Ngân hàng

VND tăng giá chưa hẳn tạo ra bất lợi

(VNF) - Trong kịch bản VND tăng giá dưới 5% so với USD, hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mất đi lợi thế khi cạnh tranh với các nước khác. Ở chiều ngược lại, điểm tích cực khi VND lên giá là sẽ tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu cũng như giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót vốn vào Việt Nam.

VND tăng giá chưa hẳn tạo ra bất lợi

VND tăng giá chưa hẳn tạo ra bất lợi

Tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ chính thức cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do vẫn rất ổn định, lần lượt ở mức 23.010/23.220 và 23.200/23.230.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, điều này cho thấy tác động lên thị trường là không đánh kể do hiện nay chưa rõ các bước đi tiếp theo của phía Mỹ cũng như động thái chính sách từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo quy định, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đệ trình báo cáo “Chính sách vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ” lên Quốc hội Mỹ. Theo đó, Quốc hội Mỹ sẽ yêu cầu Chính phủ Mỹ tiến hành các cuộc thương lượng với nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ nhằm tìm ra giải pháp giảm các bất công thương mại. Nếu không tìm ra giải pháp sau thương lượng, Chính phủ Mỹ có thể áp các biện pháp trừng phạt kinh tế.

SSI cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ vẫn giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn. Dù vậy, năm 2021, tỷ giá có thể giảm nhẹ, tức VND tăng giá so với USD.

Nhìn nhận về vấn đề thao túng tiền tệ, trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng Việt Nam cần sớm có các cuộc thương lượng với Chính phủ Mỹ.

Theo BVSC, khả năng cao nhất là Việt Nam trong thời gian tới sẽ hạn chế việc can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối với quy mô lớn, đồng nghĩa với việc để VND mạnh lên. Song song với đó, Việt Nam cũng cần giảm thặng dư cán cân thương mại vãng lai.

"Chúng tôi ước tính Việt Nam cần giảm thặng dư cán cân vãng lai từ mức 1 tỷ USD (theo số liệu tính đến hết tháng 6/2020 trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ) xuống mức 6,6 tỷ USD nhằm đưa chỉ tiêu này về ngưỡng dưới 2% GDP. Việc giảm thặng dư này có thể được thực hiện thông qua việc tăng nhập khẩu các mặt hàng là thế mạnh của Mỹ như máy móc thiết bị, khí LNG. Động thái này sẽ vừa giúp giảm thặng dư cán cân vãng lai vừa giúp giảm thặng dư thương mại với Mỹ", nhóm chuyên gia nêu quan điểm.

Về mặt kinh tế, BVSC nhận định việc VND mạnh lên sẽ khiến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đồng nội tệ của các nước có cạnh tranh hàng xuất khẩu với Việt Nam, điển hình như Trung Quốc, đều đã lên giá mạnh so với USD trong 11 tháng năm nay (tăng 6%).

"Do vậy, nếu VND chịu áp lực tăng giá dưới 5% (theo nhận định của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 8/2020, VND trong năm 2019 bị định giá thấp 4,7% so với USD) thì hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mất đi lợi thế khi cạnh tranh với các nước khác. Ở chiều ngược lại, điểm tích cực khi VND lên giá là sẽ tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu cũng như giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót vốn vào Việt Nam", nhóm chuyên gia cho hay.

 

Tin mới lên