạo chung cư cũ 97 – 99 Láng Hạ, xây dựng hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc, xây dựng chung cư 2B Vinata…

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, một dấu mốc quan trọng là dự án Bắc An Khánh (tức Splendora – một liên danh 50/50 của Vinaconex và Posco E&C, mà về sau Phú Long đã thay vị trí của Posco E&C) đã tái khởi động sau nhiều năm “bất động”, bằng việc xây dựng khu biệt thự Lakeside Splendora (BT5).

Trong cùng năm này, Vinaconex xây dựng dự án 25 Nguyễn Huy Tưởng và dự án Green Diamond (93 Láng Hạ). Những động thái tích cực nêu trên đã góp phần quan trọng để một lần nữa đưa doanh số của Vinaconex quay lại ngưỡng 10.000 đồng tỷ đồng.

2017 cũng là năm đánh dấu cho quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ của Vinaconex. Từ năm này, Tổng công ty đã thành lập 2 công ty con nòng cốt hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản là Vinaconex CM và Vinaconex Invest.

Các chuyển đổi này có thể xem như bước chạy cuối cùng để năm 2018, Vinaconex chính thức đổi chủ. Tháng 12/2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Vietttel) đã chuyển nhượng thành công toàn bộ vốn sở hữu tại Vinaconex cho Công ty An Quý Hưng và Công ty bất động sản Cường Vũ. Ông Đào Ngọc Thanh, tổng giám đốc Vihajico (chủ đầu tư dự án Ecopark), đại diện cho cổ đông lớn An Quý Hưng trở thành chủ tịch HĐQT. Vinaconex chính thức trở thành doanh nghiệp tư nhân.

Chuyên sâu

Công cuộc tái cơ cấu trong nhiều năm và việc “thay máu” năm 2018 đã mở ra một chương mới trong hoạt động của Vinaconex, với bất động sản trở thành một trong hai nòng cốt.

Sau năm 2018, Vinaconex tiếp tục triển khai: 25 Nguyễn Huy Tưởng, 2B Vinata, 97-99 Láng Hạ, 93 Láng Hạ, đồng thời mở rộng danh mục dự án với: chung cư D9 Thanh Xuân, khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài (tại Quảng Ninh), khu đô thị Cái Giá Cát Bà, khu đô thị mới Thiên Ân, dự án bãi tắm Hạ Thanh – Tam Kỳ, Quảng Nam, khu tổ hợp nghỉ dưỡng condotel resort ven biển Tuy Hòa (Phú Yên), khu đô thị Đồi chè – Quảng Ninh, khu công nghiệp Đông Triều – Quảng Ninh, khu sinh thái tâm linh biển hồ Phú Yên.

Năm 2020, Vinaconex chuyển sàn HoSE. Cùng năm đó, công ty khởi động dự án Cát Bà Amatina quy mô 172ha tại huyện đảo Cát Bà và ghi thêm vào danh mục: khu dân cư đô thị Km3 Km4 phường Hải Yên, Móng Cái, Quảng Ninh; công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn cao cấp tại ô đất CCKV, khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ; dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2 tại 93 Láng Hạ.

Vinaconex cho biết với quỹ đất hiện tại lên đến gần 2.000ha tại nhiều địa phương, công ty đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển được quỹ đất dự án trên 5.000ha, nằm trong tốp 10 nhà đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam.

Những bước chuyển mình hậu kỳ đổi chủ đã giúp Vinaconex lấy lại được phần nào “phong độ”. Sau những năm tháng suy giảm vì dịch bệnh, tới 2022, doanh thu của công ty đã trở lại ngưỡng 8.000 tỷ đồng. Giới chuyên môn nhìn nhận với nguồn lực tốt, kinh nghiệm dồi dào và thương hiệu mạnh, ngày Vinaconex trở thành một “gã khổng lồ” của thị trường bất động sản Việt Nam cũng không còn quá xa.

Tin mới lên