Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914 tại Hà Nội. Năm 18 tuổi, bà Hoàng Thị Minh Hồ lập gia thất với ông Trịnh Văn Bô, được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi.
Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914, là con út trong gia đình 3 anh chị em. Thân sinh là cụ Trịnh Phúc Lợi, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20. Mẹ ông họ Phan, người gốc Hoa, về sau cùng chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Cậu ruột cũng là chủ một hiệu buôn. Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, cha ông còn là thầy của nhiều doanh nhân nổi danh như Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (hiệu Lợi Hòa)...
Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, qua sự giới thiệu của ông Vũ Đình Huỳnh, ông bà Trịnh Văn Bô đã dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm nơi làm việc. Ngay trong ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong cuộc vận động Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng cho cách mạng.
Hai ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ khi còn trẻ
Ngoài ra, vợ chồng thương nhân Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong ban vận động Tuần lễ vàng, khích lệ giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng.
Khi thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương, bà Minh Hồ dẫn hơn chục hành viên trong gia đình tản cư lên Cao Bằng, còn ông Trịnh Văn Bô công tác trong chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc. Đến ăm 1955, gia đình ông bà trở về Hà Nội. Ông Trịnh Văn Bô sau đó giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.
Vào năm 2014, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914 - 2014), Bộ Tài chính đã xuất bản cuốn sách "Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam" nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình với Đảng, Chính phủ và ngành Tài chính.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một con đường tại thủ đô để nhiều thế hệ sau vẫn còn nhớ tới nhà tư sản yêu nước.