Vinasun ‘tố’ Bộ Giao thông vận tải lên Bộ trưởng Bộ Công Thương

Lệ Chi - 01/08/2018 16:53 (GMT+7)

(VNF) - Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng Bộ Giao thông vận tải không đảm bảo cơ sở thực tiễn, khoa học và khách quan, cố tình bảo vệ và đánh giá sai lệch về Đề án thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử và Công ty TNHH Grab Taxi theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.

VNF
Vinasun ‘tố’ Bộ Giao thông vận tải cố tình bảo vệ và đánh giá sai lệch về Đề án thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử và Công ty TNHH Grab Taxi

Theo Vinasun, GrabTaxi là mô hình công ty thu hút đầu tư, chịu lỗ để làm thị trường, nhận rất nhiều nguồn tài chính từ Didi Chuxing Trung Quốc, Softbank Nhật Bản…

Vinasun cũng cho rằng sự tăng trưởng nhanh đến bất thường của số xe Grab là do Đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải được triển khai.

Công ty này cho biết quỹ đất dành cho giao thông tại TP. HCM rất thấp. Tính đến hết năm 2016, tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.155km, đạt mật độ 1,98 km/km2 (theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam phải đạt 10-13,3km/km2). Diện tích đất dành cho giao thông khoảng 7.841ha (theo quy hoạch cần đạt 22.305ha). Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 8,5% (theo quy hoạch đạt 22,3%).

Vốn ngân sách hàng năm để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong những năm gần đây tăng cao nhưng tình hình ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn, dù đã có nhiều giải pháp như xây dựng mới nhiều cầu vượt, phân luồng. ..

Vinasun cho rằng nguyên nhân chính là do các phương tiện tham gia giao thông tăng quá nhanh trong khi diện tích mở rộng đường và đường làm mới tăng chậm.

Cụ thể, với định hướng phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe ô tô cá nhân, TP. HCM đã ban hành văn bản số 2172/SGTVT-VTCN ngày 16/4/2010 về việc tổ chức thực hiện các biện pháp tạm thời để quản lý hoạt động vận chuyển khách hàng xe taxi trên địa bàn TP. HCM.

Theo đó, từ ngày 1/6/2010, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi tại TP. HCM không được tăng số lượng phương tiện, mà chỉ được thay thế một xe cũ bằng một xe mới. Số lượng xe taxi bị khống chế dưới 12.654 xe theo quy hoạch giao thông thành phố đến năm 2020.

Thời điểm này, xe hợp đồng - một hình thức chuyên chở hành khách dựa trên hợp đồng giấy được ký kết giữa người vận tải và người thuê vận tải - chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số lượng phương tiện tham gia kinh doanh.

Tuy nhiên, sau khi Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định 24 phê duyệt Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, số lượng xe đăng ký kinh doanh theo hình thức xe hợp đồng đã tăng đột biến từ 177 xe (thời điếm năm 2014) lên hơn 34.562 xe (cuối năm 2017), đẩy số lượng phương tiện tham gia thị trường vận tải bằng ô tô dưới 9 chỗ tại TP. HCM lên tới hơn 44.167 xe vào thời điềm cuối năm 2017.

"Trước khi có đề án thí điểm trên, tại TP. HCM xe hợp đồng là xe hợp đồng, nhưng sau khi có đề án này lại ra đời mô hình xe hợp đồng điện tử, mô hình có duy nhất tại Việt Nam".

Theo Vinasun thống kê, chỉ riêng số xe của Grab tại TP. HCM đã tăng trưởng một cách bất thường. Cụ thể, năm 2016 số lượng xe Grab tăng lên 12.151 xe; tháng 10/2017 tăng 17.080 xe; tháng 12/2017 tăng 18.801 xe; tháng 3/2018 số lượng xe Grab tăng 34.880 xe.

“Hợp đồng điện tử là khái niệm vận tải taxi bị đánh tráo, bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là dịch vụ vận tải taxi”, văn bản của Vinasun gửi Bộ trưởng Công Thương cho hay.

Theo Vinasun, sử dụng dịch vụ Grab, Uber nhưng người tiêu dùng không thể tìm ra được nội dung hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mỗi chuyến đi. Câu hỏi ai ký với ai, nội dung hợp đồng như thế nào, hợp đồng lưu với ai cũng không thể tìm ra. Không chỉ người dùng, cả hai hãng Uber, Grab tại các hội nghị và sau các hội nghị đều không đưa ra được hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mọi người xem.

"Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết chứ không phải là mô hình kinh doanh và không đúng quy định về xe hợp đồng. Hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 59/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.

"Tăng trưởng xe khủng, trung bình Grab khuyến mãi 2,3 tỷ đồng/ngày. Điều này cho thấy mục tiêu lũng đoạn thị trường, lách luật, tiêu diệt doanh nghiệp Việt Nam, chèn ép người lao động đã rất rõ ràng. Các lý giải số lượng xe tăng do cầu tăng và lý giải thí điểm không cần khống chế số lượng là không có cơ sở khoa học toàn diện", Vinasun hàm ý.

>>> Xem thêm: Thí điểm Grab – Uber bị ‘tố’ có nhiều khuất tất, Bộ GTVT nói gì?

Cùng chuyên mục
Tin khác